Ngân nga chuông vàng

12/08/2014 03:00 GMT+7

Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ được tổ chức từ năm 2006, đến nay đã diễn ra 8 lần, “đãi cát tìm vàng” được khá nhiều tài năng trẻ. Nhưng liệu những “chiếc chuông vàng” ấy có được tiếp tục phát triển, hay lại trở về với cát?

Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ được tổ chức từ năm 2006, đến nay đã diễn ra 8 lần, “đãi cát tìm vàng” được khá nhiều tài năng trẻ. Nhưng liệu những “chiếc chuông vàng” ấy có được tiếp tục phát triển, hay lại trở về với cát?

 Ngân nga chuông vàng
Võ Minh Lâm và Ngọc Đợi trong vở Đường gươm Nguyên Bá - Ảnh: T.L

Sống được bằng nghề

Trong thời buổi sân khấu cải lương gặp nhiều khó khăn, thì lạ sao, tình yêu cải lương vẫn chảy suốt trong lòng các bạn trẻ để mỗi năm xuất hiện những nhân tố đáng quý trong cuộc thi. Được chọn lựa gắt gao qua mấy vòng thi, các bạn được giải vàng, giải bạc thật xứng đáng. Rồi từ bước ngoặt này, nhiều bạn trẻ đã chuyển sang hoạt động chuyên nghiệp và sống được bằng nghề. Chẳng hạn Thu Vân trước đó chỉ tham gia đờn ca tài tử tại quê An Giang, khi có giải đã được mời sô liên tiếp, coi như chính thức đi theo nghề ca hát. Còn Võ Thành Phê vốn là người chạy sà lan vận chuyển trên sông nước vùng Cần Giuộc - Long An, vừa có giải thì lên Sài Gòn thuê nhà trọ sinh sống để đi hát cho dễ. Hay như Nguyễn Thị Luận trước là công nhân của một cơ sở sản xuất nước khoáng ở An Giang, và Bùi Trung Đẳng cũng gốc là công nhân, khi cầm được giải vàng liền đổi nghề lập tức.

Huyền Trang và Nguyễn Thị Luận thật đáng ngạc nhiên, khi đã dành dụm tiền xây được nhà cho cha mẹ. Huyền Trang nói: “Trước đó tôi cũng có đi diễn, dành dụm được một số tiền. Nhưng khi có giải mới bật lên được. Giải thưởng này hỗ trợ rất lớn cho lớp trẻ chúng tôi, không ưu tư nữa, mà quyết chí chọn hẳn con đường chuyên nghiệp để sống”. 

Và nỗi ưu tư

Thực sự phía sau niềm vui còn là nỗi ưu tư không nhỏ. Bởi công việc “đãi cát tìm vàng” thì Chuông vàng vọng cổ đã làm xong rồi, nhưng tiếp tục phát triển các tài năng này thì cần sự chung sức của nhà nước, xã hội và cả tự thân. Một số bạn đã chọn trường lớp chính quy để học và có nơi hoạt động ổn định. Như Võ Minh Lâm tốt nghiệp trung cấp văn hóa nghệ thuật Cần Thơ, Nguyễn Văn Mẹo và Nguyễn Thị Luận tốt nghiệp khóa đào tạo 3 năm của Nhà hát Trần Hữu Trang, đều được tuyển vào nhà hát này. Còn Bùi Trung Đẳng cộng tác với đoàn cải lương Kiên Giang. Ngọc Đợi vẫn là đào chính của đoàn Cao Văn Lầu.

HTV đã có một chương trình rất tâm huyết là Ngân mãi Chuông vàng và phim truyện cải lương để đưa các thí sinh trong top 10 vào diễn. Nhiều vở nổi tiếng được dựng lại như Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn, Hai chiều ly biệt, Ngao Sò Ốc Hến, Con cò trắng, Thuyền ra cửa biển, Xin một lần yêu nhau... tạo cơ hội rất lớn cho người trẻ. Nhưng thật lòng, biện pháp này chỉ là hỗ trợ phần “ngọn”. Thậm chí nói như soạn giả Lê Duy Hạnh: “Khi các em chưa được rèn nghề từ bài bản chính quy, hoặc đi từ vai phụ dần lên, mà đã được đóng vai chính, thì không khéo các em sẽ tưởng mình thành công, không phấn đấu nữa”. Quả thật, nhiều bạn chỉ có giọng ca hay, khi vào thi Ngân mãi Chuông vàng được đạo diễn tập tành cho vài trích đoạn, làm sao gọi là diễn viên chuyên nghiệp. Vì vậy, các bạn cần phải chịu khó đi học thêm về vũ đạo, diễn xuất, chứ không thể đổ thừa “chạy sô không còn thời gian”.

Hoàng Kim 

>> Bất ngờ từ 'Chuông vàng vọng cổ
>> Chuông vàng vọng cổ' vẫn ngân nga
>> Thí sinh phía bắc vào vòng chung kết xếp hạng "Chuông vàng vọng cổ
>> Chung kết Chuông vàng vọng cổ lần thứ 6 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.