Ngăn ngừa mô tô “tặc”

12/06/2013 21:54 GMT+7

Trò chuyện với Tổng thư ký Liên đoàn Xe đạp mô tô thể thao TP.HCM Ngô Quang Vinh về Hội Mô tô TP.HCM

Hội Mô tô TP.HCM được thành lập đã tròn 30 năm với những niềm vui, tự hào và cả những hiểm nguy, gian khó, những sự cố... Trò chuyện với anh Ngô Quang Vinh - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Xe đạp mô tô thể thao TP.HCM, thêm chia sẻ với những người chuyên làm nhiệm vụ “mở đường, khóa đuôi” này.

>> Mô tô hộ tống: Nhu cầu lên cao, thị trường... dẫm chân tại chỗ
>> Hơn 300 mô tô hội tụ tại Tây Ninh

Anh có thể giới thiệu đôi chút về Hội Mô tô TP.HCM?

Trước đây gọi là Hội Mô tô nhưng bây giờ cho phép tôi được nói lại là Ban hay CLB mô tô trực thuộc Liên đoàn Xe đạp mô tô thể thao TP.HCM. CLB được thành lập ngày 7.7.1983, ban đầu chỉ có trên dưới 50 hội viên, đến giờ đã có khoảng trên 100 người. Hồi mới thành lập anh em tham gia một cách tự nguyện theo kiểu góp gạo thổi cơm chung, tức dùng chính phương tiện xe máy phân khối lớn của mình để đi công tác, không có tiền xăng mà được phát phiếu ra cây xăng đổ. Dĩ nhiên vì đam mê nên anh em khi đó chấp nhận tốn kém, xài tiền nhà là chính vì muốn tham gia bảo vệ lộ trình, góp phần phục vụ tốt cho các hoạt động thể thao của thành phố.

 
 

Kể từ khi có Cúp truyền hình năm 1989, ai cũng thấy với điều kiện đường sá chật hẹp, dân cư đông đúc lấn ra giữa đường để xem các cua rơ thi thố tài năng rồi hàng trăm “giặc lái” bám theo đoàn đua, xem ít mà quấy phá nhiều thì không thể không có sự tham gia của lực lượng mô tô. Chúng tôi đóng vai trò như người mở đường, người bảo vệ an toàn cho cuộc đua, người đánh chặn, bọc hậu giữ cho cuộc đua không bị “quấy nhiễu” bởi các thành phần không phải của đoàn đua.

Ngoài việc mở đường, khóa đuôi cho đoàn đua, tham gia bảo vệ lộ trình các cuộc thi đấu thể thao, mô tô TP.HCM còn có hoạt động nào khác?

Một trong các chức năng quan trọng của CLB mô tô TP.HCM đã được quy định là phải thực sự là một lực lượng thể thao quần chúng, mang tính xã hội hóa đúng nghĩa. Muốn vậy CLB mô tô phải tham gia các hoạt động văn hóa xã hội, trong đó có tham gia việc hướng dẫn lái xe an toàn, tham gia vào các lễ hội văn hóa xã hội của TP.HCM và cả nước. Năm 2003 chúng tôi từng tham gia trong sự kiện đón danh thủ David Beckham hay mới đây là cựu tuyển thủ Ý Fabio Cannavaro. Chúng tôi cũng đã từng đưa đón đoàn caravan đến từ Ấn Độ, tham gia các hoạt động thiện nguyện vì người nghèo, sắp tới là lễ hội ẩm thực Đông Nam Á ở Q.7...

 
 
 

Có ý kiến thắc mắc vì sao CLB mô tô TP.HCM không tham gia sâu hơn vào các hoạt động du lịch của TP.HCM và cả nước?

Hoạt động du lịch của TP.HCM rất đa dạng nhưng tùy theo tính chất của sự kiện mà những người có trách nhiệm cần hay không cần sự tham gia của lực lượng mô tô. Bên cạnh đó cũng còn lý do tránh ồn ào, tốn kém kinh phí hay không muốn khuếch trương. Nhưng cũng có một vài hoạt động khác lại nằm ngoài tầm tay của chúng tôi là do các đơn vị tổ chức sự kiện hay doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm tự liên hệ với các lực lượng mô tô không chính quy, không có tư cách pháp nhân khác để quảng bá thương hiệu, làm nổi đình nổi đám các sự kiện nên số mô tô được thuê dựa vào đó tạo ra vài hiện tượng “gây nhiễu” thời gian qua. Nếu những nhà tổ chức cẩn thận và có sự tìm hiểu cặn kẽ trong việc mời lực lượng mô tô chính quy hộ tống thì sẽ không có những hành vi phản cảm như vụ đón Nick Vujicic vừa qua.

Nhiều người cho rằng lực lượng mô tô TP.HCM hiện có vài CLB và vài cá nhân hoạt động tùy tiện, giẫm đạp lên nhau gây ảnh hưởng đến cái chung? Nếu vậy làm thế nào để chấn chỉnh?

Đúng là đã xuất hiện vài CLB tự phát như Hog Sài Gòn hay Harley Sài Gòn, nhưng họ cũng chưa có những biểu hiện gì vượt quá quy định. Tuy nhiên có vài trường hợp đơn lẻ ở vài CLB mô tô quận huyện hiện đang hoạt động “xé rào”. Tôi lấy ví dụ như chặng đua 15 của Cúp truyền hình vừa rồi từ Đà Lạt về Bảo Lộc bỗng nhiên xuất hiện khoảng hơn chục xe mô tô chen ngang đoàn đua bất chấp sự phản ứng của BTC và CLB mô tô TP.HCM. Họ còn phối hợp với vài mô tô tại Bảo Lộc chiếm lộ trình, đặc biệt là khu vực đích đến gây khó khăn cho các cua rơ khi rút về đích. Chính các mô tô “tặc” này đã gây náo loạn trên đường đua và tạo nên một vài sự cố. Sự tùy tiện chen ngang giẫm đạp hoạt động của người khác như vậy là không thể chấp nhận, tạo hình ảnh phi thể thao cho đoàn đua. Chúng tôi cũng đã tìm hiểu, có ý kiến với CLB quận huyện của những mô tô “tặc” này để quản lý chặt chẽ hơn, để các cơ quan chức năng có biện pháp chấn chỉnh, ngăn ngừa những hiện tượng không hay này.

Quang Tuyến
(thực hiện)

>> Subaru đầu tư 400 triệu USD mở rộng nhà máy ở Mỹ
>> Thương hiệu Ý GIVI chính thức mở showrom tại Việt Nam
>> Đại hội mô tô đông nhất từ trước đến nay tại Đà Nẵng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.