Ngân sách cho giáo dục phần lớn để trả lương, chi cho chuyên môn không đảm bảo

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
14/10/2022 16:16 GMT+7

Theo Bộ GD-ĐT, ngân sách cho giáo dục phần lớn dùng để chi lương, cả nước chỉ có khoảng 50% địa phương bảo đảm tỷ lệ chi cho hoạt động giảng dạy và học tập tối thiểu.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn mới ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022.

Ngân sách cho giáo dục hiện chủ yếu chi lương, dẫn đến không đảm bảo chi cho các hoạt động giáo dục tối thiểu

đậu tiến đạt

Chỉ 50% địa phương bảo đảm tỷ lệ chi cho hoạt động giảng dạy và học tập tối thiểu

Theo đó, về việc thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022, báo cáo cho biết: dự toán chi thường xuyên ngành giáo dục năm 2022 là 275.709 tỉ đồng, chiếm hơn 15% tổng chi ngân sách nhà nước.

Cộng thêm cả chi đầu tư năm 2022, tổng dự toán chi ngân sách cho ngành giáo dục là hơn 330.717 tỉ đồng, tăng 15,3% so với năm 2021. Năm 2021, tổng chi thường xuyên của cả nước giảm 1,9%, nhưng riêng lĩnh vực GD-ĐT giảm 3,4%.

"Trong điều kiện đặc thù ngành phần lớn kinh phí dùng chi tiền lương, nếu giảm chi thường xuyên theo lộ trình tại Nghị quyết 19 của T.Ư sẽ không bảo đảm kinh phí chi lương, chi cho chuyên môn, chi thực hiện các chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên", báo cáo nêu.

Đồng thời, nếu giảm chi thường xuyên thì sẽ thiếu nguồn lực giải quyết các vấn đề như biên chế giáo viên thiếu, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất nhằm triển khai kịp thời Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Bên cạnh đó, còn những địa phương, các cơ sở giáo dục khó khăn chưa cân đối được thu chi để thực hiện duy tu bảo dưỡng, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học, do đó cần ngân sách T.Ư ưu tiên bố trí cho các địa phương.

Về việc thực hiện tiêu chí định mức phân bổ chi ngân sách thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục, báo cáo cho hay, ngân sách chi sự nghiệp chủ yếu là chi cho con người, nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ tối thiểu 18% chi cho chuyên môn trong tổng chi thường xuyên...

Chi cho các hoạt động giảng dạy và học tập chiếm tỷ lệ còn thấp; một số địa phương phải dùng nguồn kinh phí chi cho giảng dạy học tập để chi lương cho nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68.

Qua báo cáo kế hoạch dự toán ngân sách cho GD-ĐT năm 2022 của 63 tỉnh, thành cho thấy chỉ khoảng 50% địa phương bảo đảm tỷ lệ chi cho hoạt động giảng dạy và học tập tối thiểu, trong đó một số địa phương đạt trên 20%.

Các địa phương khó khăn không bảo đảm tỷ lệ chi chuyên môn tối thiểu, trong đó có những địa phương dưới 15% trong tổng chi ngân sách cho GD-ĐT gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung của ngành.

Nếu tính đúng, tính đủ thì học phí sẽ ảnh hưởng tới cơ hội đi học của phần lớn người học

Về lộ trình tính giá dịch vụ GD-ĐT, báo cáo nêu: “Do GD-ĐT là lĩnh vực ảnh hưởng đến an sinh toàn xã hội. Nếu thực hiện theo đúng lộ trình đến năm 2021 phải tính đủ chi phí theo tinh thần của Nghị quyết 19 của T.Ư thì học phí sẽ tăng khá cao và ảnh hưởng tới chi tiêu của học sinh, gia đình, dễ gây xáo trộn lớn trong xã hội, ảnh hưởng tới cơ hội đi học của phần lớn học sinh, sinh viên".

Theo báo cáo của các địa phương, chi đầu tư phát triển trong năm 2022 cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tập trung chủ yếu để tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Báo cáo nêu thêm, năm 2022 dự toán ngân sách nhà nước đối với kinh phí do bộ quản lý được giao là hơn 6.500 tỉ đồng, giảm 10,8% so với năm 2021. Trong đó, chi thường xuyên giảm 9,3%, chi cho sự nghiệp giáo dục giảm 11,6%.

Ngoài ra, năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên thực hiện chế độ học phí và học phí sư phạm nhưng tổng kinh phí được giao mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu nên không đủ kinh phí để đảm bảo chi trả kịp thời cho người học.

Ngoài ra, một số đề án, nhiệm vụ trọng tâm đặc thù của ngành giáo dục chưa được bố trí kinh phí riêng, phải tự cân đối dẫn đến tiến độ, hiệu quả, chất lượng còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Từ đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội đưa vào kế hoạch rà soát, điều chỉnh, sửa đổi luật Thuế giá trị gia tăng để đưa sách giáo khoa vào chịu thuế suất giá trị gia tăng 0% để đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa biên soạn, phát hành mặt hàng này.

Ngoài ra, kiến nghị Quốc hội đảm bảo tỷ lệ ngân sách nhà nước cho giáo dục đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội và luật Giáo dục 2019, đồng thời trong dự toán chi đầu tư phát triển tách riêng ngành giáo dục để có căn cứ xác định tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho GD-ĐT.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.