Nga dọa mở lại căn cứ quân sự ở Cuba

Khánh An
Khánh An
02/11/2018 08:00 GMT+7

Việc mở lại căn cứ quân sự ở Cuba có thể được Nga tiến hành nếu Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận hạt nhân song phương được ký từ năm 1987.

Đài RT ngày 1.11 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Vladimir Shamanov cho biết nước này có thể tái triển khai các căn cứ quân sự ở Cuba nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). “Quy trình đánh giá tác động đang được tiến hành. Không loại trừ khả năng vấn đề này sẽ được đề cập tại cuộc gặp với lãnh đạo Cuba sắp tới ở Moscow”, ông Shamanov nói.
Dự kiến, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 2.11 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Ông Shamanov cho biết vẫn còn nhiều vấn đề phải đạt được trước khi mở lại căn cứ ở Cuba, đảo quốc chỉ cách bờ biển Mỹ khoảng 145 km. “Để tăng cường hiện diện quân sự ở Cuba, ít nhất chúng tôi phải được sự đồng ý của chính phủ nước này. Nói cho cùng thì vấn đề mang tính chính trị hơn là quân sự và có lẽ hiện vẫn còn sớm để đề cập đến biện pháp cụ thể nhằm đáp trả khả năng Mỹ rút khỏi INF”, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga nhấn mạnh.
Trước đó, vào ngày 20.10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đơn phương rút khỏi hiệp ước từ thời Chiến tranh lạnh với Nga về việc giới hạn số lượng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm trung, có tầm bắn từ 500 - 5.500 km. Ông Trump cho rằng Nga “nhiều lần vi phạm” INF. Trong khi đó, Moscow luôn bác bỏ cáo buộc, đồng thời chỉ trích ngược Mỹ mới là bên vi phạm thỏa thuận được ký năm 1987.
Trả lời Hãng RIA Novosti, ông Shamanov nhận định: “Nếu không dừng lại và đối thoại, chúng ta sẽ có thể gây ra tình huống tương tự như Khủng hoảng Cuba”. Khủng hoảng tên lửa Cuba bắt đầu vào năm 1962 đã suýt đẩy thế giới đến bờ vực chiến tranh hạt nhân khi Moscow đưa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đến Cuba sau khi Washington triển khai tên lửa đến Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng trong thời Chiến tranh lạnh, Liên Xô mở căn cứ thu thập thông tin tình báo gần Havana vào năm 1967. Đây là trạm thu thập tín hiệu lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài với 3.000 nhân viên. Sau khi Liên Xô tan rã, trạm này giảm quy mô và dừng hoạt động vào năm 2001.
Nhận định về khả năng Moscow mở lại căn cứ, ông Viktor Murakhovsky, thành viên Hội đồng chuyên gia thuộc Ủy ban Công nghiệp quân sự Nga, cho rằng sự hiện diện quân sự của nước này tại Cuba sẽ mang ý nghĩa to lớn. Theo ông, khó có khả năng Nga điều tên lửa đến Cuba lần nữa nhưng việc mở lại căn cứ tình báo sẽ giúp thu thập những “thông tin thú vị về láng giềng” của nước này. Trong khi đó, cựu sĩ quan hải quân Nga Konstantin Sivkov cho rằng Nga sẽ không đưa lực lượng quân sự trở lại đảo quốc Caribbean. “Khi trước, chúng ta buộc phải ra quyết định vì không có đủ tên lửa đạn đạo liên lục địa. Giờ chúng ta đã có”, ông Sivkov nói với RT.
Tháng 12.1987, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đặt bút ký Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung. INF chính thức có hiệu lực một năm sau đó, đã dẫn đến việc phá hủy hoàn toàn 2.692 tên lửa, trong đó có 846 của Mỹ và 1.846 của Liên Xô. Hiệp ước có vai trò đáng kể trong việc ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang, đồng thời xoa dịu căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân. Với tuyên bố mới của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump, cựu lãnh đạo Liên Xô Gorbachev cảnh báo có thể là sự châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng một khi thế cân bằng hạt nhân Nga - Mỹ bị đe dọa thì hệ lụy về an ninh thế giới sẽ khôn lường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.