Ngày của Cha: Thầy tôi

17/06/2017 20:32 GMT+7

Tôi gọi cha tôi 1 bằng 'thầy', vì ông cụ muốn tôi nhớ lại gốc gác của mình từ một làng nào đó ở đất Nghệ An.

Người Bắc hay gọi cha là thầy, mẹ là u. Bên nội tôi là người di dân, vào Quảng Ngãi từ mấy trăm năm trước, không rõ là “dân lậu” hay “dân ngụ”. Ông nội tôi vốn là ông đồ, nhưng do ông mất khi còn trẻ nên tôi hoàn toàn không biết mặt ông.
Ông cũng không có một tấm ảnh hay bức truyền thần nào để lại. Hồi xưa khổ như thế, mất là mất đứt, đi là đi luôn, chẳng để lại được gì, may lắm thì chỉ còn cái “ dáng đứng Việt Nam ” chung chung. Cứ lặng lẽ thế, ông nội tôi sống dạy học trò, chết để lại một đàn con mồ côi gồm 5 chị em.

tin liên quan

Ngày của cha: Chưa học trò nào nghèo như cha ngày xưa
Tôi gọi cha tôi bằng “thầy”, vì ông cụ muốn tôi nhớ lại gốc gác của mình từ một làng nào đó ở đất Nghệ An. Nhân “Ngày của cha” con xin phép thầy được viết vài dòng thật thà và… tếu táo, về đấng sinh thành của mình. 
Bà nội tôi, nghe lời bên ngoại, đi bước nữa, bỏ một đàn con dại bơ vơ giữa cõi đời. May mà 5 chị em đoàn kết, may mà cô tôi – chị cả – là một người đầy bản lĩnh. Mới 14 tuổi, phải tự nuôi mình và 4 đứa em nhỏ nhít, cô tôi đã gồng gánh làm hàng xáo, lăn xả vào đời để kiếm gạo nuôi cả nhà. Trong mấy người em, chỉ thầy tôi là được cô tôi cho đi học, có lẽ vì thầy tôi học được.
Bây giờ, tôi chỉ mong vào một lúc nào đó có điều kiện, sẽ xin làm một cái quỹ học bổng mang tên thầy tôi, không phải vì ông có thành tích cách mạng hay làm quan quyền gì, mà vì ông đích thực là một “ học trò nghèo hiếu học ” – tất cả đều theo nghĩa đen, và tới tận cùng của nghĩa đen này.
Tôi có một quỹ học bổng khác dành cho học trò nghèo vượt khó, quỹ hoạt động gần 20 năm nay, nhưng tôi bảo đảm, chưa có học trò nghèo nào nhận học bổng của tôi mà lại nghèo như thầy tôi khi ông là học trò. Nghèo và khổ. Nhưng quan trọng hơn, nghèo và khổ tới tận cùng, nhưng vẫn không bỏ học. Và học giỏi.
Cái này thì bây giờ hơi bị hiếm. Đó là điều thầy tôi khiến tôi – một đứa con – tự hào về ông hơn tất cả. Nghe ông “ ôn nghèo kể khổ ” thì phải nghe nhiều đêm mới hết, nhưng tôi biết, ông kể với tôi những chuyện đó không phải để giáo dục con, mà chỉ để giãi bày, để tâm sự.
Thông thường, con trai trong nhà ít khi tâm sự với bố, và bố cũng ít tâm sự với con trai. Nhưng thầy tôi và tôi lại hay chuyện trò với nhau, ngay từ lúc tôi còn nhỏ. Tôi vốn không hay nói nhiều, nhưng lại thích chuyện trò với thầy tôi, như hai người bạn tâm tình với nhau.
Đó là một may mắn cực lớn cho tôi. Vì thầy tôi đã chọn tôi là bạn để nói những điều mà ông không biết nói với ai. Bây giờ, tôi đã không làm được như ông khi trò chuyện với con mình, điều này khiến tôi xót xa nhất. Con tôi đã không coi tôi là bạn, như tôi đã coi ông nội nó là bạn.
Cách đây hơn mười năm, tôi tình cờ gặp một ông chú Việt kiều từ Mỹ về thăm quê. Chú là đồng hương với tôi, và biết thầy tôi từ hồi chú còn nhỏ. Ông chú này vốn có khiếu hài hước, nghe nói hồi mới giải phóng ông có làm hai câu đối về gia cảnh của mình : “Mỹ cút anh về mừng thấy mẹ / Ngụy nhào em chạy thất kinh cha ”.
Và ông chú giải thích : ông có người anh ruột tập kết ra Bắc, sau 30/4/75 về quê may còn gặp mẹ già. Trong khi ông (là em) nguyên giáo viên bị động viên vào lính, nên khi giải phóng sợ quá… vượt biên luôn, chạy “ thất kinh cha ” luôn, sang Mỹ luôn, thành “ Việt kiều yêu nước ” luôn. Người biết hài hước thường rất dễ sống, và thường vượt qua được những cú sốc mà người thiếu khả năng hài hước khó vượt qua.
Ông chú Việt… kiều này là một trường hợp như thế. Ngồi cà phê, ông chú kể với tôi, là hồi ông còn nhỏ, ông đã rất hâm mộ thầy tôi ở cái tài… mượn sách (không trả). Mượn của bạn bè, để đọc, để học, rồi thấy hay quá, quên trả luôn. Cũng do nhà nghèo không có tiền mua sách mà ra chuyện. Nhưng khi bạn bè đòi sách, thầy tôi thường gặp họ và… đọc thuộc lòng cả quyển sách, như một cách… trả sách.
Cách trả sách độc đáo này khiến bạn bè ông rất khoái và… quên chuyện đòi sách. Dĩ nhiên, thầy tôi được chủ sách vui lòng biếu không cuốn sách. Chuyện này thì tôi chưa nghe thầy tôi kể bao giờ, có lẽ vì ông ngại kể chuyện mình… mượn sách không trả. Nhưng nghe ông chú Việt kiều kể, tôi rất thú vị. Hồi học đại học, tôi cũng “ nổi tiếng ” vì “ mượn ” sách thư viện. May mà do nhân thân tốt, nên không bị đuổi học.
Chôm sách để… bán thì mới dở, chứ chôm sách để đọc thì… được, vì người viết sách cũng chỉ mong có càng nhiều người đọc sách mình càng tốt thôi mà. Thầy tôi đã truyền được cái “ gien ” ham đọc sách cho tôi, nên từ nhỏ tôi đã là mọt sách, đọc vung vãi bất cứ quyển sách nào rơi vào tay mình, từ sách ABC chủ nghĩa cộng sản tới sách Tàu, Thuỷ Hử, Tam Quốc, Đông Chu…
Chỉ có một thứ chữ thầy tôi không dạy được cho tôi, là chữ Hán. Hồi nhỏ ông học chữ nho, 14 tuổi đã mang lều chõng vào Bình Định thi hương. Nghe thầy tôi kể, thì do nghèo quá, nên hai năm liên tiếp đi thi trường Bình Định, thầy tôi vừa làm bài cho mình vừa làm bài… thuê cho vài ba thí sinh khác. Lều chõng cạnh nhau, làm xong là… quăng bài, hồi xưa không có quay phim chụp ảnh nên chẳng thể phát hiện.
May mà thầy tôi và mấy người thuê làm bài đều đỗ cả, coi như xong. Cái này bây giờ chắc Bộ giáo dục không khuyến khích, còn hồi xưa nếu bị bắt cũng bị phạt nặng lắm, có thể bị cấm thi cử cả đời. Nhưng thầy tôi vẫn làm liều, vì túng thiếu quá, không có tiền đi thi. Cả sự nghiệp đèn sách thánh hiền của thầy tôi dồn vào được mấy cái bằng tuyển sinh, thí sinh, khóa sinh.
Do không có tiền nên không thể ra Huế thi Hội, đành dang dở. Sau đó thì “ bẻ bút lông đi viết bút chì ” chuyển sang học chữ Pháp ở trường tiểu học Pháp-Việt Quảng Ngãi. Từ quê tôi ra thành Quảng Ngãi mất 17 cây số. Thầy tôi trọ học, nhưng mỗi tuần phải hai hay ba lần về quê lấy gạo và mắm. Ở nhà quê, cứ 1 giờ sáng là phải thức dậy, rửa mặt cho tỉnh ngủ rồi nhịn đói đi bộ ra tỉnh cho kịp 6 giờ sáng vào lớp học. Thầy tôi kể, nhiều đêm buồn ngủ quá, cầm cái gáo múc nước rửa mặt rồi cứ thế mà… ngủ gật ngay bên lu nước.
Tôi còn nhớ, mỗi giai đoạn trong đời mình thầy tôi đều kể cho tôi nghe. Người trải đời thường lắm chuyện, vì họ trải đời, họ buộc phải dấn thân qua nhiều cảnh ngộ. Thầy tôi là người từng trải, nội chuyện ông ở tù Tây ngót mười năm thì tôi thua đứt, có muốn… ở tù như ông cũng không được.
Nghe ông kể, thì ở tù Tây khổ có khổ mà vui cũng có vui. Chứ không phải chỉ tuyền đau thương máu và nước mắt như mình đọc trong sách báo đâu. Chuyện ở tù dài dòng, nhưng thầy tôi bao giờ cũng coi nhà tù Tây thực sự là một… trường học. Ông đã học được rất nhiều ở đó, từ kỹ năng sống, ngoại ngữ, toán, vẽ truyền thần, đờn kìm. Thầy tôi đặc biệt ca ngợi nhà cách mạng Phan Đăng Lưu mà hồi đó ở nhà đày Buôn Ma Thuột được bạn tù phong là “ cuốn tự điển sống ”, vì ông Lưu thuộc lòng cả quyển tự điển Pháp-Việt của Đào Duy Anh.
Bạn tù nào muốn hỏi chữ gì chưa biết, Pháp ra Việt hay Việt ra Pháp ông Phan Đăng Lưu đều nói vanh vách. Kính phục ! Mà ông Phan Đăng Lưu cũng học ngoại ngữ trong tù, như mọi người tù chính trị khác. Nhờ ở tù mà thầy tôi luyện chữ Hán tốt, chữ Pháp khá, và ông còn học vẽ truyền thần thành công. “ Tác phẩm ” đầu tay của thầy tôi là bức “ chân dung tự họa ” ông truyền thần chính mình, bây giờ tôi còn giữ.
Bức truyền thần rất đẹp, vẽ ngay trong xà lim, bằng chì than. Thầy tôi cũng không ngờ, khi ra tù, tay không bắt giặc, nhờ khả năng…vẽ truyền thần mà ông được lòng tất cả những ông nhiêu ông xã trong làng, và xin được cả đất làm nhà. Dĩ nhiên những bức truyền thần ông vẽ cho các vị chức sắc làng xã đều được…free, vẽ miễn phí. Cũng là một cách hối lộ có… văn hoá. Nhưng được việc.
Thầy tôi tuổi Tân Sửu (1901) , nên tính thích thay đổi. Hồi ở Hà Nội, nhà chật hẹp, nhưng cứ ít bữa là thầy tôi lại… đổi vị trí, lúc cái bàn lúc cái giường, khiến tôi rất sốt ruột. Nhưng thầy tôi lại thích thú trong sự thay đổi nho nhỏ như vậy. Năm 84 tuổi, thầy tôi còn một mình đào hẳn một cái… ao cá ở vườn nhà quê.
Ông bảo, đào ao thả cá cải thiện bữa ăn. Sau một mùa mưa lũ, cá nuôi rủ nhau bơi cả ra sông, ông thấy không ổn, lại một mình… lấp cả cái ao. Ấy là năm ông 85 tuổi. Những năm ngoài tuổi 80, thỉnh thoảng nhớ con nhớ cháu, thầy tôi lại ngồi xe đò, chịu mọi bề cực khổ chen lấn suốt 170 cây số ngàn để vào Qui Nhơn thăm vợ chồng tôi. Có những bữa quá trưa, thầy tôi mới vào tới nơi, vừa đói vừa khát, nhưng chưa kịp uống chén nước ông đã bày ra nhà những món quà “ nhà giồng được ” : chục trứng gà, một nải chuối, một con gà, mấy quả ổi, mấy quả na… Tất cả được thầy tôi xếp trong một làn cói to, ông khệ nệ xách vào cho con cho cháu.
Bây giờ, mỗi lần nhớ lại, không thể cầm nước mắt. Thầy tôi là một người suốt đời lao động, lao động chân tay hẳn hoi, và làm toàn những việc nặng. Thỉnh thoảng ông vẫn nói đùa : “ Nếu ngày xưa, làm quan cỡ như thầy, về hưu là có lính hầu, đi chơi có người khiêng võng.
Bây giờ, thầy chỉ mong có ai đó… thuê mình khiêng võng, mình khiêng để… có tiền.” Tôi giống hệt thầy tôi ở cái đức này, chỉ thích làm… thuê, ít thích làm chủ. Nếu trời cho tôi sống lâu gần bằng tuổi thầy tôi ngày trước, tôi cũng sẽ vẫn… làm thuê. Viết báo kiếm sống thì khác nào khiêng võng cho quan!
Chỉ mong khỏe mạnh để làm thuê, lấy sức lao động nuôi sống bản thân và gia đình.
Hồi 1946, khi lần đầu tiên ra Hà Nội để họp Quốc hội khóa 1 nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, không hiểu lúc ra về qua Nghệ An thầy tôi xin ai được một số hạt giống cam Xã Đoài nổi tiếng( bây giờ hay gọi là “cam Vinh”) mang về quê Mộ Đức trồng trong vườn.
Sau mấy năm, nhà tôi đã có một vườn cam Xã Đoài độc đáo nhất trong huyện, có khi cả trong tỉnh, và má tôi bán cam lai rai đủ tiền đi chợ. Thầy tôi là một “lão nông tri điền” đúng nghĩa. Khi về lại quê nhà năm 1975, ông đã trồng cả một vườn chuối( “trẻ trồng na, già trồng chuối”), và thu nhập từ vườn chuối của ông chẳng thua gì lương hưu mà ông nhận hàng tháng.
Sau giải phóng, thầy tôi từ Hà Nội về hẳn quê, Về ở ngay trong ngôi nhà vườn mình đã gây dựng từ khi ở tù về, tôi cảm thấy thầy tôi rất ưng ý. Không nhận bất cứ một lô đất, một ngôi nhà nào nhà nước có nhã ý cấp cho ở thành phố. Khi thầy tôi mất đã 15 năm, tự nhiên có chế độ chính sách gì đó của nhà nước cấp cho mỗi cán bộ lão thành cách mạng 50 triệu đồng, gọi là tiền “ hỗ trợ xây dựng nhà ở ”. Tôi đã xin phép vong linh thầy tôi để không nhận món tiền này, vì nó không phải tiền do lao động của thầy tôi có được. Tôi nghĩ, thầy tôi rất hài lòng về quyết định này của con trai.
Nhân “ Ngày của cha ” con xin phép thầy được viết vài dòng thật thà và… tếu táo, về đấng sinh thành của mình. Có gì không phải, xin thầy bỏ quá, như thầy đã bỏ quá cho con những chuyện ngày xưa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.