Tiếp nhận 8,9 tỉ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ khắc phục hạn hán của Chính phủ, các đơn vị chức năng tỉnh Quảng Bình đang ra sức triển khai phương án chống hạn.
Cũng như nhiều con sông khác, nguồn Rào Nan cung cấp nước ngọt cho trạm bơm Rào Nan có công suất trên 10.000 m3/giờ, để bơm nước tưới cho 1.400 ha lúa hai vụ tại 9 xã vùng nam của huyện Quảng Trạch đã cạn kiệt gần một tháng nay, mực nước tụt giảm xuống khoảng 1m, vì thế trạm bơm rất khó vận hành.
Ông Nguyễn Viết Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi Quảng Bình cho biết: “Những ngày qua, công ty đã huy động toàn bộ lực lượng tại chỗ tiến hành nạo vét dòng chảy để trạm bơm hoạt động phục vụ chống hạn cho lúa”.
|
UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các đơn vị và địa phương khẩn trương triển khai chống hạn. Cụ thể là thay đổi phương thức từ tưới đồng thời sang tưới luân phiên và tưới giữ ẩm để tiết kiệm nước; nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, gia cố bờ vùng để giữ nước tại mặt ruộng. Bên cạnh đó phải chú ý đầu tư lắp đặt các trạm bơm điện, bơm dầu dã chiến nhằm tận dụng hết lượng nước “chết” trong các kênh mương, hồ đập.
Hạn hán kéo dài cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước sinh hoạt. Hàng ngàn hộ dân tại các địa bàn như xã Lâm Thủy, Kim Thủy (H.Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), Tân Trạch, Thượng Trạch (H.Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cùng phần lớn các xã ở huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa đang lâm vào cảnh cùng khổ.
Người dân phải đi hàng cây số, chắt chiu từng giọi nước cặn từ các khe suối, sông hồ về sử dụng. Hiện tại, chính quyền địa phương chưa có giải pháp gì hữu hiệu để cung cấp nước cho người dân ở các địa bàn này.
Quảng Trị: Nắng nóng trên 40 độ C, nông dân vẫn ra đồng cứu lúa
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị, hiện nay, trên địa bàn có đến hơn 7.800 ha lúa vụ hè thu (trên tổng số 20.000 ha) bị khô hạn (chiếm 37% diện tích lúa toàn tỉnh) và hàng ngàn ha hoa màu thiếu nước tưới...
Đi khắp các làng quê, dễ dàng nhìn thấy những cây lúa èo ọt, nghiêng ngả trên những mảnh đất ruộng khô khốc, nứt toác. Chính vì thế, nên dù trời nắng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời lên trên 40 độ C, nhưng nhiều nông dân vẫn phải ra đồng để tìm mọi cách cứu lúa.
|
Không chỉ trông chờ vào việc phân phối nước của các xí nghiệp thủy nông, các hộ dân đã chủ động mua máy bơm và cho chạy máy liên tục để xả nước vào ruộng đồng. Tuy vậy, lão nông Trần Văn Vinh (ở xã Cam Thuỷ, huyện Cam Lộ) vẫn lắc đầu: “Cách này vẫn chỉ là giải pháp cầm hơi thôi chứ nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài như hiện nay thì mấy ha lúa của nhà tui coi như mất trắng”.
Hiện cứu lúa là việc làm cấp bách nhất mà các ngành chức năng địa phương cũng như người nông dân thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã nhiều lần đi kiểm tra và phối hợp với chính quyền sở tại triển khai các biện pháp hữu hiệu để chống hạn.
Ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở cho biết: “Không những cứu lúa mà còn cần phải giữ được diện tích lúa còn lại chưa bị hạn. Chúng tôi đang dồn toàn lực để cho người nông dân không phải gánh chịu quá nhiều hậu quả từ đợt hạn này”.
Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu ngành điện lực cung ứng đủ điện để các trạm bơm hoạt động, điều tiết nước và động thái mới đây nhất là phân bổ 5,8 tỉ đồng nguồn vốn của Trung uơng về các địa phương để việc cứu lúa có hiệu quả, có “lực” hơn.
Đà Nẵng: Ưu tiên cấp điện chống hạn
Ngày 6.7, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP Đà Nẵng cho biết trước thực trạng 1.318/3.300 ha lúa hè thu bị khô hạn cùng 300 ha lúa ở P.Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn và các xã miền núi huyện Hòa Vang không thể canh tác do thiếu nước, UBND TP Đà Nẵng vừa yêu cầu Tổng Công ty Điện lực miền Trung ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm chống hạn.
Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng đã phối hợp với Điện lực Q.Cẩm Lệ sử dụng lưới điện từ huyện Đại Lộc, Quảng Nam để chạy trạm bơm điện công suất 1.000 m3/giờ, lắp đặt trạm biến áp cơ động 100 kVA, huy động thêm 12 máy bơm lấy nước từ sông Yên và Bàu Thị, tạm thời đủ nước cung ứng cho 1.200 ha lúa của huyện Hòa Vang, Q.Cẩm Lệ, Q.Liên Chiểu, đặc biệt nguồn nước đã kịp thời “cứu” 200 ha lúa đang thiếu nước nghiêm trọng tại xã Hòa Khương, Hòa Phong. 455 ha lúa phía huyện Hòa Vang giáp Q.Liên Chiểu cũng đã được 6 máy bơm mới lắp đặt cấp nước từ các suối, ao hồ tự nhiên.
|
Tuy nhiên, lắp thêm máy bơm cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện nay mực nước 2 hồ Đồng Nghệ và Hòa Trung, hai hồ thủy lợi cung ứng nguồn nước tưới chính cho vụ mùa đã xuống dưới mực nước chết, 1.100 ha lúa trước đây nhận nước từ hai hồ này đang “kêu cứu”.
Trong khi đó, Đài khí tượng thủy văn Trung Trung bộ cho biết, từ cuối tháng 6 đến nay, TP Đà Nẵng xuất hiện 2 - 3 trận mưa nhỏ, lượng mưa không đáng kể, dự báo lượng mưa trong tháng 7 sẽ thấp hơn trung bình hằng năm khoảng 20 - 30%, có khi giảm đến 60 - 70%, vì vậy hạn hán có thể kéo dài và nghiêm trọng hơn.
|
Quảng Nam: Nơi khát, nơi ngập mặn
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, do hạn hán kéo dài, 4.841/44.500 ha lúa hè thu trên địa bàn tỉnh bị hư hại. Khác với tình cảnh lúa chết cháy, nhiều nông dân tại Quảng Nam trắng tay bởi tình trạng xâm nhập mặn.
Xã Tam Phú, Tam Thăng - TP. Tam Kỳ mất hơn 550 ha lúa do sông Bàn Thạch bị nhiễm mặn trầm trọng. Tương tự, huyện Duy Xuyên mất 460 ha lúa do sông Thu Bồn bị nhiễm mặn, huyện Điện Bàn: gần 200 ha đã gieo sạ nhưng bị khô hạn do nguồn nước sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn… Ngoài ra, báo cáo của Sở NN&PTNT cho biết các huyện trung du và miền núi Quảng Nam có trên 3.000 ha lúa không thể gieo sạ vì khô cằn cùng với 5.000 ha cây trồng thiếu nước tưới và gần 5.000 người dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Gần 5.000 ha lúa hè thu tỉnh Quảng Nam bị chết khát - Ảnh Nguyễn Tú |
Trước tình cảnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng triển khai đập ngăn mặn tại Cầu Đen (huyện Duy Xuyên) và sông Bàn Thạch, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến Tứ Câu, Cẩm Sa (huyện Điện Bàn), tăng cường xả nước Phú Ninh rửa mặn. Đồng thời, UBND tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 17 tỉ đổng để đắp đập ngăn mặn, nạo vét các đoạn sông, mua thêm máy bơm dầu chống hạn.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 3.000 tấn gạo để cứu đói kịp thời cho nhân dân vùng bị thiên tai hạn hán, mất mùa.
Trương Quang Nam - Nguyễn Phúc - Nguyễn Tú
Bình luận (0)