Ngân hàng Thế giới cảnh báo về 'lạm phát đình trệ' toàn cầu, rủi ro địa chính trị

La Vi
La Vi
09/06/2022 07:40 GMT+7

Ngân hàng Thế giới hôm 7.6 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu gần 1/3 cho năm 2022, đồng thời cảnh báo rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm tăng thiệt hại từ đại dịch Covid-19 cũng như tăng nguy cơ "lạm phát đình trệ" trên toàn thế giới .

Trong báo cáo, Ngân hàng Thế giới cho biết cuộc chiến ở Ukraine đã làm trầm trọng tình trạng suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, trước nguy cơ sẽ đồng thời xảy ra tăng trưởng yếu và giá cả tăng - được gọi là lạm phát đình trệ. Tình trạng này diễn ra lần cuối vào những năm 1970.

Ngân hàng Thế giới cho biết tăng trưởng toàn cầu có thể giảm xuống 2,1% vào năm 2022 và 1,5% vào năm 2023, khiến tăng trưởng bình quân đầu người giảm gần bằng 0.

"Và khi tốc độ tăng trưởng toàn cầu ở khoảng 1,5%, điều đó có nghĩa là đang ở trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng", ông Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm Triển vọng của Ngân hàng Thế giới, cho biết.

Ông Ayhan Kose cảnh báo sự suy yếu kinh tế toàn cầu có thể dẫn đến rủi ro địa chính trị.

"Chúng tôi vẫn thấy có sự gián đoạn nguồn cung. Do chiến tranh, sự gián đoạn nguồn cung đó tất nhiên sẽ nghiêm trọng thêm. Có những rủi ro liên quan đến cuộc khủng hoảng lương thực thậm chí còn lớn hơn sắp tới. Và khi gặp phải những thách thức này, nguy cơ căng thẳng xã hội tất nhiên sẽ gia tăng".

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết tốc độ tăng trưởng chậm có khả năng sẽ tiếp tục "trong suốt thập niên". Ông dự báo rằng từ năm 2021-2024, tốc độ tăng trưởng toàn cầu có thể chậm lại 2,7 điểm phần trăm, nhiều hơn hai lần so với tốc độ giảm được ghi nhận trong giai đoạn 1976-1979.

Báo cáo lưu ý rằng việc tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát vào cuối những năm 1970 đã cao đến mức chạm gây ra suy thoái toàn cầu vào năm 1982, và một loạt các cuộc khủng hoảng tài chính ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Tuy nhiên, mặc dù có những điểm tương đồng với các điều kiện hồi đó, các nhà kinh tế chỉ ra rằng cũng có những khác biệt quan trọng, bao gồm sức mạnh của đồng đô la Mỹ và bảng cân đối kế toán nhìn chung vẫn lành mạnh tại các tổ chức tài chính lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.