(TNO) Nga đã quyết định xuất khẩu tổ hợp tên lửa phòng không S-400 SAM cho Trung Quốc, theo tiết lộ từ một nguồn tin có thẩm quyền trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga của tờ nguyệt san quốc phòng Kanwa Asian Defence số tháng 7.2013.
>> Nga bác tin bán chiến đấu cơ và tàu ngầm cho Trung Quốc
>> Báo Nga bác tin Syria nhận tên lửa S-300
Đây là một sự nhượng bộ nữa của Nga sau khi đồng ý bán chiến đấu cơ Su-35 và phiên bản tàu ngầm Lada cho Bắc Kinh.
Trung Quốc liên tục đặt vấn đề mua hệ thống S-400 trong các hội nghị thường niên giữa hai chính phủ cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, do bực tức việc Trung Quốc sao chép các hệ thống vũ khí của mình, Nga vẫn ngập ngừng cho đến cuối năm 2012, khi Moscow lần đầu tiên thông báo trực tiếp với Bắc Kinh họ đồng ý xuất khẩu S-400.
Nguồn tin của Kanwa Asian Defence nói hai nước vẫn chưa ký thỏa thuận hoặc hợp đồng chính thức song việc đàm phán đã được đưa vào nghị trình.
“Chúng tôi quyết định rằng radar, hệ thống điều khiển và kiểm soát của S-400 SAM có thể được bán cho Trung Quốc, song trọng tâm của các cuộc đàm phán tương lai là chọn lựa hệ thống tên lửa. Có một điều chắc chắn là Nga sẽ không bán cho Trung Quốc phiên bản S-400 SAM mà quân đội của chúng tôi sử dụng. S-400 có phiên bản xuất khẩu”, nguồn tin tiết lộ.
Tên lửa khống chế Đài Loan
Theo quảng cáo, phiên bản xuất khẩu của S-400 bao gồm tên lửa có tầm bắn 380 km. Nếu sở hữu S-400, Trung Quốc có thể khống chế hoàn toàn không phận Đài Loan. Hiện tại, các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 và S-300 chỉ có thể kiểm soát một phần nhỏ phía đông bắc Đài Loan.
|
Trái với những tường thuật trước đó, Kanwa Asian Defence cho biết không có thỏa thuận mua bán vũ khí lớn nào được ký kết trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Việc chuẩn bị để ký kết hợp đồng chính thức liên quan đến việc bán tàu ngầm Lada và chiến đấu cơ Su-35 cho Trung Quốc vẫn đang được tiến hành. Nhiều quan chức cấp cao của Nga cũng nói với Kanwa Asian Defence việc đàm phán sẽ kéo dài nhiều vòng và sẽ không dễ dàng, bởi mỗi thỏa thuận mua bán vũ khí đều kèm theo nhiều hợp đồng phụ có thể được ký trong các giai đoạn khác nhau.
Lo ngại chung về lá chắn tên lửa của Mỹ
Theo đánh giá của Kanwa Asian Defence, ngoài vấn đề quan hệ chính trị song phương, lý do quan trọng nhất khiến Nga quyết định bán S-400 cho Trung Quốc có thể bắt nguồn từ việc Mỹ và Nhật phát triển chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Cụ thể, việc Mỹ phát triển tên lửa SM3 Block 2 trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis cùng những loại tên lửa kế tiếp nhắm đến mục đích sau cùng là phát triển tên lửa đánh chặn có tốc độ bay 6,5 km/giây. Các hệ thống do thám và radar tương ứng có thể được triển khai trên lãnh thổ Nhật sẽ đặt các quân đoàn tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga đóng tại Siberia vào thế rất thụ động.
Để đối phó với những diễn biến này, Nga và Trung Quốc đã củng cố việc thông tin và hợp tác về công nghệ phòng thủ tên lửa. Trong bối cảnh đó, Moscow đã quyết định bán S-400 cho Bắc Kinh.
Những tác động tiêu cực của chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ đã được phía Nga "biểu diễn" cho Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn trong chuyến tháp tùng ông Tập Cận Bình đến Nga hồi tháng 3 và phía Trung Quốc hết sức quan tâm, theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga A. Antonov.
Trước việc Mỹ tuyên bố hủy bỏ kế hoạch triển khai tên lửa đánh chặn ở Romania, Nga và Trung Quốc dĩ nhiên lo ngại về những phát biểu của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe rằng Nhật sẽ tham gia chương trình SM3 Block 2 của Mỹ.
Về phía Trung Quốc, lý do căn bản để họ muốn mua S-400 là vì muốn tiếp cận công nghệ tân tiến của Nga, đặc biệt là công nghệ động cơ dành cho tên lửa đất đối không tầm xa, nhằm nâng cấp tên lửa HQ-9A của họ. HQ-9A hiện chỉ có tầm bắn 125 km và cần phải có động cơ thế hệ mới nếu muốn mở rộng tầm bắn lên hơn 200 km.
Sơn Duân
>> Nga triển khai S-400 ở khu vực giáp Trung Quốc và Triều Tiên
>> Nga thử hệ thống tên lửa phòng không S-400
>> Quân khu miền đông Nga nhận tên lửa S-400
>> Nga đưa tên lửa S-400 tới vùng Viễn đông
>> Nga sắp triển khai tên lửa S-400 ở Kaliningrad
Bình luận (0)