Bố mẹ bỏ việc, bận thêm, thậm chí còn bực mình vì những yêu cầu hằng ngày của những cậu ấm, cô chiêu trong kỳ nghỉ hè.
Ôsin cho con
Anh Vũ là nhạc sĩ. Công việc của anh hằng ngày tương đối tự chủ về thời gian nên hè này vợ giao cho anh việc canh cậu con học lớp 5 nghỉ hè. Sau 2 tuần nghỉ ngơi có vẻ ngoan ngoãn, đến tuần thứ 3 cậu kêu buồn chán, suốt ngày gõ cửa phòng bố để vào chơi máy tính, học đánh đàn. Có con ngồi đó thì không làm việc được nên anh Vũ bàn với vợ cho con đi học hè. Không có lớp nào học hè cả buổi, toàn 1-2 giờ là cùng. Mà đã đi học hè thì đâu học một môn, lại đăng ký hết tiếng Anh đến cờ vua, rồi cả học nhạc, học bơi.
“Cậu chàng được đi học thì khoái chí lắm nhưng lại khổ mình. Dân sáng tác cần yên tĩnh, không muốn bị quấy rầy, vậy mà mình thì cứ phải canh giờ để đưa đón con đi học và đi hết từ lớp này đến trung tâm khác. Tuy đã chọn những địa điểm gần nhau nhưng vẫn cứ phải đưa, phải đón, chứ trẻ con bây giờ cho ra đường đi một mình, trời lại nắng nóng, không thể yên tâm. Vì thế, từ khi nghỉ hè là bố thành tài xế riêng cho con, chẳng sáng tạo hay sáng tác gì được nữa”- anh Vũ than thở.
Còn chị Liên cũng ngán ngẩm không kém, bị ngắt lời liên tục khi đang họp với đối tác, chỉ vì cô con gái 15 tuổi nghỉ hè ở nhà cứ điện thoại cho mẹ liên tục. “Con ở nhà một mình, không nghe điện thoại nó gọi thì không yên tâm, mà nghe thì: “Mẹ ơi, con học xong hết bài rồi, gấp quần áo xong, làm hết việc rồi, giờ con làm gì hả mẹ?”; “Mẹ ơi, con vào mạng được không?”; “Mẹ ơi, trưa mẹ có về ăn cơm với con không vậy?”; “Mẹ, chiều nay cho con đi Now zone để con mua đồ chút xíu được không?”... Mỗi lúc lại gọi để hỏi một thứ, bực mình mà không thể nói gì được, bởi vì nó cũng khôn lắm, giọng rất là ngoan ngoãn dễ thương. Đôi khi mình phải chấp nhận một số yêu sách mà bình thường không thể như vào mạng, đi Now zone chơi với bạn... mong con để yên cho mình làm việc”- chị Liên nói.
Nhiều người may mắn có ông bà nội, ngoại, cứ hè đến là gửi đi cho nhanh nhưng hầu hết các gia đình hiện đại, chỉ có 1-2 con hiện nay đều sống xa gia đình nên việc để con đi đâu, làm gì vào ngày hè đều trở thành vấn đề quan trọng.
Không quản nổi con
Nhiều gia đình, vợ chồng đều phải làm từ sáng đến khuya, không thể có thời gian hay tiền cho con đi học. Vậy bọn trẻ làm gì?
Chị Hoàng Ngọc Phượng (quận 8-TPHCM) đành phải để con gái 14 tuổi ở nhà chơi với internet. Hậu quả là con bé nghe bạn ảo trên mạng dụ dỗ, đưa cả ảnh nóng của mình lên.
“Tôi về nhà, có hôm thấy đồ trang điểm của mình bị lục tung, hôm thì quần áo, giày dép. Hỏi thì con gái nói muốn thử một tí. Không ngờ, cậu nó điện thoại báo nó đã tung ảnh nóng lên mạng. Tức tốc về nhà nói chuyện với con. Nó gỡ xuống nhưng vẫn hậm hực. Tôi cắt internet thì nó bỏ ăn, đóng cửa phòng nằm im. Tôi đành nhượng bộ, với điều kiện phải chấm dứt trò đó. Nhưng ngay lập tức lại sinh ra trò mua đồ trên mạng. Bao nhiêu tiền lì xì đầu năm, tiền các cô, các bác đến cho, mang hết đi mua đồ. Tôi cũng chỉ phát hiện khi gặp chuyện. Nó đem tiền đi lấy đồ, bị chính đứa đưa đồ giật mất, ngã lăn ra đất, gãy cả tay. Đấy là nhà tôi còn có người giúp việc, chứ nếu không thì không biết có chuyện gì xảy ra nữa. Thực sự, đến nước này không lẽ tôi phải đưa con theo đi làm?”- chị Phượng nói như muốn khóc.
Còn anh Trần Gia Thức, phường 6, quận Tân Bình - TPHCM, cũng không kém phần xót xa khi kể về trường hợp của con mình: “Thực sự tôi không biết con tôi ở nhà làm gì từ hè đến giờ. Tôi đi làm thì nó chưa dậy, tôi về thì nó đã ngủ. Đến ngày chủ nhật vừa rồi, được nghỉ ở nhà, tôi mới phát hiện nó toàn ngồi chết gí ở tiệm internet. Nhưng vì nhà khó khăn, tiền đâu mà chơi, nó ngồi chơi ké bên cạnh mấy đứa có tiền. Có đứa mất đồ, đổ cho nó lấy, đuổi đánh. May mà tôi ở nhà, không thì con tôi đã nhừ đòn. bây giờ chỉ còn giải pháp nhốt con trong nhà. Nhưng cũng vẫn lo nó cuồng chân, cuồng tay rồi lại nghịch ngợm, có ngày cháy nhà chứ không vừa”.
Cô Nguyễn Anh Phi, nguyên hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí, quận 1-TPHCM, cho biết: “Các ông bố, bà mẹ bận rộn, ngay từ trong thời gian con đang học chính khóa, không nên để con quá phụ thuộc vào sự chăm sóc của bố mẹ. Hãy để chúng tự biết chăm sóc bản thân và đề ra những công việc và kỷ luật trong gia đình mà chúng phải theo. Nếu trẻ còn bé, bố mẹ buộc phải dành thời gian chăm sóc con trong dịp hè. Nhưng những cháu tuổi từ 12-17 thì bố mẹ cần đưa các cháu vào quy củ. Có như vậy ý thức tự lập, biết tự chịu trách nhiệm về bản thân mới giúp các cháu có một mùa hè bổ ích mà không cần có quá nhiều sự có mặt của bố mẹ”.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)