Đó là ý kiến nhiều bạn đọc về bài Ngang ngược “luật rừng” đăng trên Thanh Niên ngày 30.3.
Xử theo luật rừng sẽ gây bất ổn xã hội
Ngày càng có nhiều vụ việc xảy ra trong xã hội xử nhau theo “luật rừng”, nhất là các tranh chấp đất đai, nợ nần… Đây là dấu hiệu cho thấy có thể dẫn đến sự bất ổn xã hội. Để lấy lại niềm tin vào công lý, vào sự phán quyết công minh của tòa án, cần phải có cách khuyến khích người dân hoặc các tổ chức nghĩ đến tòa án khi có tranh chấp, phải rút gọn các thủ tục thụ lý vụ kiện và sớm xét xử. Có như vậy mới xóa bỏ bớt tình trạng xử nhau theo “luật rừng”.
Nguyễn Danh (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Đừng đùn đẩy nữa
Việc đặt câu hỏi “Né tránh hay bảo kê?” trong bài báo khi đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương, theo tôi là đúng bản chất vấn đề. Khi có vụ việc tranh chấp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, người dân báo công an thì cơ quan này lại đưa đẩy yêu cầu kiện ra tòa, như vậy đã khiến người dân mất một chỗ dựa tin cậy. Đúng ra, công an phải vào cuộc tìm hiểu, phân tích vụ việc, và nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phải vào cuộc xử lý, vậy mới có trách nhiệm.
Phan Vinh (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Dân “ngán” là phải!
Cha ông ta có câu: Vô phúc đáo tụng đình. Không có sự ngán ngẩm nào bằng sự ra tòa. Vì vậy, một khi hệ thống tư pháp nói chung và ngành tòa án nói riêng vẫn trì trệ trong xét xử, kéo dài vụ án, thiếu đi sự công minh của pháp luật thì dân “ngán” là phải. Mà khi đã có tâm lý đó, thì việc “tự xử” theo “luật rừng” là việc dễ xảy ra. Vì vậy, một mặt kêu gọi người dân phải có tinh thần thượng tôn pháp luật, nhưng mặt khác ngành tòa án cũng phải cải tổ.
Trần Trung Chính (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Không ai được đứng trên pháp luật!
Một nhà nước pháp quyền thì bất cứ ai cũng phải được đưa ra xét xử theo pháp luật, không đứng trên pháp luật được. Vì vậy, những vụ việc xảy ra mà báo nêu đều vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trong đó kể cả sai phạm của cơ quan công an. Tại sao tranh chấp mà không ra tòa? Tôi cho rằng, dân làm như vậy là sai, nhưng các cơ quan nhà nước phải xem lại mình đã làm đúng chức trách chưa? Tại sao dân báo tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà công an không thụ lý vụ việc?
Ngọc Huy (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Ba vấn đề cần giải quyết
Theo tôi, có ba vấn đề cần giải quyết để ngăn chặn việc hành xử theo luật rừng trong xã hội: 1. Phải nâng cao trách nhiệm của cơ quan công an khi tiếp nhận trình báo của người dân. 2. Phải tinh gọn thủ tục tòa án và đặc biệt là xét xử công minh, để dân tin. 3. Phải rà soát và ban hành luật hoặc các văn bản dưới luật rõ ràng, để người dân hiểu việc nào báo công an, việc nào kiện ra tòa và việc nào gửi đơn đến chính quyền địa phương…
Nguyễn Thị Vân (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Tiến Mạnh (Giám đốc Công ty luật Hồng Long, TP.HCM)
Mai Thị Nhi (Giám đốc pháp lý Công ty Brighton & Lighton International, TP.Đà Nẵng)
An Phong - Duy Khang (thực hiện)
|
Bình luận (0)