Nga bảo vệ con nuôi

19/04/2011 14:16 GMT+7

Nga và Mỹ sẽ ký kết một hiệp định song phương về vấn đề cho - nhận con nuôi vào tháng 5 tới để hạn chế tối đa trường hợp lạm dụng và bạo hành trẻ em.

Theo thống kê, người Mỹ đã nhận nuôi khoảng 60.000 trẻ em Nga từ năm 1991 nhưng ông Pavel Astanov, phái viên đặc trách về quyền trẻ em của tổng thống Nga, cho rằng con số thực tế có thể cao hơn, khoảng 100.000 trẻ.

 
Cậu bé người Nga Artyom Savelyev và mẹ nuôi người Mỹ - Ảnh: The Star

Nhiều vụ bê bối
 
Kênh truyền hình Russia Today (Nga) dẫn lời ông Pavel Astanov cho biết: “Đã có 17 trẻ tử vong, vài chục trẻ bị hành hạ và hàng trăm trẻ không rõ tung tích”. Những năm giữa thập niên 1990, có khoảng 14.000 đứa trẻ rời Nga đến Mỹ mỗi năm và phần lớn những cuộc ra đi như thế đều bất hợp pháp. Nhiều công ty tư nhân đã liên hệ trực tiếp với người quản lý các trại trẻ mồ côi để giúp các bậc cha mẹ ngoại quốc nhận nuôi trẻ em Nga. Trước tình hình đó, một số người lo lắng rằng giới hữu trách khó lòng nắm rõ cuộc sống của những đứa trẻ được đưa ra khỏi Nga bằng cách này.
 
Ngoài công dân Mỹ, công dân các nước Anh, Pháp, Ý, Đức, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển cũng nhận trẻ em Nga làm con nuôi. Tuy nhiên, đến nay, Nga chỉ mới ký kết một hiệp ước về việc nhận con nuôi với Ý sau khi xảy ra một vụ đưa trẻ em rời Nga trái phép. Tháng 5 tới, Nga và Mỹ sẽ ký kết một hiệp định song phương về vấn đề cho - nhận con nuôi sau một loạt rắc rối nảy sinh trong chuyện cho - nhận con nuôi giữa hai nước.
 
Có thể nói “giọt nước làm tràn ly” chính là vụ cậu bé Artyom Savelyev, bé trai 7 tuổi người Nga, bị mẹ nuôi người Mỹ gửi trả lại bằng cách cho lên máy bay về Nga một mình. Một vụ việc khác cũng gây bất bình mạnh mẽ trong dư luận Nga, khiến Nga tạm thời cấm không cho công dân Mỹ nhận trẻ em nước này làm con nuôi cho đến khi hiệp định được chính thức ký kết. Một đoạn phim quay cảnh bà mẹ nuôi người Mỹ, Jessica Bigley, “giáo dục” đứa con nuôi người Nga không vâng lời bằng cách nhấn bé dưới vòi nước lạnh và bắt ngậm nước xốt cay trong miệng được tung lên mạng internet. Bà mẹ nuôi này đã bị kết tội hành hạ trẻ em.
 
Giám sát chặt chẽ
 
Ở Mỹ, một khi đứa trẻ trở thành con nuôi, chính quyền sẽ kết thúc việc giám sát hoạt động của gia đình nhận nuôi để tránh sự xâm phạm cuộc sống riêng tư. Hơn nữa, một đứa con được nhận nuôi ở nước này sẽ được cấp giấy khai sinh mới, cho nên cha mẹ nuôi được phép không tiết lộ cho đứa trẻ biết việc được nhận nuôi. Do đó, nhiều người Mỹ quan ngại hiệp định song phương về việc cho - nhận con nuôi ít nhiều ảnh hưởng đến việc giữ bí mật thông tin. Về phía Nga, họ cho rằng Mỹ không nên vin vào cớ bảo mật thông tin để tiếp tục tình trạng trẻ em không được giám sát và bảo vệ kỹ lưỡng.
 
Theo trang Voice of Russia (Nga), ông Boris Altshuler thuộc Viện Xã hội về các vấn đề xã hội và chính sách dân số Nga, nói: “Hiệp định mới phải cung cấp một cơ chế giám sát cuộc sống trẻ được nhận nuôi tốt hơn nhằm ngăn chặn trường hợp bị hành hạ hay lạm dụng. Không những thế, những cặp vợ chồng muốn nhận con nuôi phải trải qua khóa đào tạo kiến thức cơ bản. Sau khi nhận con nuôi, giới chức phải thường xuyên giám sát các gia đình, ít nhất là trong năm đầu tiên. Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với trẻ để hòa nhập vào gia đình mới”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.