Ngập lụt cục bộ ở TP.Đông Hà khi mưa lớn đã trở thành… căn bệnh!

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
04/11/2021 13:13 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Đông Hà (Quảng Trị), trong cuộc trao đổi với PV Thanh Niên về tình trạng và phương án chống ngập đô thị cho thành phố này khi tình trạng ngập lụt cục bộ ở nhiều khu vực rất nghiêm trọng.

Như Thanh Niên đã nhiều lần thông tin, trong vài năm trở lại đây, tình trạng ngập lụt cục bộ ở nhiều khu dân cư ở TP.Đông Hà đã trở nên rất phổ biến. Tình trạng nêu trên đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực các hẻm nhỏ của đường Lê Lợi và đường Trường Chinh.

TP.Đông Hà chìm trong biển nước dưới cơn mưa lớn xuyên đêm

Chỉ trong tháng 10.2021, người dân quanh khu vực này đã 3 lần bị nước tràn vào nhà, có nơi ngập hơn 1 m, nhấn chìm nhiều tài sản và người dân sống rất khổ sở. Người dân hết sức bức xúc vì cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do việc xây dựng nhà cửa, cống thoát nước không hợp lý của nhà chức trách và con người. Bởi từ năm 2018 trở về trước, hiện tượng này không xảy ra…

Người dân ở hẻm 104 Lê Lợi trong nỗi thống khổ bị ngập lũ giữa lòng TP.Đông Hà

nguyễn phúc

Liên quan đến vấn đề này, sau nhiều ngày liên hệ, sáng 4.11, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Đông Hà, phụ trách lĩnh vực.

Mưa chỉ 100 mm cũng ngập lụt

PV Thanh Niên: Thưa ông, tình trạng ngập lụt cục bộ ở TP.Đông Hà hiện ngày càng nghiêm trọng, thành phố đánh giá thế nào ?

- Ông Phạm Văn Dũng (Phó chủ tịch UBND TP.Đông Hà): Trong thời gian qua, trên địa bàn xảy ra mưa lớn, ngập úng một số khu vực dân cư ở TP.Đông Hà. Vấn đề ngập úng đã diễn ra nhiều năm không phải đến bây giờ mới có. Ngập úng là căn bệnh của đô thị nói chung, Đông Hà cũng không nằm ngoài.

Ông Phạm Văn Dũng có buổi làm việc với PV Thanh Niên về tình trạng ngập lụt trên địa bàn TP.Đông Hà

Bá Cường

* Theo ông thì nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?

- Về nguyên nhân, theo tôi thứ nhất là do thời tiết bất lợi, biến đổi khí hậu, mưa lũ diễn ra bất thường và kéo dài nên gây nên nhiều điểm ngập lụt đô thị, đặc biệt là điểm thấp trũng.

Thứ hai là vấn đề quá trình đô thị hóa đã diễn ra rất nhanh, làm cho diện tích mặt đất tự nhiên bị thu hẹp, các hệ thống thoát nước tự nhiên cũng bị thu hẹp…khi mưa lớn nước tập trung ở vùng trũng thấp. Ngoài ra, việc xây dựng các công trình công cộng, các công trình dân sinh cũng làm cho nước mưa không thấm xuống lòng đất…

Thứ ba nữa là vấn đề đầu tư, đặc biệt là hệ thống thoát nước của thành phố chưa đảm bảo hoàn thiện nên nước chưa lưu thông kết nối.

Cuối cùng là do hệ thống thoát nước của thành phố đã đầu tư nhiều năm, bị bồi lấp, cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến việc thoát nước nói chung…

Một nhà dân ở hẻm 104 Lê Lợi (TP.Đông Hà) bị ngập gần nóc.

nguyễn phúc

* Khu vực các hẻm ở đường Lê Lợi và đường Trường Chinh được cho là nơi ngập nặng nhất giữa lòng thành phố ?

- Khu vực mà anh (PV) nêu được cho là khu vực tụ thủy, thấp. Từ trước năm 2018 đã có ngập lụt, tuy nhiên mức độ là ít hơn. Ở khu vực này, có lúc mưa chừng 100 mm đã ngập, huống hồ nhiều ngày qua có thời điểm mưa lên tới 400 - 500 mm. Địa hình TP.Đông Hà như 1 cái bát (chén) úp, mà khu vực này thấp nhất và trở thành nơi tụ nước rất nhiều khu lân cận, từ đường Hùng Vương, Lý Thường Kiệt đến khu vực hồ Đại An… Cộng với việc nhiều công trình do nhà nước, người dân xây dựng ở khu vực, làm cản trở dòng chảy nên làm khả năng và năng lực thoát nước của hệ thống bị tê liệt.

Khó có thể nói hết nỗi thống khổ của người dân ở khu vực đường Lê Lợi (TP.Đông Hà) trong ngày mưa lớn

nguyễn Phúc

Người dân đưa đồ đạc ra ngoài

nguyễn Phúc

Người dân sẽ được “giải cứu” vào năm 2024

* TP.Đông Hà đã làm gì để thay đổi tình trạng kể trên?

- Đối với khu vực đường Trường Chinh và các hẻm của đường Lê Lợi, vào tháng 6.2020, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư dự án hệ thống thoát nước khu vực Trường THCS Phan Đình Phùng (nằm trên đường Trường Chinh) và khu phố 2 (phường 5, TP.Đông Hà).

Theo đó sẽ đầu tư xây dựng mới hệ thống thoát nước bằng cống hộp bê tông cốt thép chịu lực toàn khối với chiều dài khoảng 1,5 km, điểm đầu tuyến tại khu vực hạ lưu hồ Đại An, điểm cuối tuyến là mương thoát nước thuộc địa bàn P.Đông Lễ. Tổng số vốn của dự án là khoảng 51 tỉ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ phê duyệt dự án.

Dòng nước lũ khủng khiếp trước cổng trường Phan Đình Phùng thuộc đường Trường Chinh (TP.Đông Hà, Quảng Trị)

nguyễn Phúc

* Khi dự án này triển khai thì có thay đổi được tình hình ở khu vực đường Trường Chinh và các hẻm đường Lê Lợi không, thưa ông ?

- Theo đơn vị tư vấn đánh giá, hệ thống thoát nước này sẽ có quy mô gấp 2 đến 3 lần hệ thống cũ, nên chúng tôi tin tưởng là sẽ giải quyết được vấn đề ngập lụt tại “điểm nóng” nêu trên. Ngay trong đầu năm 2022, chúng tôi sẽ cho triển khai dự án với công tác giải phòng mặt bằng, thi công. Nếu người dân ủng hộ, mọi việc thuận lợi, có thể đến năm 2024, nạn ngập lụt ở khu vực sẽ không còn.

Hy vọng cảnh tượng như thế này sẽ không còn trên đường Trường Chinh từ năm 2024

nguyễn Phúc

* Đối với các khu vực ngập lụt cục bộ khác, rải rác trên địa bàn thành phố thì sao, thưa ông?

- Trước mắt chúng tôi chỉ đạo cho Trung tâm phát triển cụm công nghiệp và dịch vụ công ích của thành phố thực hiện việc nạo vét, khơi thông dòng chảy tại các điểm cống thoát nước kém hiệu quả. Giao cho phòng Quản lý đô thị rà soát lại các khu vực ngập nặng để tham mưu cho UBND TP.Đông Hà có hướng xử lý.

Về lâu dài, chúng tôi đẩy nhanh các dự án đã, đang triển khai có liên quan đến vấn đề thoát nước. Ngoài dự án khu vực trường Phan Đình Phùng như nêu trên thì còn có dự án chỉnh trang đô thị trung tâm TP.Đông Hà (100 tỉ), đề án xã hội hóa hạ tầng thiết yếu trong khu dân cư. Tiếp tục rà soát lại quy hoạch của thành phố, đặc biệt là những quy hoạch liên quan đến thoát nước… Đối với những khu đô thị mới, chúng tôi đã có những rút kinh nghiệm trong quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước để tình trạng ngập lụt về sau không bị tái diễn…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.