Nga triển khai chiến thuật 'bom lượn', Ukraine có thể mất thêm đất

Trí Đỗ
Trí Đỗ
29/03/2024 11:20 GMT+7

Nga hiện tăng cường các cuộc tấn công bằng bom lượn để nhắm vào hệ thống phòng thủ của Ukraine trong khi giữ an toàn cho các máy bay tấn công của mình, theo Business Insider ngày 27.3.

Chiến thuật này cho thấy Nga đã thích nghi với những hạn chế của mình, từ đó giúp Moscow giành được những chiến thắng mới trên chiến trường gần đây. Ukraine gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với những mối đe dọa từ chiến thuật mới này của Nga do thiếu tên lửa phòng không và viện trợ nhỏ giọt từ phương Tây.

Các chuyên gia quân sự cho rằng Ukraine có thể sẽ mất thêm lãnh thổ và lực lượng giàu kinh nghiệm. Ông George Barros, trưởng nhóm tình báo không gian địa lý và là nhà phân tích Nga tại Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW-Mỹ), nói với Business Insider: "Việc Nga sử dụng bom lượn thực sự cho thấy mức độ nguy hiểm của quân đội Nga".

Nga ồ ạt ném ‘bom lượn, Ukraine có thể mất thêm đất

Nga đạt bước tiến nhờ bom lượn

Bom lượn cho phép lực lượng Nga tấn công các vị trí kiên cố từ xa hơn pháo binh mà không cần mạo hiểm điều máy bay chiến đấu vào tầm ngắm của hệ thống phòng không Ukraine. Những điểm yếu về độ chính xác được bù đắp bằng sức mạnh hỏa lực, bởi những quả bom này có thể nặng tới 3 tấn.

Thời gian bay ngắn, tín hiệu phản xạ radar nhỏ và quỹ đạo phi đạn đạo khiến bom lượn rất khó bị đánh chặn. Ukraine từ lâu đã cảnh báo rằng chúng có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng, và thực tế trong vài tháng qua đã chứng minh mối lo ngại này.

Nga triển khai chiến thuật 'bom lượn', Ukraine có thể mất thêm đất- Ảnh 1.

Hiện trường trong một vụ tấn công ở Zaporizhzhia (Ukraine) ngày 28.3.2024

REUTERS

Trong một báo cáo công bố tuần trước, các nhà phân tích tại ISW cho rằng, lực lượng Nga đã tăng cường đáng kể các cuộc tấn công bằng bom lượn có điều khiển và không điều khiển nhắm vào các vị trí ở hậu phương và tiền tuyến của Ukraine kể từ đầu năm 2024.

Việc Nga đã chiếm được thành phố Avdiivka (Ukraine) này đã chứng minh tính hiệu quả của chiến thuật "bom lượn" này cũng như đánh dấu bước tiến lớn nhất trong gần 1 năm qua. Các chuyên gia cho rằng thay vì độ chính xác, số lượng lớn các cuộc tấn công bằng bom lượn sẽ làm lung lay tinh thần của binh sĩ Ukraine, từ đó tạo ảnh hưởng lâu dài trong tương lai.

Theo ông Barros, phía Nga đang hiểu rõ cách thức tiến hành các cuộc tấn công vào các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine để làm cạn kiệt nhanh nhất hệ thống phòng không của Ukraine.

"Khi phòng không Ukraine bị hạn chế, Nga sẽ sử dụng máy bay cánh cố định để thực hiện các cuộc tấn công bằng bom lượn. Nếu Ukraine có hệ thống phòng không tốt hơn, họ có thể ngăn chặn đối phương sử dụng bom lượn bằng cách buộc máy bay cách xa chiến tuyến hơn", ông Barros nói thêm.

Nga dùng bom lượn phá hủy mọi công sự của Ukraine

Trong trường hợp khả năng phòng không của Ukraine ngày càng suy giảm, có thể cần xem xét các kịch bản tệ hơn khi không quân Nga có thể hoạt động trên bầu trời Ukraine mà không gặp bất cứ chướng ngại nào, ông Barros cho hay.

Ukraine có thể mất thêm lãnh thổ

Máy bay Nga đã thả hơn 3.500 quả bom xuống các vị trí của Ukraine trong gần 3 tháng qua, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung tướng Ivan Gavrylyuk viết trong một bài xã luận ngày 18.3 cho hãng thông tấn Ukrinform. Ông cho biết con số này cao hơn nhiều so với năm trước.

Nga đã tìm ra một chiến thuật hiệu quả nên nhanh chóng tăng cường sản xuất các loại bom lượn. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga cho biết việc sản xuất một số loại đạn dược đang gia tăng, bao gồm bom FAB-500 (500 kg), FAB-1500 (1,4 tấn) và bom FAB-3000 ( 3 tấn) - tất cả được cho là đều được sửa đổi và biến thành bom lượn.

Nga triển khai chiến thuật 'bom lượn', Ukraine có thể mất thêm đất- Ảnh 2.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi việc viện trợ quân sự từ các đối tác ngày 20.3.2024

REUTERS

Theo ông Justin Bronk, một chuyên gia về không quân tại Viện nghiên cứu Thống nhất Hoàng gia (RUSI-Anh), nhiều quả bom lượn của Nga đang được thả ở khoảng cách lên tới 50 km hoặc xa hơn phía sau chiến tuyến, khiến Ukraine khó có thể tấn công những máy bay này bằng các hệ thống phòng không hiện có, ngoài hệ thống MIM-104 Patriot do Mỹ sản xuất.

Bom lượn thường được sử dụng nhắm vào các mục tiêu cố định, tức là chúng đặc biệt hiệu quả ở những khu vực từng xảy ra giao tranh kéo dài. Chẳng hạn như ở Avdiivka - nơi các vị trí của Ukraine tương đối dễ bị phát hiện.

"Điều đó khiến việc lập kế hoạch tấn công bằng bom lượn vào các mục tiêu cố định trở nên khả thi. Chúng chứa nhiều chất nổ hơn so với đạn pháo hoặc tên lửa, đặc biệt là những quả bom nặng 1,5 tấn", ông Bronk giải thích. Do đó, những quả bom có ảnh hưởng tâm lý lớn hơn so với pháo binh.

Nga nói Ukraine tổn thất nhiều tổ hợp HIMARS, Patriot

Để giảm các mối đe dọa từ bom lượn, Ukraine cần tăng cường đáng kể các máy bay đánh chặn phòng không và đạn pháo. Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky thường xuyên nói rằng kho vũ khí phòng không hiện có của Ukraine không đủ để bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công dồn dập, đồng thời kêu gọi các đối tác tăng cường viện trợ.

Mỹ hiện vẫn trì hoãn các gói viện trợ bổ sung cho Ukraine, khiến Kyiv ngày càng thiếu các thiết bị quân sự cần thiết gồm khả năng phòng không và đạn dược. Tuần trước, Nhà Trắng nhấn mạnh, việc Mỹ cung cấp thêm khí tài phòng không cho Ukraine là "rất quan trọng".

Sức mạnh của bom lượn Nga còn có lợi thế lớn về pháo binh, kho vũ khí ngày càng cạn kiệt của Ukraine và triển vọng ảm đạm về các gói viện trợ từ Mỹ và phương Tây là các yếu tố khiến cục diện chiến sự theo hướng bất lợi cho Kyiv. "Nếu không được Mỹ thông qua khoản viện trợ bổ sung, rất khó để Ukraine tránh được nguy cơ mất thêm lãnh thổ, nhất là khi Nga có thể sẽ tiến hành cuộc tấn công lớn vào mùa hè", ông Bronk nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.