Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) vừa có công văn chấn chỉnh thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu cá xa bờ nhảy tàu bỏ trốn ở lại Hàn Quốc, Nhật Bản.
Lực lượng bảo vệ Nhật Bản tìm kiếm thuyền viên việt Nam mất tích hồi tháng 10.2015 - Ảnh: EPA
|
Theo ông Đặng Sỹ Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, thời quan qua phát sinh một số vụ việc liên quan đến thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu cá xa bờ nước ngoài nhảy tàu bỏ trốn khi tàu cập cảng hoặc đi vào vùng biển gần bờ. Đặc biệt là các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Để ngăn ngừa tình trạng nêu trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) hoạt động dịch vụ đưa thuyền viên Việt Nam đi làm việc trên tàu cá nước ngoài tuyển chọn những thuyền viên có nhân thân tốt, có kinh nghiệm đi biển. Ngoài tăng cường đào tạo ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện ý thức kỷ luật, các DN cần thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho thuyền viên đầy đủ nội dung, chương trình; sàng lọc, loại khỏi danh sách những thuyền viên có nhân thân không tốt, thuyền viên không chấp hành các quy định trong thời gian đào tạo.
Trong thời gian tàu cập cảng, tàu vào gần bờ để tránh bão hoặc tàu vào khu vực thuyền viên có thể nhảy tàu, các DN phải thông báo cho đối tác và chủ tàu tăng cường quản lý, giám sát không để thuyền viên nhảy tàu. Ngay khi phát hiện thuyền viên nhảy tàu DN phải yêu cầu đối tác, chủ sử dụng lao động và thuyền trưởng thông báo cho chính quyền, lực ượng bảo vệ bờ biển của nước sở tại để tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm tính mạng cho thuyền viên.
Cũng theo ông Dũng, khi phát sinh thuyền viên nhảy tàu, doanh nghiệp phải kịp thời báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cơ quan đại diện Việt Nam nơi thuyền viên nhảy tàu và Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao để được hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết vụ việc.
Bình luận (0)