Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), tính đến ngày 29.2, toàn ngành thu ngân sách nhà nước đạt 56.420 tỉ đồng, bằng 15% dự toán được giao, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Nguyên nhân sự sụt giảm là bởi kim ngạch nhập khẩu có thuế của một số mặt hàng chính so với cùng kỳ năm 2023 giảm mạnh.
Cụ thể, nhóm xăng dầu nhập khẩu đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn, trị giá 897 triệu USD, giảm 23,3% về lượng và giảm 30,2% về trị giá. Điều này là do tác động của ưu đãi về thuế suất nhập khẩu xăng từ thị trường ASEAN là 5%, dầu DO và dầu FO là 0%; các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu từ ASEAN thay vì nhập khẩu từ Hàn Quốc với mức thuế suất xăng là 8%.
Bên cạnh đó, nhóm ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đạt gần 16.500 chiếc, trị giá 345 triệu USD, giảm 38,4% về lượng và giảm 39% về trị giá.
Tổng cục Hải quan thông tin thêm, 2 tháng đầu năm, dự toán thu của 10 cục hải quan tỉnh, thành phố chiếm 88% dự toán thu của toàn ngành. Tính đến ngày 29.2, số thu ngân sách nhà nước của 10 cục hải quan tỉnh, thành phố đạt 47.513 tỉ đồng, bằng 14,35% dự toán được giao, giảm 4,78% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 3, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ các nguồn thu.
Quán triệt, triển khai các giải pháp theo Chỉ thị số 371/CT-TCHQ ngày 24.1 về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024.
Đồng thời, tăng cường chống thất thu qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Theo đó, tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể như: kiểm tra chặt về số lượng, trọng lượng, chủng loại, tên hàng hóa; trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu; phân loại hàng hóa, áp dụng mã số và mức thuế; xuất xứ hàng hóa...
Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt
Cả năm 2024, Tổng cục Hải quan xác định hàng loạt giải pháp đảm bảo thu ngân sách. Cụ thể như tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch; giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với ngân hàng để thực hiện nộp thuế điện tử 24/7, thí điểm nộp thuế qua tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đảm bảo cho người nộp thuế có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện.
Áp dụng các chuẩn mực quốc tế, quy trình quản lý hải quan hiện đại nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.
Tổng cục Hải quan cũng sẽ chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; tăng cường rà soát, nắm chắc nguồn thu; nghiên cứu, triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách nhà nước; chủ động đánh giá tác động của các cam kết hội nhập quốc tế đến thu ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; phân loại các nhóm nợ, tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp, đưa ra biện pháp xử lý theo đúng quy định; quyết liệt xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai các doanh nghiệp nợ thuế; không để phát sinh nợ mới, không để nợ tại thời điểm 31.12.2024 cao hơn thời điểm 31.12.2023...
Bình luận (0)