Ngẫm lại câu ca dao tình ái

15/02/2010 06:02 GMT+7

(TNTT>) Nghe âm vang, êm ái, dịu dàng, thanh lịch... Nghe dễ đồng cảm như dưa với muối. Đó là ca dao tình ái Việt Nam.

Đi vào trong máu thịt ngàn đời bất biến của dân tộc Việt theo tôi vẫn là ca dao, tục ngữ. Đọc ca dao, người ta có thể hình dung ra cả một tiến trình lịch sử của một dân tộc. Đọc tục ngữ, người ta có thể thâu tóm hết tinh hoa của phép ứng xử, suy nghĩ về triết học... của một dân tộc. Ủa? Sao lại quả quyết như thế? Thưa, đất nước hơn bốn ngàn năm tự chủ, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, “còn cái lai quần cũng đánh” thì bản sắc văn hóa của một dân tộc làm thế nào để có thể lưu giữ dưới vó ngựa, trong tiếng gươm khua, giữa tầm đại bác? Bằng văn bản chữ viết chăng? Thoạt nghe thế, cụ Phan Huy Chú bảo: “Nhưng trải qua bao cuộc bể dâu, nhiều phen binh lửa, cuối đời nhà Trần bị nạn giặc Minh, sách vở đã mất một lần trước - do Trương Phụ lấy cả sách vở cổ đưa về Kim Lăng... Từ Trung hưng trở về sau, tuy cố tìm tòi, nhưng sau khi sách vở đã bị tan nát đi, thu thập lại cũng khó”. Bằng bia đá, khắc vào đá chăng? Thoạt nghe thế trong dân gian vọng lên tiếng nói: “Ngàn năm bia đá cũng mòn...”.

để tồn tại trên một mảnh đất luôn có nhiều biến động, để mở mang bờ cõi, cha ông ta  phải làm gì? Phải đi. Sực nhớ, từ “ăn” trong tiếng Việt rất phong phú. Sao ta không nhấn mạnh đến “ăn đi” và giải thích hóm hỉnh rằng “ăn” để rồi tiếp tục… “đi”? Đi để tồn tại. Đi cũng là đổi mới. Đi về phương Nam là khát vọng của người Việt. Và chỉ khi vượt qua được đèo Hải Vân, có được Quảng Nam thì hành trình ấy mới thật sự mở ra một tiền đồ rộng lớn và có khả năng trở thành hiện thực. Phải vượt, bằng mọi cách phải vượt qua đèo Hải Vân, Đá Bia, Cù Mông... để vào tận phương Nam xa tít. Theo cụ Nguyễn Văn Hầu, chặng cuối cùng của cuộc Nam tiến là đất Tầm Phong Long - một vùng đất chạy dọc theo sông Tiền, sông Hậu xuống tới Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu - do chúa Chân Lạp Nặc Tôn dâng cho chúa Nguyễn vào năm 1757.

Trên bước đường Nam tiến, hầu hết các phụ nữ và trẻ em đi ghe bầu bằng đường biển. Đàn ông trai tráng đi bằng đường bộ. Đường biển dù thuận lợi hơn, nhưng sóng gió, bão táp, cá kình, đói rét... đã cướp đi biết bao thân phận. Biết bao nhan sắc từng gạt lệ, từ bỏ cố hương để đi theo “đầu ấp tay gối” với sự thủy chung rất mực “đói no cho thiếp theo cùng” cũng chìm xuống trùng dương sóng vỗ. Chính vì thế, khi vào đến vùng đất mới, những cuộc hôn nhân dị chủng của đàn ông trai tráng Việt đã diễn ra như một lẽ tự nhiên. Và cũng như một lẽ tự nhiên, những lời ca tiếng hát trên bước đường thiên lý vạn dặm cũng bật nghe khỏi lồng ngực của họ. Mà này, tiếng hát ấy nghe ra rất đỗi trúc trắc trục trặc, khúc kha khúc khuỷu, gập ghềnh khấp khểnh. Không còn cách nào khác. Địa lý của từng vùng miền ảnh hưởng đến hình thức của câu ca dao. Không ai có thể chối bỏ. Trong hàng triệu giọt mồ hôi đã thấm ngàn đời qua ca dao, nay đọc lại tưởng chừng như còn nghe phảng phất cái vị mặn chát, cái vị đắng đót, ta chọn lấy câu ca dao nào? Tôi xin chọn:

Hòn đá cheo leo
Con trâu trèo con trâu trợt
Con ngựa trèo con ngựa đổ
Anh thương em lao khổ
Tận cổ chí kim
Anh thương em khôn kiếm khó tìm
Cây kim luồn qua sợi chỉ
Sự bất đắc dĩ phu mới lìa thê
Nên hay không nên anh ở em về
Đừng giao, đừng kết, đừng thề mà vương

Trời! sao mà nhớ mà thương. Sao mà tình mà tội. Sao trong từng câu mà sự ngắt nhịp lại vọng lên tiếng nấc? Sự ngắt nhịp ấy ngoắt ngoéo, ngoằn ngoèo tưởng chừng như không thể ngắt ra được. Chao! Từ “cheo leo” đã vội qua “trèo”, nhưng chưa kịp “trèo” đã “đổ” thì em ôi “lao khổ, tận cổ”! Có gì trắc trở hơn không? Tưởng rằng họ sẽ bỏ cuộc, nhưng không, ngay kế tiếp lại là một âm bằng đến nhẹ nhàng da diết là “kim” là “tìm” nghe rất lim dim. Nhưng chỉ là một khoảnh khắc. Ngay sau đó lại trắc trở, trục trặc với những âm trắc níu vào nhau “sợi chỉ” rồi “bắt đắc dĩ”, không thể tách rời. Đố ai tìm ra một âm bằng trong cái lúc tưởng chừng như tình tôi dành cho em đã tù mù tuyệt vọng?

Đấy! Trên bước đường Nam tiến, câu ca dao đã ra đời như chính nhịp thở, bước chân đi của chính dân tộc Việt. Ngoảnh lại “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”, thì hình thức của câu ca dao ở đấy đã ổn định. Viên cuội đã được lớp sóng thời gian bào mòn đến nhẵn thín. Đã đạt đến sự cổ điển”.

Đêm qua mới gọi là đêm
Ruột xót như muối, dạ mềm như dưa

Nghe âm vang, êm ái, dịu dàng, thanh lịch... Nghe dễ đồng cảm như đêm là đêm, như dưa với muối... Trong khi đó, cái tình yêu của người Việt ở vùng đất mới lại mới não nề làm sao, than thở làm sao. Cũng là thương, cũng là nhớ nhưng cách biểu hiện của nó không chỉ một tiếng thở dài, ẩn phía sau còn là trách móc, còn là nước mắt, còn là bùi ngùi tưởng chừng như không dứt:

Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc
Đất nào dốc cho bằng đất Nam Vang
Một tiếng anh than ôi hai hàng lụy nhỏ
Có một mẹ già biết bỏ ai nuôi?

Câu ca dao chỉ một giọng “trắc” như thế này quả là một sáng tạo. Bởi nó đã phá đi hình thức cổ điển đã định hình, tưởng chừng bất biến. Tại sao phải thay đổi? Chính tâm trạng của người trong cuộc buộc họ, có như thế mới bày tỏ hết nỗi lòng của họ. Họ yêu thì yêu, nhưng còn phải đi. Đi như một lẽ tự nhiên của số phận dân tộc Việt. Phải đi về phương nam xa tít. Đi để tồn tại. Đi cũng là đổi mới. “Ra đi là sự đã liều”. Biết còn có ngày quay về? Rồi mẹ già, chữ hiếu? Sự phân vân tột cùng ấy đã làm câu ca dao ướt đẫm “hai hàng lụy nhỏ”.

Tưởng chừng như đến nay giọt lệ nồng nàn tình ái ấy vẫn chưa khô...

Lê Minh Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.