Ngân hàng lãi ‘khủng’, cổ đông khóc ròng vì ‘đói’ cổ tức

07/04/2019 14:30 GMT+7

Những khoản lãi "khủng" trên sổ sách của không ít nhà băng khiến cổ đông chỉ nhận được cổ tức bằng cổ phiếu, thậm chí còn không nhận được một đồng cổ tức nào.

6-7 năm mòn mỏi chờ cổ tức

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh lợi nhuận quý 1/2019 đã bắt đầu. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhongBank) là nhà băng đầu tiên báo lãi vượt 66% so với cùng kì năm ngoái, đạt mức 853 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu hoạt động của nhà băng này, có thể thấy mức lãi khủng trên còn khá nhiều vấn đề đáng bàn.
Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2019, tổng huy động vốn của ngân hàng đạt 125.000 tỉ đồng, huy động từ thị trường 1 (từ khu vực dân cư) 89.000 tỉ đồng. Huy động từ khách hàng cá nhân, dân cư thấp nhưng tăng trưởng tín dụng cho vay trên thị trường này lại cao hơn 93.600 tỉ đồng.  
Đáng nói, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng chỉ đạt có 1.886 tỉ đồng, song mức lợi nhuận trước thuế lên tới 853 tỉ đồng, cũng là điều mà nhiều cổ đông đặt dấu hỏi. Năm 2018 mới là năm đầu tiên sau 6 năm tái cơ cấu, TPBank trả cổ tức, điều mà cổ đông mòn mỏi chờ đợi. Dẫu vậy, cổ tức được chia cũng chỉ là bằng cổ phiếu với tỷ lệ gần 28%, phát hành hơn 184,8 triệu cổ phiếu, trong đó gồm gần 53,4 triệu cổ phiếu (tương đương với tỷ lệ phát hành 8,38%) để trả cổ tức và hơn 131,4 triệu cổ phiếu thưởng (tương đương với tỷ lệ phát hành 19,735%).
Cổ đông của Techcombank còn “thảm” hơn so với TPBank khi đói cổ tức kéo dài 7 năm trời, kể từ năm 2010. Năm 2018, nhà băng này lên sàn, niêm yết với giá khủng lên tới 128.000 đồng/cổ phiếu. Những tưởng sẽ được hưởng cổ tức tiền mặt, vì ngân hàng liên tục báo lãi khủng hàng nghìn tỉ đồng, song sau niêm yết và chia tách thưởng bảng cổ phiếu, giá của Techcombank lao dốc thảm hại, hiện chỉ còn loanh quanh 24.500 đồng/cổ phiếu.
“Với những cổ đông đã theo Techcombank kể từ khi lên sàn với giá 128.000 đồng/cổ phiếu, kể cả chiến lược hay nhỏ lẻ, đều lỗ nặng”, anh Nguyễn Văn Kiên, một nhà đầu tư tại Quận Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ.
Trao đổi với báo chí mới đây, lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng cho biết, Đại hội đồng cổ đông ngân hàng ngày 26.4 tới đây sẽ thông qua phương án chia cổ tức. Không tiết lộ con số cụ thể là bao nhiêu, nhưng vị này khẳng định, “chắc chắn sẽ chia và chia cổ tức bằng cổ phiếu”.
ngan-hang-lai-khung
Ngân hàng lãi khủng nhưng nợ xấu còn cao, cổ tức cho cổ đông bèo bọt Ảnh: Ngọc Thắng

Bán nợ cho VAMC không được chia cổ tức bằng tiền

Một trong những lý do chính khiến các nhà băng không chia cổ tức hoặc chỉ chia bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt là do áp lực của nợ xấu. Bởi lãi báo “khủng” nhưng thực chất chủ yếu là lãi ảo.
Nợ xấu của các tổ chức tín dụng thường báo cáo dưới 3% tổng dư nợ, song đây chỉ là nợ “nội bảng”, còn bản chất nếu tính cả nợ ngoại bảng, tức các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro, là rất lớn. Để giúp các nhà băng có thêm thời gian xử lý nợ, ngân hàng nhà nước cho phép bán nợ cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Khi bán nợ cho VAMC, tổ chức tín dụng sẽ được hưởng một số cơ chế liên quan. Cụ thể, VAMC phát hành và dùng trái phiếu đặc biệt để mua lại nợ xấu các ngân hàng. Trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, các ngân hàng được giãn trích lập dự phòng trải đều qua từng năm kỳ hạn trái phiếu.
Theo đó, thay vì phải trích lập dự phòng rủi ro 100% ngay cho những khoản nợ xấu, hoặc một tỷ lệ cao hơn 20% tuỳ mức độ quá hạn của mỗi khoản nợ xấu bán sang VAMC như thông thường, thì ngân hàng được cơ chế trích lập dự phòng rải ra trong 5 năm, mỗi năm 20%.
Cũng vì chưa phải trích lập dự phòng rủi ro ngay toàn bộ cho lượng nợ xấu đã bán sang VAMC, cho những khoản lẽ ra phải thực tế trích lập cao hơn, nên một phần lợi nhuận những năm vừa qua và hiện nay của nhiều ngân hàng vẫn đang nợ ở đây, không bị cắt bớt như trích lập thông thường.
Tổng hợp báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2018 của 21 ngân hàng đã công bố cho thấy, tổng giá trị số trái phiếu VAMC đang nắm giữ lên tới hơn 100.000 tỉ đồng, tăng hơn 5% so với năm trước. Trong khi đó, dự phòng cho số trái phiếu này chỉ ở mức chưa đến 20.000 tỉ đồng.
Điều đó cho thấy những khoản nợ xấu của các nhà băng hiện nay còn rất lớn. Đây chính là nguyên nhân mà NHNN đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC, thay thế cho Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 6.9.2013 của NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC.
Trong đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán. “Không ít nhà băng nếu trích lập hết dự phòng rủi ro cho các khoản nợ bán sang VAMC thì sẽ không còn lợi nhuận. Do vậy, việc bổ sung để đảm bảo các tổ chức tín dụng có khoản nợ xấu bán cho VAMC nhận trái phiếu đặc biệt tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu”, một lãnh đạo của Ngân hàng nhà nước chia sẻ với Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.