Ngân hàng đọng vốn

04/04/2013 03:30 GMT+7

Tình trạng ngân hàng ế vốn, tăng trưởng tín dụng thấp, đang đòi hỏi chính các ngân hàng phải chia sẻ một phần lợi nhuận bằng việc hạ lãi vay. Như vậy mới mong thu được nợ cũ, tăng trưởng tín dụng.

Lãi suất quá cao đã và đang vượt quá khả năng chịu đựng của nhiều doanh nghiệp (DN). Bởi vậy, hiện tại không ít DN dù được mời chào vay vốn vẫn nhất quyết nói “không”. Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Cao Sĩ Kiêm, nhận định DN xác định có vay cũng phải ở mức thấp, cùng lắm là 10%/năm, không thể kiếm đâu ra được lợi nhuận tới 15-20% trong năm nay để bù cho chi phí vốn, lãi suất cao.

Sự kiệt quệ của các DN, sự cầu toàn và không chấp nhận hy sinh lợi ích để giảm lãi vay xuống thấp đẩy hệ thống NH rơi vào cảnh “tồn kho” tiền. Theo thống kê của NHNN, tín dụng trong tháng 1 đã bị âm 1,06%, tháng 2 âm 0,6%, và cả quý tăng 0,1%. Xu hướng tín dụng tăng trưởng âm đã tạm dừng lại, nhưng rõ ràng so với mục tiêu 12% cả năm thì còn là một khoảng cách quá xa.

Ngân hàng đọng vốn
Các ngân hàng đang “tồn kho” tiền vì lãi suất cao vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp - Ảnh: Ngọc Thắng

Cũng theo báo cáo của cơ quan này, hiện lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao ở mức 9-11%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 11-13%/năm ở khối NHNN, 12-15%/năm ở khối NH cổ phần.

Như vậy, với mức lãi suất huy động 7,5%/năm, biên độ chênh lệch giữa huy động và cho vay đã lên tới 5-8%/năm, theo đánh giá của nhiều chuyên gia là quá cao. Muốn thu được nợ vay và tiếp tục cho vay, NH chỉ còn phương cách duy nhất là hạ lãi suất cho vay, thậm chí phải hạ về mức 8-10%/năm thì mới thoát khỏi tình cảnh ứ vốn hiện nay.

Trao đổi với Thanh Niên chiều 3.4, một lãnh đạo NHNN khẳng định, hiện nay hệ thống NH đang dư thừa nguồn vốn, con số mới nhất tăng trưởng tín dụng toàn ngành tính đến 29.3 tăng 0,36%, trong đó VND tăng 1,7%, ngoại tệ giảm hơn 6% so với đầu năm. Tín dụng tăng thấp, có nguyên nhân sức cầu của nền kinh tế và sức khỏe DN còn yếu nên chưa tiếp cận được nguồn vốn. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận, lãi vay ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên, hiện vẫn còn khá cao do nhiều khoản tiền gửi trước đó có lãi suất huy động còn ở mức trên 10%/năm chưa đáo hạn. Nhưng thời gian tới cần phải tiếp tục giảm lãi vay xuống nữa để tháo gỡ khó khăn cho DN. “NHNN đang quyết liệt chỉ đạo các NH phải ngồi lại với DN để tiếp tục hạ lãi suất cho vay, chia sẻ lợi ích đôi bên, có như vậy mới khơi thông được dòng tín dụng, khôi phục sản xuất kinh doanh”, lãnh đạo này nói.

Sẵn sàng cho vay mua nhà xã hội lãi suất 6%/năm

Chiều 3.4, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN -cho biết sau khi báo cáo lên Thủ tướng, cơ quan này đang chờ Nghị quyết thường kỳ của Chính phủ trong tháng 3 về việc cho phép bổ sung cơ chế hỗ trợ lãi suất 6%/năm cho vay mua nhà xã hội bên cạnh 2 hình thức thuê và thuê mua. Ngay sau khi Chính phủ có quyết định, NHNN sẽ đưa vào thông tư cho các đối tượng này được vay tiền mua nhà. Hiện tại, nguồn vốn 30.000 tỉ đồng đã được 5 NH thương mại chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, theo ông Mạnh, các NH cũng cần phải chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Xây dựng về tiêu chí, điều kiện các đối tượng được vay như: thu nhập thấp ở mức nào, giá thuê mua nhà bao nhiêu... “NHNN đang tích cực làm việc với Bộ Xây dựng để sớm ban hành đầy đủ cơ chế giúp người nghèo, cán bộ lực lượng vũ trang sớm được tiếp cận vốn để mua nhà”, ông Mạnh nói.

Một số gói tín dụng lãi suất 6 - 11%/năm

NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) dành 200 tỉ đồng/NH cho vay ưu đãi các DN tham gia bình ổn thị trường năm 2013 và Tết Giáp Ngọ 2014. Lãi suất ưu đãi áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn tối đa 12 tháng là 6%/năm, áp dụng cố định trong suốt thời gian vay và các khoản vay trung dài hạn tối đa 5 năm là 10% (trong năm đầu tiên) tại TP.HCM vay. NH TMCP Đông Nam Á (SeABank) dành 2.000 tỉ đồng cho DN vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực xuất khẩu sản xuất, chế biến, gia công, dược phẩm và thiết bị y tế; xăng dầu, gas, nhiên liệu, dệt may, tơ sợi, da giày vay vốn lưu động lãi suất từ 9,9%/năm trong 3 tháng đầu. Còn đối với các DN thuộc lĩnh vực sản xuất tiêu dùng, điện tử, viễn thông..., SeABank áp dụng mức lãi suất từ 11%/năm tối đa trong 3 tháng đầu vay.

T.Xuân

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.