Ngành than lao đao

16/08/2013 11:15 GMT+7

Kết quả kinh doanh bê bết, đặc biệt hàng tồn kho tăng cao khiến các doanh nghiệp ngành than lao đao.

Kết quả kinh doanh bê bết, đặc biệt hàng tồn kho tăng cao khiến các doanh nghiệp ngành than lao đao.

Tồn kho cao như núi

Người ta nói nhiều đến đầu ra là giá bán than cho điện hay xuất khẩu, nhưng quản lý chi phí đầu vào là yếu tố quan trọng lại đang bị buông lỏng

TS Nguyễn Thành Sơn

CTCP than Mông Dương - Vinacomin (MDC) báo cáo quý 2/2013 lỗ 12 tỉ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm nay MDC bị lỗ 11 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2012 vẫn đạt lợi nhuận 14,5 tỉ đồng. Bên cạnh doanh thu sụt giảm, chi phí tài chính của công ty này tăng đáng kể khi 6 tháng đầu năm, MDC đã phát sinh khoản vay ngắn hạn lên hơn 114 tỉ đồng, dù con số này hồi đầu năm là bằng 0. Vì thế, chi phí lãi vay phải trả là 35,86 tỉ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, CTCP than Cao Sơn - Vinacomin (TCS) và CTCP than Đèo Nai (TDN) có mức lỗ lần lượt là 69,4 tỉ đồng và 56,54 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2013. Doanh thu của cả hai doanh nghiệp (DN) này không giảm nhiều nhưng chi phí hoạt động bán hàng và quản lý DN của TDN lại tiêu tốn khá nhiều tiền, tăng lần lượt 148% và 18% so với quý 1/2013 khiến DN đi vào con đường thua lỗ. Trầm trọng hơn, cả TDN và TCS đều đang có hàng tồn kho ở mức cao. Tính đến hết tháng 6.2013, hàng tồn kho của TDN có trị giá 347,6 tỉ đồng, tăng 66,36% so với cuối năm 2012; còn tồn kho của TCS là 277,4 tỉ đồng, tăng 222% so với cuối năm 2012. Theo giải trình của Công ty than Đèo Nai, quý 2 năm nay tình hình tiêu thụ của Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu chỉ đạt 94% so với kế hoạch. Trong khi đó các chỉ tiêu sản xuất chính đều hoàn thành kế hoạch như than sản xuất đạt 101%, đất đá bốc xúc đạt 49,1% kế hoạch năm dẫn đến tồn kho cao và chi phí tăng.

Theo bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền - Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, các công ty than bị lỗ do nguyên nhân phổ biến là có nợ vay khá lớn và chi phí lãi vay ăn mòn lợi nhuận công ty. Hầu hết các công ty niêm yết của ngành này đều có tỷ lệ nợ trên vốn khá cao, khoảng 2-3 lần, cá biệt có công ty nợ gấp 15 lần vốn chủ sở hữu. Đặc biệt đối với các công ty ngành than, chi phí giá vốn tăng cao là nguyên nhân chính khiến các DN này thua lỗ. “Có nhiều lý giải cho chi phí ngành than tăng cao trong thời gian gần đây, chủ yếu vẫn xoay quanh về hàng tồn kho tăng cao nhưng chúng tôi cho rằng nguyên nhân là do công nghệ khai thác lạc hậu và quản lý yếu kém. Đa số các công ty than niêm yết đều khai thác mỏ lộ thiên, nhưng chi phí khai thác lại cao gấp 4 lần chi phí khai thác bình quân của thế giới”, bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền phân tích.

Ngành than lao đao
Các doanh nghiệp ngành than đang thua lỗ do mô hình quản lý chưa phù hợp - Ảnh: Mai Hà

Cần cơ cấu triệt để

Theo Vinacomin 6 tháng đầu năm doanh thu tập đoàn này chỉ đạt 47.600 tỉ đồng, bằng 45% kế hoạch năm. Lợi nhuận nửa đầu năm không đáng kể, khiến thu nhập của người lao động cũng giảm sút. Lãnh đạo Vinacomin lý giải khó khăn trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đặc biệt là việc giá bán than cho điện đang thấp hơn giá thành và thuế xuất khẩu than tăng cao. Giá bán than cho điện đã tăng 37 - 41% từ 20.4, tuy nhiên cũng chỉ mới bằng 85 - 87% giá thành sản xuất than của năm 2013. Trong khi đó, xuất khẩu than - vẫn được xem là chủ lực của Vinacomin cũng đang gặp khó do thuế xuất khẩu than tăng từ 10% lên 13%, khiến lượng xuất khẩu dự kiến năm 2013 giảm xuống còn 9,5 - 10,5 triệu tấn, giảm 4 - 5 triệu tấn so với năm 2012.

TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng (Vinacomin) cho rằng, cái khó của Vinacomin và các DN than thành viên hiện nay là chất lượng than thấp, khó bán và giá thành không cao. Than tiêu chuẩn tỷ trọng ngày càng giảm, còn khoảng 30 - 40%. Chi phí khai thác than tăng lên, nhưng điều kiện khai thác tự nhiên lại xấu đi do phải xuống sâu hơn. Việc tăng giá bán than cho điện cũng chỉ là giải pháp trợ lực ngắn hạn cho ngành than. Về lâu dài, ngành than phải nâng cao hiệu quả, hạ giá thành sản xuất gồm siết lại quản lý chi phí đầu vào, nâng cao phẩm cấp than và thay đổi cơ bản về mặt công nghệ.

Ông Sơn phân tích: Người ta nói nhiều đến đầu ra là giá bán than cho điện hay xuất khẩu, nhưng quản lý chi phí đầu vào là yếu tố quan trọng lại đang bị buông lỏng. Chỉ đơn cử khối lượng bóc đất - là chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khai thác than, nhưng không kiểm soát được chính xác. Nhiều mỏ lộ thiên mô hình công nghệ cũng chưa phù hợp, có mỏ sắp đóng cửa cũng phải đầu tư mua ô tô mới, lãng phí rất lớn. Do đó, ngành than cần một sự tái cơ cấu triệt để theo hướng nâng cao hiệu quả, nhưng đáng tiếc tái cơ cấu mới mang tính hình thức. “Nếu nhìn vĩ mô, năng lực và quy mô sản xuất tăng lên rất mạnh, gấp 10 lần so với năm 1995 cả về quy mô sản xuất, chế biến than... Nhưng mô hình quản lý lại không thay đổi nhiều, một loạt công ty bên dưới chưa kịp cổ phần cũng đưa về công ty mẹ - tập đoàn quản lý trực tiếp, đi ngược lại với quy luật thị trường và khiến việc quản lý khó khăn hơn”, TS Nguyễn Thành Sơn nhấn mạnh.

Ngoài ra, ngành than cũng mang tính chu kỳ kinh tế, giai đoạn GDP tăng trưởng cao ở mức 8-9% thì thiếu than như những năm đầu 2000, khi GDP ở mức 5-6% thì lại thừa than như năm vừa qua. Và nếu kinh tế chưa cải thiện thì tồn kho ngành than vẫn tăng cao.

Mai Phương - Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.