Sáng nay 26.10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh), dự thảo luật sẽ tạo cơ sở pháp lý để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo.
Tuy nhiên, theo bà Thơ, cần phải kiểm soát đặc biệt với những ngân hàng yếu kém có rủi ro bị phá sản. Việc phá sản ngân hàng có thể tác động tiêu cực tới tâm lý người gửi tiền cá nhân ồ ạt rút tiền, điều này có thể gây đổ vỡ domino dây chuyền với hệ thống ngân hàng. Nếu việc phá sản tổ chức tín dụng là bắt buộc thì dự thảo luật cần phải có quy định rõ hơn về các phương án phá sản, áp dụng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.
Bà Thơ cũng cho rằng, quy định mức chi trả bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng, trong khi người gửi tiền thực tế lên hàng tỉ đồng, nên không có ý nghĩa thực tiễn. Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại quy định về mức chi trả bảo hiểm tiền gửi khi thực hiện phá sản ngân hàng.
Cùng quan điểm này, đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng), cũng cho rằng cần phải làm rõ quyền lợi người gửi tiền trong quá trình xử lý tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, hoặc phá sản.
Theo đại biểu Tùng, việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng giai đoạn 2010 - 2015 chưa đạt kết quả như kỳ vọng, còn nhiều ngân hàng yếu kém ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống, nhưng chưa có biện pháp toàn diện để xử lý phục hồi do thiếu khuôn khổ pháp lý.
Mức bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng đã gây tranh cãi suốt cả chục năm nay, song vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng.
Đại biểu Tùng cho hay, theo quy định kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước không cho phá sản tổ chức tín dụng để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. “Trong trường hợp không thực hiện chuyển giao bắt buộc Chính phủ quy định chủ trương về phương án phá sản theo điều 151 của dự thảo luật. Như vậy phương án phá sản sẽ là phương án cuối cùng xử lý tổ chức tín dụng yếu kém”, đại biểu Tùng góp ý.
Theo đại biểu Tùng, trong trường hợp, ngân hàng có quy mô khách hàng lớn, nếu thực hiện phá sản, nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn hệ thống, trật tự an toàn xã hội rất cao.
“Trường hợp các ngân hàng thương mại rơi vào phá sản, ở các nước, Nhà nước sẽ thực hiện vai trò là người mua cuối cùng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém này để xử lý. Do vậy tôi đề nghị cân nhắc thêm quy định xử lý trường hợp không thực hiện quyền chuyển giao bắt buộc, nhưng không thực hiện phá sản tổ chức tín dụng yếu kém do tác động của nó mang lại”, đại biểu Tùng góp ý.
Bình luận (0)