Ngắm tranh Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Anh Đào trong 'Rong chơi miền nhớ'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
25/08/2023 16:09 GMT+7

Triển lãm Rong chơi miền nhớ của ba họa sĩ Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Anh Đào vừa khai mạc tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (diễn ra đến 29.8), là dịp để người yêu mỹ thuật phương nam có dịp thả hồn cùng 60 tác phẩm hội họa đẹp như những "nàng thơ".

Luôn khiêm tốn, chỉ tự xem mình là ba bông hoa nhỏ vẽ tranh: Đặng Thị Dương (hoa water lily), Liêu Nguyễn Hướng Dương (hoa hướng dương), Nguyễn Anh Đào (hoa anh đào) mong muốn kết nối mạch cảm xúc được đất trời ban phát qua những chuyến Rong chơi miền nhớ, cùng sáng tạo nên các tác phẩm như những "nàng thơ" lãng đãng trong một triển lãm hoành tráng của nhóm vừa khai mạc.

Ngắm tranh Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Anh Đào trong 'Rong chơi miền nhớ' - Ảnh 1.

Người xem thích thú ngắm các tác phẩm của ba họa sĩ

Ngắm tranh Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Anh Đào trong 'Rong chơi miền nhớ' - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM (giữa) tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm cùng các họa sĩ, khách mời

Ngắm tranh Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Anh Đào trong 'Rong chơi miền nhớ' - Ảnh 3.

Rong chơi miền nhớ bàng bạc chất thơ, như níu bước chân người xem

NVCC

60 tác phẩm của ba họa sĩ ra mắt lần này ở Hội Mỹ thuật TP.HCM gồm các chất liệu sơn dầu, sơn mài, acrylic, màu nước... Tất cả là thành quả của những chuyến đi giao lưu quốc tế của ba họa sĩ tới Pháp, Ấn Độ, Mông Cổ... và các trại sáng tác hàng năm ở Việt Nam do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức.

"Chúng tôi đã cùng nhau trải nghiệm, vui chơi qua những miền đất xinh đẹp và các nền văn hóa độc đáo. Những vùng đất mới mẻ, tuyệt vời đó đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng và là hành trang kỷ niệm đầy ắp cảm xúc để đi cùng năm tháng. Những nơi cảnh đẹp ấy không chỉ là nguồn cảm xúc mà còn là nguồn năng lượng để cả nhóm tái hiện những khoảnh khắc tĩnh lặng và bình yên trên những bức tranh. Mỗi nét cọ là một hình ảnh chân thực về cuộc sống trong sự thong dong và hòa hợp với thiên nhiên. Những bức tranh của tôi không chỉ là sự tưởng tượng, mà còn là cách thể hiện lòng biết ơn những điều đẹp đẽ mà cuộc sống đã mang lại", họa sĩ Nguyễn Anh Đào bộc bạch.

Còn với họa sĩ Đặng Thị Dương, tình yêu mỹ thuật như thấm vào máu thịt. "Từ những năm học ở bậc tiểu học, trung học, tôi đã say mê vẽ những hình ảnh ngô nghê để minh họa trên tất cả bài học từ môn vạn vật đến những bài thơ tình của văn hào Pháp Lamartine, Verlaine… Sau đó, bức vẽ đã lọt vào mắt xanh của bà Raoult, một giáo sư dạy vẽ của Trường Marie Curie, nên tôi được chọn vào lớp học đặc biệt của bà, cho phép học vẽ, nghiên cứu các bức tượng dưới sự hướng dẫn của bà", họa sĩ Đặng Thị Dương kể lại.

Nhưng đến sau năm 1975, Đặng Thị Dương mới thi và đậu vào Đại học Mỹ thuật TP.HCM, chính thức đi theo con đường nghệ thuật mà bản thân hằng mơ ước. Rồi những năm miệt mài nghiên cứu bảo vệ thạc sĩ nghệ thuật cũng rất bổ ích cho việc sáng tác, say mê tìm tòi những kỹ thuật chất liệu nâng cao tay nghề của họa sĩ Đặng Thị Dương.

Ngắm tranh Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Anh Đào trong 'Rong chơi miền nhớ' - Ảnh 4.

Ngắm tranh Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Anh Đào trong 'Rong chơi miền nhớ' - Ảnh 5.

60 tác phẩm của ba họa sĩ ra mắt lần này ở Hội Mỹ thuật TP.HCM gồm các chất liệu sơn dầu, sơn mài, acrylic, màu nước

Ngắm tranh Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Anh Đào trong 'Rong chơi miền nhớ' - Ảnh 6.

Ngắm tranh Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Anh Đào trong 'Rong chơi miền nhớ' - Ảnh 7.

Ngắm tranh Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Anh Đào trong 'Rong chơi miền nhớ' - Ảnh 8.

Nhà phê bình mỹ thuật Lý Đợi nhận xét: "Cả ba họa sĩ rất yêu thiên nhiên, nhưng thiên nhiên đến với mỗi người mỗi khác. Cách bộc lộ càng khác"

NVCC

Họa sĩ Đặng Thị Dương tâm sự: "Tình yêu thiên nhiên đã cuốn hút tôi vào những mảng đề tài yêu thích, và những bức tranh nồng nàn hơi thở cuộc sống đã được sinh ra từ những chuyến đi trải nghiệm cuộc sống đầy thú vị. Vì vậy mà hai khả năng dạy học và sáng tạo nghệ thuật luôn song hành trong tôi".

Xem tranh Đặng Thị Dương, họa sĩ Uyên Huy nhận xét: "Sở trường chất liệu sơn dầu, ngôn ngữ tạo hình trong tranh của chị có nét riêng rất rõ nét, tạo cá tính riêng. Hình tượng trong tranh của chị không theo khuynh hướng hiện thực, ấn tượng, biểu tượng hay tả thực mà đến từ con người, phong cảnh, con vật mang hơi thở hồn nhiên, ngộ nghĩnh giàu tính trang trí, nhí nhảnh và khoáng đạt nên tôi xem rất thích". 

Còn họa sĩ Liêu Nguyễn Hướng Dương là nhân vật khá đặc biệt, "nổi như cồn" vào khoảng năm 2004. Gần 20 năm qua, xét từ các thế hệ họa sĩ 6X trở về sau thì Liêu Nguyễn Hướng Dương (sinh 1975) là một trong vài họa sĩ bán tranh nhiều nhất tại Việt Nam. 

Đến với Rong chơi miền nhớ, người xem gặp lại họa sĩ Liêu Nguyễn Hướng Dương vẫn chất chứa niềm đam mê sáng tạo vì "có thể chơi với màu sắc cả ngày mà không hề chán". Anh nói: "Tôi là họa sĩ thích làm việc theo cảm tính, cảm xúc và sự rung động, nên tôi để mọi thứ cứ thuận theo tự nhiên, xuôi theo dòng cảm xúc và những suy tư bất chợt của mình, nên chưa có kế hoạch gì cụ thể trong tương lai cả. Đối với tôi cảm xúc, sự rung cảm khi vẽ là điều khá quan trọng. Nuôi dưỡng cảm xúc để cảm hứng thăng hoa trong tác phẩm là điều tôi thật sự mong muốn".

Ngắm tranh Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Anh Đào trong 'Rong chơi miền nhớ' - Ảnh 9.

Ngắm tranh Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Anh Đào trong 'Rong chơi miền nhớ' - Ảnh 10.

Tất cả các bức tranh của ba họa sĩ là thành quả của những chuyến đi giao lưu quốc tế tại Pháp, Ấn Độ, Mông Cổ... và các trại sáng tác ở Việt Nam do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức

Ngắm tranh Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Anh Đào trong 'Rong chơi miền nhớ' - Ảnh 11.

Ngắm tranh Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Anh Đào trong 'Rong chơi miền nhớ' - Ảnh 12.

Ngắm tranh Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Anh Đào trong 'Rong chơi miền nhớ' - Ảnh 13.

Đặng Thị Dương thường vẽ cảnh nơi mình đến, với cái nhìn đồng thoại, ngộ nghĩnh, bay bổng. Nguyễn Anh Đào gửi gắm những tâm sự của người nữ với cuộc đời. Còn Liêu Nguyễn Hướng Dương thì vẽ quê hương "từ bên trong"

NVCC

Nhà phê bình Lý Đợi cho rằng: "Cả ba họa sĩ rất yêu thiên nhiên, nhưng thiên nhiên đến với mỗi người mỗi khác. Cách bộc lộ càng khác. Đặng Thị Dương thường vẽ cảnh nơi mình đến, với cái nhìn đồng thoại, ngộ nghĩnh, bay bổng. Nguyễn Anh Đào đi để vẽ lại quê nhà, gửi gắm tâm sự của người nữ với cuộc đời. Còn Liêu Nguyễn Hướng Dương thì vẽ quê hương từ bên trong, với những truy vấn, những hình dung".

Đến với các tác phẩm của ba họa sĩ Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Anh Đào trong Rong chơi miền nhớ đang giới thiệu tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, chất thơ như níu bước chân người xem qua mỗi tác phẩm đầy cảm xúc. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.