Ngành cao su linh hoạt thực hiện tốt mục tiêu kép

19/08/2021 15:45 GMT+7

Cùng với các nhiệm vụ chính: trồng, chế biến, kinh doanh cao su,… Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) còn chuyển đổi đất cao su kém hiệu quả thành khu công nghiệp, phát huy hiệu quả sử dụng đất, thực hiện tốt mục tiêu kép.

Đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước

VRG đang đầu tư vào 11 công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp (KCN), 8 công ty thành viên đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN: Bắc Đồng Phú, Dầu Giây, Nam Tân Uyên, An Điền, Tân Bình, Long Khánh, Đầu tư Sài Gòn VRG và KCN cao su Bình Long, và 3 công ty liên kết. Với 16 dự án, tổng diện tích hơn 6.566 ha, nằm tập trung tại các tỉnh, thành: Tây Ninh, Gia Lai, Bình Phước, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra mô hình “3 tại chỗ” tại KCN Bắc Đồng Phú thuộc VRG vào ngày 5.8

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra mô hình “3 tại chỗ” tại KCN Bắc Đồng Phú thuộc VRG vào ngày 5.8

Thời gian qua, bức tranh toàn cảnh các KCN của VRG hiện diện nhiều mảng màu sáng, tiếp tục đánh dấu hiệu quả khả quan. Các KCN trên đất cao su đã thu hút hơn 700 doanh nghiệp với vốn đầu tư hơn 9 tỉ USD và 24.714 tỉ đồng, tạo ra hơn 260.000 công việc cho người lao động trên địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương tại nơi các KCN trú đóng, cũng như góp phần giải quyết vấn đề về an sinh xã hội. Năm 2020, lợi nhuận từ khối dịch vụ hạ tầng KCN chiếm 17% trên tổng lợi nhuận sau thuế 5.230 tỉ đồng của VRG, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.600 tỉ đồng.
Toàn cảnh KCN Bắc Đồng Phú

Toàn cảnh KCN Bắc Đồng Phú

Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp vào đầu năm 2021 đến nay, tuy nhiên, các KCN đã nỗ lực chủ động trong công tác phòng chống dịch, hỗ trợ các doanh nghiệp. Do đó, kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 khá tích cực. Cụ thể, doanh thu trên 848 tỉ đồng (đạt 41,62%); lợi nhuận sau thuế 361 tỉ đồng (đạt 50,1%). Hiện tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN thuộc VRG là 659 doanh nghiệp, với khoảng 209.000 công nhân. Các KCN đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại đơn vị; thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, địa phương, tập đoàn và phối hợp cùng địa phương trong việc hướng dẫn các doanh nghiệp trong KCN thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch.

Nhiều biện pháp ứng phó để thực hiện kế hoạch

Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh các tháng còn lại năm 2021, các công ty KCN thuộc VRG tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư. Thực hiện các thủ tục hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 của Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tổ chức “3 tại chỗ” - ăn, ở, sản xuất tại nhà máy và thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh theo yêu cầu địa phương.
Toàn cảnh KCN Nam Tân Uyên

Toàn cảnh KCN Nam Tân Uyên

Tổ chức mô hình làm việc phù hợp với tình hình dịch bệnh, bố trí cho người lao động làm việc và sinh hoạt tại chỗ để đảm bảo hoạt động liên tục của các dịch vụ hạ tầng toàn KCN như công tác đảm bảo an ninh, trật tự; công tác cấp nước, cấp điện; xử lý nước thải, rác thải. Cập nhật liên tục các chỉ đạo của địa phương, chỉ đạo của Tập đoàn để phổ biến cho các doanh nghiệp trong KCN. Giữ liên lạc 24/24 với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương, kết nối 24/24 với các doanh nghiệp trong KCN để xử lý kịp thời các phát sinh liên quan đến dịch tễ. Kết nối với các nhà đầu tư có quan tâm để cung cấp các thông tin cần thiết nhằm thu hút các nhà đầu tư vào các KCN còn quỹ đất ngay sau khi tình hình dịch được kiểm soát và ổn định.
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các KCN cũng được chú trọng thực hiện. Tùy theo thực tế, các KCN có phương án cụ thể miễn, giảm, giãn, hoãn chi phí để hỗ trợ nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Không ngừng mở rộng quy mô diện tích

Lĩnh vực đầu tư KCN đang được VRG đẩy mạnh phát triển. Các khu công nghiệp của VRG có lợi thế là nằm ở các khu vực kinh tế phát triển năng động; chi phí đầu tư rẻ; hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh; giá thuê đất cạnh tranh... Ngoài 11 KCN hiện có với tổng diện tích trên 6.500 ha, định hướng trong những năm tới, VRG tập trung khai thác hiệu quả các khu công nghiệp hiện có, đồng thời mở rộng giai đoạn 2 các KCN thuận lợi đã có quy hoạch.
Toàn cảnh KCN Dầu Giây

Toàn cảnh KCN Dầu Giây

VRG hiện đang sở hữu quỹ đất khoảng 407.800 ha, trong nước 300.000 ha. Với định hướng tập trung chuyển đổi đất cao su kém hiệu quả thành KCN, quỹ đất của tập đoàn có lợi thế tiết kiệm thời gian và chi phí đền bù so với các KCN khác.
Về tình hình thực hiện mở rộng, thành lập mới các khu/cụm công nghiệp, theo Nghị quyết số 30/NQ-HĐQTCSVN ngày 10.7.2020, tổng diện tích dự kiến quy hoạch khu/cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 là hơn 39.100 ha (trong đó: KCN hơn 37.387 ha; cụm công nghiệp là hơn 1.789 ha). Định hướng giai đoạn 2021 - 2025, VRG đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành, trong đó phát triển từ 15.000 ha đến 20.000 ha diện tích KCN, thông qua việc điều chỉnh, bổ sung ngành nghề đầu tư, kinh doanh KCN trên đất trồng cao su chuyển đổi. VRG dự kiến có thêm 9 dự án KCN trong 5 năm tới, với tổng quỹ đất 5.000 ha, tập trung tại Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Gia Lai.
Tại Bình Dương, VRG triển khai các dự án KCN Nam Tân Uyên (346 ha), KCN Rạch Bắp mở rộng (360 ha), KCN Tân Lập 1 (400 ha), KCN Tân Bình mở rộng (1.055 ha), KCN Hội Nghĩa (560 ha) và KCN Minh Hưng 2 mở rộng (590 ha). Tại Bình Phước, sẽ triển khai 2 dự án gồm KCN Bắc Đồng Phú mở rộng và KCN Nam Đồng Phú mở rộng với tổng diện tích 800 ha. Các dự án còn lại bao gồm KCN Dầu Giây mở rộng (75 ha), KCN Long Khánh mở rộng (500 ha) tại Đồng Nai và KCN Nam Pleiku mở rộng (200 ha). Với nguồn lực vững vàng và lợi thế sẵn có, VRG sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực KCN, liên doanh, liên kết cùng phát triển với các khách hàng, đối tác trong nước và quốc tế với mục tiêu thịnh vượng và bền vững.
Về phía các công ty KCN, để khẳng định vị thế của mình, hiện nay đã và đang thực hiện các thủ tục để đầu tư mở rộng thêm, trong đó Công ty CP KCN Tân Bình (TBIP) thực hiện mở rộng giai đoạn 2 lớn nhất trong các đơn vị còn lại với hơn 1.055 ha. Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP KCN Tân Bình, cho biết: “Hiện giai đoạn 1 đã gần như đã được lấp đầy, công ty thực hiện mở rộng giai đoạn 2 với tổng diện tích hơn 1.055 ha. Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như điều kiện hiện có, TBIP rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo VRG, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh để TBIP sớm hoàn thành thủ tục mở rộng giai đoạn 2, kịp thời đón làn sóng đầu tư mới”.
Thực hiện chủ trương của tỉnh Bình Dương và VRG, Công ty CP Cao su Phước Hòa sớm triển khai chuyển đổi đất kém hiệu quả sang đầu tư KCN. Ông Huỳnh Kim Nhựt, Chủ tịch HÐQT Cao su Phước Hòa, cho biết: “Việc chuyển đổi từ đất cao su sang đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, cụ thể là KCN Nam Tân Uyên và KCN Tân Bình góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho những khu vực đất xấu, bạc màu, vườn cây già cỗi, đóng góp tích cực vào việc tăng doanh thu, lợi nhuận, góp phần không nhỏ vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống cho người lao động của công ty. Bên cạnh đó, việc đầu tư hạ tầng KCN trên đất cao su chuyển đổi góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, tăng thu ngân sách cho địa phương…”.
Được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 25.10.2005, Công ty CP KCN Nam Tân Uyên (NTC) là một trong những đơn vị dẫn đầu về doanh thu và lợi nhuận nhiều năm liền của VRG. Tính đến nay, NTC đã cho thuê hơn 446 ha, thu hút 227 dự án, tạo cơ hội việc làm hơn 38.300 lao động. Năm 2020, tổng doanh thu hơn 476 tỉ đồng (vượt 13,82% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế hơn 291 tỉ đồng (vượt 23% kế hoạch), nộp ngân sách nhà nước 138 tỉ đồng (vượt 11% kế hoạch), thu nhập bình quân trên 18 triệu đồng/người/tháng (vượt 12% kế hoạch). 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.