Nhiều tuyến đường trung tâm TP.HCM bị các tay anh chị có máu mặt cát cứ, ngang nhiên đứng ra tổ chức thu phí đậu ô tô. Chủ xe phản ứng là bị đe dọa...
Lề đường Lê Duẩn (Q.1) bị chiếm dụng làm bãi giữ xe - Ảnh: Đàm Huy - Đức Tiến
|
Người bộ hành không còn chỗ đi vì lề đường bị chiếm dụng - Ảnh: Đàm Huy - Đức Tiến
|
Người đàn ông thu phí tại bãi giữ xe ở giao lộ Lê Duẩn - Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) - Ảnh: Đàm Huy - Đức Tiến
|
Một phụ nữ nhận tiền giữ xe trên đường Châu Văn Liêm (Q.5) - Ảnh: Đàm Huy - Đức Tiến
|
“Không trả, mấy ông anh đánh em chết”
Khoảng 9 giờ 30 ngày 6.3, chúng tôi điều khiển ô tô 5 chỗ tấp vào đậu ở ven đường Châu Văn Liêm (đoạn từ đường Hồng Bàng đến Nguyễn Trãi, Q.5) thì một người đàn ông ngoài 30 tuổi đến gõ cửa, đòi thu phí 20.000 đồng. Lúc đó, trên đoạn đường này có khoảng 10 ô tô đang đậu nối đuôi nhau. Chúng tôi phản ứng, không đưa tiền với lý do đây là đường công cộng, không phải bãi giữ xe thì người này gằn giọng: “Xe nào đậu ở đây đều phải trả tiền bãi. Xe anh không trả thì mấy ông anh ngồi ở trong đó (đang ngồi quán cà phê vỉa hè gần đó - PV) đánh em chết”.
Sau một hồi tranh cãi, chúng tôi đồng ý trả 20.000 đồng nhưng yêu cầu ghi phiếu giữ xe. Người đàn ông liền gọi một phụ nữ bán thuốc lá trước khách sạn T.T trên đường Châu Văn Liêm (Q.5) cầm cùi phiếu giữ xe chạy đến ghi phiếu. Anh ta tuyên bố chắc nịch: “Nếu xe bị xử phạt, mất mát gì đều được đền hết. Còn nếu công an đến lập biên bản thì cứ nói tôi cho đậu. Tôi thu anh 20.000 đồng mà chịu trách nhiệm nặng nề. Tôi không nói dóc đâu. Nhiều xe đậu, chứ không phải một mình xe anh đâu. Tôi bao hết. Tôi bao đậu mới dám lấy tiền chứ. Nếu không tin, qua hỏi bảo vệ quán cà phê, mấy người buôn bán ven đường, đậu xe ở đây có bị công an bắt không thì họ trả lời cho anh biết liền. Nhiều người đậu quen thì biết, còn anh lạ mới sợ công an xử phạt. Còn nếu muốn thì qua bên kia đường đậu, công an xử phạt, anh tự lo”.
|
Tương tự, trước thắc mắc “Đoạn đường này cấm đỗ xe sao dám giữ xe và thu tiền?”, người phụ nữ ghi “phiếu giữ xe” trả lời: “Đúng! Đường này cấm đậu nhưng tôi bao cho anh đậu”. Sau đó, người này lấy trước 20.000 đồng và đưa chúng tôi một phiếu giữ xe bằng tờ giấy trắng đã qua sử dụng; nội dung trên phiếu ghi số xe..., giá tiền... và ngày tháng..., được đánh máy in ra hoặc photo...
“Có phép mới dám kẻ vạch sơn chia ô chứ !”
Đến đường Tản Đà (đoạn giữa đường Hùng Vương và Nguyễn Trãi, Q.5), chúng tôi cũng bị một phụ nữ đến đòi thu 20.000 đồng “tiền đậu xe”. “Đoạn đường này có gắn biển báo cho đậu ngày chẵn, không có gắn biển báo thu phí, sao thu tiền?”, chúng tôi thắc mắc, nhưng người phụ nữ này không thèm trả lời, một mực yêu cầu đưa 20.000 đồng, kể cả dừng xe ven đường.
Vì người phụ nữ này chỉ biết lấy tiền mà không đưa phiếu giữ xe nên chúng tôi không chấp nhận. Khi chúng tôi bỏ đi thì chị ta tỏ ra hết sức tức giận. Trên thực tế, đây từng là bãi giữ xe “ma” mà Thanh Niên đã điều tra phản ánh. Nhưng sau đó, chính quyền địa phương chỉ gắn biển báo cho đậu ngày chẵn, ngày lẻ và sử dụng một đoạn đường ngắn làm bãi giữ ô tô thu phí (5.000 đồng/xe); đoạn đường khá dài còn lại các tay anh chị có số má tự lập bãi giữ xe thu phí 20.000 - 30.000 đồng/xe.
Vào trung tâm Q.1, chúng tôi cũng bắt gặp tình trạng tương tự. Điển hình là tại đường Lê Duẩn. Một buổi trưa đầu tháng 3.2015, xe chúng tôi vừa lăn bánh đến bãi giữ xe bố trí tại lòng, lề đường Lê Duẩn (đoạn giao lộ Lê Duẩn - Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1), nhân viên bảo vệ chạy ra hướng dẫn leo xe lên lề đường (có kẻ ô lớn dành cho ô tô - PV). Cứ nghĩ bãi giữ xe này đã được chính quyền chấn chỉnh sau khi Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng thu phí “lụi”, nhưng bất ngờ một người mặt mày bặm trợn đến đòi thu 30.000 đồng/xe.
Lúc đó đã có hàng chục ô tô đậu san sát nhau từ lề đường xuống lòng đường Lê Duẩn. Người thu tiền nói: “Đây là bãi giữ xe được cấp phép đàng hoàng, mới dám kẻ vạch sơn chia ô trên lề, lòng đường thu phí chứ”. Tuy nhiên, trên phiếu giữ xe ô tô mà chúng tôi phải trả 30.000 đồng không hề có in mã số thuế, tên đơn vị đứng ra tổ chức thu phí.
Điều đáng nói, lòng lề đường ở khu vực này bị chiếm dụng nghiêm trọng khiến người đi bộ phải luồn lách qua khe hở giữa hai ô tô, giẫm đạp lên thảm cỏ hoặc xuống lòng đường mới có chỗ đi...
Tháng 7.2012, Báo Thanh Niên có loạt bài điều tra Ngang nhiên “trấn lột” trên đường phố, phản ánh một số người ngang nhiên thu phí ô tô trên một số đoạn đường ở TP.HCM, khiến người dân rất bức xúc. Sau khi báo đăng, chính quyền địa phương khẳng định sẽ chấn chỉnh tình trạng thu phí sai trái. Tuy nhiên, đến nay ở một số tuyến đường vẫn xuất hiện các cá nhân đứng ra lập bãi, thu phí đậu xe trái phép.
Đàm Huy
|
Bình luận (0)