img

Bởi trong suốt 2 thập niên qua, đội tàu mỏng, yếu được cho là nguyên nhân không chỉ khiến các hãng tàu Việt để vuột mất nguồn lợi khổng lồ từ thị trường vận tải hàng hóa quốc tế mà còn khiến doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu VN khốn đốn vì sự thao túng của các hãng tàu ngoại. Thế nhưng, phát biểu của ông Kenny Yong hoàn toàn có cơ sở. Từ sau đại dịch Covid-19, ngành đóng tàu của VN đã có những bước phát triển vượt bậc và đang từng bước khẳng định mình trên thương trường quốc tế…

- Ảnh 1.

Lễ hạ thủy tàu hàng Trường Minh Dream 05 tại Nhà máy đóng tàu Hạ Long, ngày 3.8

Ảnh Lã Nghĩa Hiếu

- Ảnh 2.

Chiều 3.8, Công ty đóng tàu Hạ Long tổ chức lễ hạ thủy tàu hàng 45.000 DWT, ký hiệu thiết kế VB45-01, mang tên Trường Minh Dream 05. Tàu hàng có tải trọng 45.000 DWT, chiều dài toàn bộ 185 m, chiều rộng 31 m, chiều cao mạn 16 m. Đây là loại tàu hàng rời đáy đôi, mạn đơn, được dẫn bằng động cơ diesel, chân vịt đơn phù hợp với quy phạm cập nhật được Cơ quan Đăng kiểm Lloyd's (Anh) phê duyệt. Trường Minh Dream 05 được coi là thành tựu đáng tự hào về năng lực đóng tàu của Công ty đóng tàu Hạ Long, bởi tàu 45.000 DWT là dòng tàu có thiết kế hiện đại và tính ưu việt bậc nhất về sức cản, chất lượng khí thải. Hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu của tàu tiết kiệm khoảng 30% so với dòng tàu tương đương hiện nay. Trọng lượng tàu không tải đã giảm về mức tối ưu. Tàu được trang bị các thiết bị hiện đại nhất, thỏa mãn các điều kiện khắt khe của các cơ quan quản lý cảng tại Mỹ, châu Âu, Úc…

Trước khi dồn quyết tâm cho Trường Minh Dream 05, Công ty đóng tàu Hạ Long đã triển khai đóng mới nhiều sản phẩm đạt tiến độ, chất lượng cho Công ty Đông Bắc, tiêu biểu là dòng sản phẩm tàu hàng 21.000 - 23.000 DWT. Đây là tiền đề quan trọng để Công ty Đông Bắc tiếp tục lựa chọn Công ty đóng tàu Hạ Long thi công, triển khai đóng mới loạt tàu hàng 45.000 DWT. Tiếp theo, Công ty đóng tàu Hạ Long được tin tưởng thi công tiếp tàu 45.000 DWT số 2, với yêu cầu chất lượng tốt hơn và thời gian thi công được rút ngắn hơn nữa.

Trong giai đoạn năm 2022 - 2023, Công ty đóng tàu Hạ Long đã ký với Tập đoàn Damen (Hà Lan) đóng mới 8 tàu dịch vụ điện gió CSOV. Tháng 7 vừa qua, DN này tiếp tục ký thêm với Tập đoàn Damen đóng mới 6 tàu dịch vụ điện gió CSOV, nâng tổng số tàu CSOV đã ký với Tập đoàn Damen lên là 14 tàu. Con tàu dịch vụ điện gió đầu tiên dự kiến sẽ được hạ thủy vào ngày 28.8 tới đây và bàn giao vào tháng 3.2025. Với tiến độ bàn giao 3 tháng một tàu, con tàu cuối cùng dự kiến bàn giao vào tháng 5.2028.

- Ảnh 3.
- Ảnh 4.
- Ảnh 5.

Cảng Tân Vũ (Hải Phòng)

Ngọc Thắng

Trước đó, hồi tháng 5, tàu hàng rời có tải trọng 65.000 tấn - con tàu lớn nhất từ trước đến nay do DN VN đóng mới - cũng đã được hạ thủy, bàn giao cho khách hàng tại Hải Phòng. Con tàu có chiều dài gần 200 m, rộng hơn 32 m và cao hơn 19 m này đã được cơ quan Đăng kiểm của Nhật Bản phân cấp để có thể hoạt động trên tất cả các vùng biển quốc tế, cũng như đáp ứng tất cả yêu cầu khai thác của các cảng biển trên thế giới. Tàu hàng có trị giá hơn 35 triệu USD, là sản phẩm của sự nỗ lực không ngừng nghỉ suốt 2 năm của hơn 500 cán bộ, kỹ sư và công nhân tại Nhà máy đóng tàu Nam Triệu. Sự kiện trên được xem là dấu mốc quan trong đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của ngành đóng tàu VN sau hơn chục năm "vật lộn" với quá trình tái cơ cấu, xử lý những khoản nợ khổng lồ mà Tập đoàn Vinashin để lại.

Ông Phạm Bình Minh, Tổng giám đốc Công ty CP kỹ thuật đóng tàu VN (VISEC), tự hào bình luận: "Một thế hệ tàu chở hàng mới được thiết kế và đóng tại VN". Theo ông Minh, tổng số đội tàu biển của VN hiện có hơn 1.600 tàu vận tải hàng hóa, với tổng trọng tải khoảng 12 - 13 triệu DWT. Mặc dù vậy, 95% thị phần vận tải biển hàng hóa xuất khẩu VN vẫn dành cho các hãng tàu nước ngoài, VN chỉ đang đảm nhiệm 5%. Thực tế, phần lớn tàu biển ở VN đã trên 15 tuổi, công nghệ cũ không phù hợp với việc vận chuyển hàng hóa. Một bất cập nữa là cơ cấu đội tàu của VN phát triển chưa hợp lý, tàu trọng tải nhỏ trong tình trạng dư thừa, trong khi lại thiếu các loại trọng tải lớn vận tải quốc tế.

- Ảnh 6.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, trong khi nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 thì ngành đóng tàu của VN lại khởi sắc trong và sau đại dịch. Nhiều DN đóng tàu Việt đã nắm bắt tốt cơ hội và chuyển mình mạnh mẽ, đã có những bước phát triển vượt bậc và đang từng bước khẳng định mình trên thương trường quốc tế. Ngành đóng tàu VN đã đóng được các tàu chuyên dụng, tàu có sức chở lớn đến 50.000 - 60.000 tấn và hướng tới đóng tàu 110.000 tấn.

"Hàng loạt dự án đóng tàu lớn tại VN đã có sự tham gia tư vấn thiết kế của chúng tôi như: tàu hàng tổng hợp trọng tải 17.500 tấn xuất khẩu đóng tại Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng; tàu chở dầu trọng tải 100.000 tấn đóng tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất… Tất cả các sản phẩm này đã được VISEC hoàn thành với chất lượng tốt nhất, thoả mãn mọi yêu cầu khắt khe của chủ tàu và cơ quan đăng kiểm trong và ngoài nước", ông Minh khẳng định.

- Ảnh 7.

- Ảnh 8.

Năm 2023, trang Insider Monkey (Mỹ) đã đưa ra danh sách top 15 cường quốc đóng tàu trên thế giới, dựa trên dữ liệu từ Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD), trong đó liệt kê tỷ lệ phần trăm số tàu đã đóng trong năm 2021 của các quốc gia. Đáng chú ý, VN đang đứng ở vị trí thứ 5, với tỷ lệ phần trăm số tàu đã đóng vào năm 2021 là 0,61%. Theo Cục Hàng hải, VN hiện có 97 nhà máy đóng tàu với trọng tải từ 1.000 DWT trở lên và có 68 nhà máy đóng mới - sửa chữa tàu thuyền. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy đóng tàu mới lên tới 2,6 triệu DWT/năm.

Tỷ lệ đóng góp trên phản ánh đúng năng lực đóng tàu mà VN đang khẳng định ngày càng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Năm 2020, nước ta đã đóng và xuất sang Châu Phi hàng chục tàu tuần tra cao cấp, sau khi đã đóng tàu đổ bộ, tàu tuần tra cho đối tác Venezuela. Những thành tựu phát triển này làm nổi bật tham vọng vươn ra toàn cầu của ngành công nghiệp đóng tàu VN. Đáng chú ý, VN đã chế tạo thành công tàu cao tốc với sức chứa bằng 3 chiếc Boeing 787. Đây là siêu tàu cao tốc Thăng Long - tàu cao tốc một thân lớn nhất VN tính đến thời điểm hiện tại, đang được khai thác trên tuyến đường biển từ Vũng Tàu đến Côn Đảo.

- Ảnh 9.

Đóng mới tàu biển tại Công ty đóng tàu Phà Rừng, Hải Phòng

Giang Linh

Không chỉ có DN nhà nước, những DN tư nhân "tay ngang" cũng góp phần ghi dấu ấn đặc biệt cho giai đoạn trở lại mạnh mẽ của ngành vận tải biển VN. Trong tháng cuối cùng của năm 2023, Công ty CP Vận tải biển Hòa Phát (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) đã tổ chức lễ khởi hành chuyến hàng đầu tiên của tàu HPS-01, đánh dấu việc chính thức đưa vào khai thác tàu SB đầu tiên do tập đoàn đầu tư đóng mới. Tàu có ký hiệu thiết kế SB 245-01/02 với 3 hầm hàng được dùng chuyên chở hàng rời của Hòa Phát, đặc biệt là sản phẩm thép cuộn cán nóng. Tập đoàn này còn tự sản xuất container "Made in Vietnam" và tháng 7 vừa qua đã ký hợp đồng cung cấp 2.000 vỏ container 20DC cho Hapag-Lloyd, công ty vận tải container lớn nhất nước Đức, thuộc Top 5 công ty vận tải container thế giới.

Nhìn lại quá trình phát triển của ngành đóng tàu hơn 2 thập niên qua, TS Hoàng Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thủy VN, cho biết: Từ năm 2005, VN đã ký được hợp đồng đóng 15 con tàu cho một tập đoàn của Anh, sau đó chúng ta còn đóng tàu vận chuyển khí hóa lỏng, tàu container và một số tàu khác cho Hàn Quốc, Nhật Bản. Đó là thời kỳ đỉnh cao của ngành đóng tàu. Tuy vậy, giai đoạn 2008 - 2012, kinh tế toàn cầu khủng hoảng, nhu cầu vận tải đường biển trong nước và quốc tế suy giảm, các công ty đóng tàu khó khăn, đỉnh điểm là vụ việc tại Vinashin đã khiến ngành công nghiệp tàu thủy VN bị chậm lại, gặp nhiều khó khăn. Việc này kéo theo các đơn đặt hàng cho ngành đóng tàu VN giảm đi nhiều, thậm chí có những giai đoạn không có đơn hàng, dẫn đến việc nhiều nhà máy đóng tàu phải chuyển đổi sản xuất kinh doanh hoặc phá sản.

- Ảnh 10.

Cảng Tân Vũ (Hải Phòng)

Ngọc Thắng

Giai đoạn suy thoái, khó khăn nhất đã dần qua đi. Ngành đóng tàu đang phục hồi, các cơ sở đóng tàu phát triển ở khắp các địa phương trải dài từ Bắc đến Nam. Hiện cả nước có gần 120 cơ sở đóng tàu lớn nhỏ, với sản lượng hằng năm tăng gấp 10 lần so với thập niên trước, thay vì trước đây chỉ tập trung tại các khu vực tỉnh thành phát triển kinh tế như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và TP.HCM.

"Các cơ sở thiết kế, cung ứng vật tư thiết bị phục vụ cho ngành cũng phát triển về số lượng, đảm nhiệm thiết kế được những sản phẩm có tính năng chuyên dụng và hàm lượng về khoa học công nghệ cao, cung ứng thiết bị vật tư với các chủng loại đa dạng, đáp ứng đầy đủ cho các cơ sở đóng và sửa chữa tàu. Ngành đóng tàu VN với gần 70% vật tư thiết bị đang phải nhập ngoại, đây là dư địa rất lớn dành cho các nhà cung ứng vật tư thiết bị trong nước, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ VN phát triển", TS Hoàng Hùng nhận định.

- Ảnh 11.

Con tàu đầu tiên Hòa Phát đầu tư đóng HPS-01, phục vụ vận chuyển nội địa

- Ảnh 12.

Theo Hiệp hội DN cơ khí VN, phụ kiện phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu của VN hiện mới chỉ chiếm khoảng 20 - 30%. Trong đó, các mặt hàng thuần Việt chỉ chiếm khoảng 10 - 15%, còn lại là phụ kiện nước ngoài gia công tại VN, hoặc phải nhập khẩu.

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí VN, chỉ rõ: ngành đóng tàu nước ta có thể tập trung đóng mới tàu viễn dương, tàu cá, tàu du lịch... trên cơ sở lựa chọn kích thước, tính năng các loại tàu để trước mắt phục vụ thị trường nội địa, dần dần có thể khôi phục và phát triển thị trường quốc tế. Nhà nước cũng cần nhanh chóng quy hoạch một số địa điểm làm các dịch vụ và sửa chữa tàu biển để đáp ứng nhu cầu quốc tế và trong nước; tập trung vào các sản phẩm phụ trợ mà VN có thể thực hiện trong thời gian tới như vỏ vật liệu mới, phát triển về thiết kế kỹ thuật tàu...

- Ảnh 13.

Xuất nhập khẩu tại Cảng Hải Phòng

Ngọc Thắng

"Tàu thủy là một ngành công nghiệp lớn, đa dạng về chủng loại. Việc đóng tàu liên quan mật thiết đến nhiều ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực cơ khí, luyện kim, một số lĩnh vực chính như sản xuất thép đóng tàu, chế tạo, lắp ráp thiết bị, máy móc cơ khí thuỷ, điện, điện tử, tự động hóa, vật liệu mới. Vì thế, việc phát triển được những lĩnh vực công nghiệp phụ trợ này sẽ tạo ra cơ hội tốt cho đóng tàu VN tham gia cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Khi DN đóng tàu phát triển cũng sẽ kéo theo hàng loạt DN lĩnh vực cơ khí cùng phát triển. Đặc thù ngành đóng tàu cũng như ngành cơ khí có tỷ suất lợi nhuận không cao, nhưng có tác động lan tỏa lớn đến nền kinh tế, có thể thúc đẩy nhiều ngành cùng phát triển", ông Đào Phan Long nhấn mạnh.

Lãnh đạo Hiệp hội DN cơ khí VN cũng chỉ ra rằng: Đóng tàu là một ngành công nghiệp dài hơi, nên DN muốn tồn tại và trụ vững được đòi hỏi phải rất trường vốn. Song đa số các DN đóng tàu hiện đều khó khăn về vốn, trong khi chi phí lãi suất vay ngân hàng tại VN thường cao hơn lãi vay trên thế giới. Do đó, Nhà nước cần nghiên cứu gói vay với lãi suất ưu đãi cho các đơn vị đóng tàu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng với chủ tàu nước ngoài đối với những sản phẩm được đánh giá là hiệu quả. Chúng ta cũng có thể học hỏi chính sách từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản đang là những quốc gia có ngành công nghiệp đóng tàu phát triển đột phá.

- Ảnh 14.

Tàu có ký hiệu thiết kế SB 245-0102 với 3 hầm hàng

Bên cạnh đó, một vấn đề rất quan trọng trong ngành đóng tàu là nhân lực. Đã có một thời kỳ khó khăn khiến công nhân lành nghề, kỹ sư, nhà khoa học của ngành công nghiệp đóng tàu phải chuyển sang làm công việc khác, cho đến nay vẫn chưa phục hồi được. Nguồn nhân lực bây giờ không những phải đáp ứng được về trình độ mà còn phải cập nhật cả kiến thức công nghệ đóng tàu mới, hiện đại.

Thực tế ghi nhận, Trường Đại học Hàng hải VN - "cái nôi" đào tạo ngành nghề đóng tàu - trong khoảng chục năm nay đang gặp khó khăn khi tuyển sinh những ngành truyền thống, có thế mạnh, làm nên thương hiệu nhà trường trước đây. Mặc dù các công ty đóng tàu năm nào cũng về trường "đặt hàng", trao học bổng khuyến khích sinh viên, nhu cầu tuyển dụng mỗi năm hàng trăm kỹ sư, nhưng vẫn có rất ít người theo học.

Theo đại diện Trường Đại học Hàng hải VN, việc tuyển sinh ngành đóng tàu 1-2 năm trở lại đây có dễ hơn, nhưng số sinh viên ứng tuyển và điểm đầu vào vẫn chưa cải thiện bao nhiêu.

"Ngành đóng tàu trong giai đoạn trước đây gặp nhiều khó khăn, cha mẹ và học sinh hướng ưu tiên học các ngành kinh tế, công nghệ, không thích các ngành kỹ thuật truyền thống. Thu nhập của kỹ sư ngành đóng tàu cũng chưa thật sự hấp dẫn và thiếu tính cạnh tranh so với các ngành khác. Nhà nước lại chưa có chính sách hỗ trợ người học đối với các ngành học trọng điểm phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước", đại diện nhà trường chỉ rõ và đề xuất Nhà nước cần sớm có các cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý để thu hút, đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy ngành đóng tàu phát triển.

- Ảnh 15.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.