Lật tẩy chiêu bài "tạm nhập tái xuất"
Ngày 5.5, Chi cục HQ cảng Hải Phòng phát hiện hơn 2,1 tấn ngà voi giấu trong rong biển. Chưa đến 10 ngày sau (14.5), HQ khu vực 3 cảng Hải Phòng phát hiện 1,6 tấn ngà voi giấu trong rau câu khô. Đến ngày 25.5, Đội kiểm soát HQ Hải Phòng phát hiện 383 kg ngà voi giấu trong 1 container vỏ ốc và mới đây nhất, ngày 28.5, đội này phát hiện 1,24 tấn ngà voi giấu trong rong biển. Tổng cộng, chỉ trong tháng 5 các đơn vị HQ Hải Phòng phát hiện hơn 5,3 tấn ngà voi nhập lậu vào cảng Hải Phòng với nhiều thủ đoạn cất giấu cực kỳ tinh vi. Phần lớn lượng ngà voi đều xuất xứ từ châu Phi, vào VN theo diện tạm nhập tái xuất và hướng đi tiếp theo của các lô hàng có chứa ngà voi thường là Trung Quốc.
Theo ông Vũ Hoàng Dương, Đội trưởng Đội kiểm soát HQ - Cục HQ Hải Phòng, việc các đối tượng buôn lậu lựa chọn Hải Phòng có thể do đây là một trong những địa điểm thuận lợi trong hải trình từ châu Phi sang các thị trường tiêu thụ chính. Bên cạnh đó, khu vực cảng Hải Phòng chưa được lắp đặt máy soi container cũng có thể là nguyên nhân khiến các đối tượng không ngần ngại đưa ngà voi quá cảnh qua đây. Bởi theo lộ trình cải cách hành chính của ngành HQ, hiện nay phần lớn loại hàng hóa xuất nhập khẩu được miễn kiểm tra thực tế (thuộc luồng xanh). Đặc biệt, những lô hàng có giá trị thấp, thuế suất thấp, là hàng tạm nhập tái xuất như các lô hàng cất giấu ngà voi (thường là rong biển, rau câu khô…) thường được cho thông quan nhanh chóng.
Ngà voi thường được cưa ngắn để dễ cất giấu - Ảnh: V.A |
Thực tế cho thấy, tất cả các vụ buôn lậu ngà voi vừa qua đều được đối tượng sử dụng chiêu bài “tạm nhập, tái xuất”, vỏ bọc để “gói” ngà voi thường là những mặt hàng có giá trị thấp từ châu Phi rồi tái xuất sang Trung Quốc. Do nắm bắt được đặc điểm này nên lực lượng HQ tại Hải Phòng đã chú ý kiểm soát rất chặt chẽ các lô hàng có xuất xứ từ châu Phi. Để đối phó, các đối tượng buôn lậu luôn tìm cách xóa dấu vết thực sự về nguồn gốc của lô hàng. Theo ông Vũ Hoàng Dương, thủ đoạn của chúng là cho hàng quá cảnh qua nhiều nước, hoặc vận chuyển và tập kết tại các đảo ngoài khơi Ấn Độ Dương trước khi vận chuyển về châu Á. Đơn cử như vụ nhập lậu hơn 2,1 tấn ngà voi được phát hiện ngày 5.5. Cảng xuất đầu tiên là Mombasa (Kenya), sau đó lô hàng được quá cảnh ở Nam Phi, Hồng Kông và cảng Cái Lân (Quảng Ninh) trước khi chuyển tải về cảng Hải Phòng. Với những thủ đoạn này, nếu lực lượng HQ không điều tra, xác minh kỹ trên vận đơn của hãng tàu thì khó có thể phát hiện ra xuất xứ từ châu Phi của lô hàng đó.
Gian nan xử lý
Ông Vũ Hoàng Dương cho biết để cất giấu ngà voi, các nhóm buôn lậu thường cưa ngà thành từng khúc ngắn, giấu trong bao tải phủ rong khô, vỏ ốc… “Thậm chí có lần chúng rút lõi các kiện gỗ thanh xẻ mỏng ra, cho ngà voi vào rồi lại xếp gỗ bên ngoài. Chúng tôi gặp rất khó khăn, phải dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ mới có thể phát hiện các lô hàng chứa ngà voi”, ông Dương phân tích. Cục HQ Hải Phòng cũng đang đề nghị các cơ quan chức năng trang bị máy soi container cho khu vực cảng Hải Phòng để có thể phát hiện nhanh chóng, chính xác các lô hàng chứa ngà voi nói riêng và các loại hàng hóa nhập lậu nói chung.
Bên cạnh việc đấu tranh với hoạt động buôn lậu ngà voi, việc xử lý đối tượng và tang vật cũng đang đặt ra không ít khó khăn. Theo đại tá Đỗ Hữu Ca, Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, dù đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu ngà voi với số lượng từ vài trăm kg đến vài tấn nhưng cơ quan công an chưa thể khởi tố bị can nào vì hầu hết các chủ hàng đều… từ chối nhận hàng. “Chủ hàng thực sự trong các vụ buôn lậu ngà voi đều là người nước ngoài nên việc điều tra, xử lý dứt điểm rất khó. Các đối tượng trong nước chỉ là người được thuê làm thủ tục và vận chuyển hộ, khi cơ quan chức năng phát hiện lô hàng chứa ngà họ luôn từ chối nhận hàng”, đại tá Ca phân tích.
Việc xử lý các lô ngà voi tang vật (giá thị trường chợ đen có thể lên đến hàng triệu USD) cũng đang làm các cơ quan chức năng đau đầu. Công an Hải Phòng đang giữ hơn 10 tấn ngà voi và việc bảo quản cũng không hề đơn giản. “Chúng tôi thường xuyên phải cho anh em trông kho kiểm tra, bao gói cẩn thận lượng ngà voi là tang vật vụ án. Dù ngà voi không sợ bị mục, mối mọt nhưng lại rất sợ… chuột. Chúng tôi chưa có kho chuyên dụng nên anh em trông coi rất khổ trước nhiệm vụ bảo quản số hàng đặc biệt này tránh khỏi lũ chuột luôn nhăm nhe gặm nhấm”, đại tá Đỗ Hữu Ca phân trần.
Một số cơ quan kiến nghị nên bán đấu giá ngà voi để xung công quỹ. Thế nhưng, ông Đỗ Quang Tùng, Phó giám đốc Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites) VN, cho biết việc buôn bán ngà voi là không được phép. Hiện nay, trên thế giới chỉ có 2 nước được phép nhập khẩu ngà voi là Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng để nhập ngà voi, họ phải được sự cho phép với rất nhiều điều khoản chặt chẽ của Ban thư ký Công ước Cites quốc tế. “Loại ngà voi vận chuyển bất hợp pháp thì phải nghiêm cấm buôn bán. Các nước phát hiện ngà voi dạng này đều lưu giữ trong kho. Về phương án xử lý, theo tôi, nếu không tiêu hủy, không lưu giữ, không trả lại được nước xuất khẩu (vì khó chứng minh ngà voi là từ con voi của nước nào) thì chỉ có thể chuyển cho các cơ sở đào tạo, nghiên cứu để làm tiêu bản, giáo cụ…”, ông Đỗ Quang Tùng nói.
Việt Anh
Bình luận (0)