(TNO) Nga đã đưa ra đề xuất để chính phủ Syria và phe nổi dậy tiến hành quá trình cải cách trong vòng 18 tháng, bắt đầu bằng một cuộc bầu cử, theo Reuters. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Nga phủ nhận thông tin này.
Nga được cho là đã soạn ra bản đề xuất cải cách trong vòng 18 tháng tại Syria - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters ngày 10.11, Nga đã soạn ra đề xuất gồm 8 điểm trước khi cuộc đàm phán quốc tế về tình hình Syria diễn ra trong tuần này tại Vienna (Áo). Trong bản đề xuất này không loại trừ khả năng Tổng thống Bashar al-Assad sẽ tham gia vào cuộc bầu cử.
“Tổng thống dân bầu của Syria sẽ nắm chức tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, kiểm soát các cơ quan đặc biệt và chính sách đối ngoại”, Reuters trích từ bản đề xuất.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga phủ nhận rằng không có tài liệu nào được soạn thảo cho cuộc họp về Syria trong tuần này tại Vienna. “Thông tin này không đúng sự thật”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova nói.
Theo bản đề xuất được cho của Nga mà Reuters có được, các bên tại Syria cần đồng ý về tiến trình được đưa ra tại các kỳ họp do Liên Hiệp Quốc tổ chức trong tương lai. Đồng thời, tiến trình cải cách cần được mọi bên đồng ý chứ không chỉ riêng phía Tổng thống Assad.
Phương Tây thì cho rằng không thể có hòa bình tại Syria nếu ông Assad còn tại vị. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond ngày 9.11 nói rằng các nhóm đối lập sẽ không thể tham gia tiến trình cải cách và một lệnh ngừng bắn hiệu quả sẽ không đạt được trừ phi Tổng thống Assad ra đi.
Theo văn bản đề xuất của Nga, phe đối lập Syria muốn tham gia tiến trình cải cách cần phải thành lập một phái đoàn hợp nhất và phải được chấp thuận trước.
Các quan chức ngoại giao phương Tây cho rằng các nước phản đối chính quyền Assad khó có thể chấp nhận đề xuất này của Nga, đặc biệt là trong cuộc họp tại Vienna sắp tới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga thì nói Moscow sẽ tập trung vào 2 vấn đề chính tại cuộc họp này: xác định đâu là các nhóm khủng bố tại Syria và trong khu vực, và thành lập một danh sách các đại diện phe đối lập tại Syria có thể tiến hành đàm phán.
Bình luận (0)