Mẹ: Tiếng con nít khóc ở đâu vậy?
Diệu Hiệp: Mẹ, con nói mẹ nghe mẹ đừng chửi con nha. Đây là con của con, con mới sinh.
Mẹ rụng rời, nức nở: Sao không về nhà đi con, về đi mẹ nuôi...
Diệu Hiệp bật khóc, bao nhiêu tủi cực chuỗi ngày một mình mang thai, một mình đi sinh con, chăm con thời gian qua vỡ òa… Cô nhận ra, dù có mắc sai lầm gì đi chăng nữa, mẹ vẫn là người dang rộng vòng tay bao dung đón mình trở về.
Quyết định làm mẹ đơn thân
Năm 26 tuổi, Kiều Thị Diệu Hiệp (ngụ Đồng Nai) đón nhận 2 cú sốc liên tiếp: phát hiện có thai, bạn trai vừa chia tay không may bị tai nạn giao thông qua đời. Bối rối, cô đứng giữa lựa chọn: giữ hay bỏ con.
Hiệp là con út trong gia đình có 4 chị em gái, mẹ luôn nghiêm khắc nên cô cho rằng mẹ cổ hủ vì coi trọng sĩ diện với bà con, hàng xóm nên hỏi ý kiến mẹ chắc chắn sẽ là bỏ thai. Cô hỏi 3 người chị, 1 người khuyên cô giữ bé lại, 1 người khuyên không nên, người còn lại chỉ nói "nuôi con cực lắm" rồi để cô tự quyết định.
Khóc nhiều, chơi vơi. Khi đang cảm thấy lạc lõng thì Hiệp đọc được bài viết về những người tàn tật mưu sinh cực khổ ngoài đường vẫn nuôi 2 – 3 con trưởng thành. Nhìn lại mình, tay chân đầy đủ, sức khỏe tốt, lẽ nào lại tước đi quyền sống của con. Hiệp quyết định giữ con, trốn ba mẹ một mình làm mẹ đơn thân.
Chuỗi ngày mang thai, Hiệp hay khóc một mình và chỉ biết tâm sự với con. Giờ đây, bé gái gần 3 tuổi luôn tươi cười chính là mục tiêu sống của Hiệp
Khi đó, cô đang có việc làm ở Biên Hòa và thường về nhà mỗi tuần một lần. Nhưng lần này, để tránh lộ bụng, cô nói xạo ba mẹ là chuyển lên Đà Lạt làm việc, không về nhà thường xuyên. Mỗi lần mẹ gọi video, cô phải tìm áo len khoác vào để mẹ tin là cô làm ở Đà Lạt.
Vài tháng sau, Hiệp trả nhà thuê, về ở nhờ nhà chị gái gần đó – cách nhà ba mẹ tại Long Khánh khoảng 50 km. Bụng bầu gần vượt mặt, cô phải về nhà vì ông nội mất. Bà con xì xầm nói nhìn nhỏ này giống có bầu, cô gái 27 tuổi cười trừ "tại con mập".
"Mẹ hỏi mấy cô bác nói nhìn con giống có bầu quá là sao ha con? Mình nói tại con mập thôi. Mẹ nói, ừ mập thì được chứ đừng có bầu nha con. Nghe mẹ nói vậy, mình cũng không biết nói gì vì mọi chuyện lỡ rồi. Xong đám, mình chào ba mẹ nói đón xe đi Đà Lạt lại, nhưng thực ra là về lại Biên Hòa và không về nhà nữa", cô kể.
Quyết định giữ con nhưng hành trình làm mẹ đơn thân không phải dễ dàng, Hiệp khóc từ hồi bầu tới lúc sinh con vì tủi thân với đủ suy nghĩ. Nếu chọn vì tình mẫu tử thì việc cô sinh con sẽ làm mất mặt ba mẹ, bản thân khi đó chưa đủ khả năng nuôi con, con sau này sinh ra không có cha… Tủi thân, không biết chia sẻ cùng ai, cô chỉ nói chuyện với con rồi lại khóc.
Cuộc điện thoại đầy nước mắt
Biết Hiệp mang thai con gái và định làm mẹ đơn thân, một người quen nói sẽ xin bé về nuôi ngay khi cô vừa sinh ở bệnh viện và đưa cô 300 triệu để sau này cô đi lấy chồng, tạo lập cuộc sống. Hiệp từ chối, cô giữ con lại bên mình không phải vì tiền, mà là vì đó là máu mủ của mình, không ai có thể yêu thương con như mẹ.
Con 7 tháng tuổi, Hiệp gửi con lại nhờ ba mẹ ở Long Khánh chăm sóc và quay lại Biên Hòa làm việc
Khi đó, dịch Covid-19 còn căng thẳng, dây giăng vẫn còn khắp nơi. Chị gái bận con nhỏ, việc gia đình và cũng đang ốm nghén nên không thể lúc nào cũng ở bên. Tới ngày đi sinh, vợ chồng chị gái đưa Hiệp vào bệnh viện nhưng phải trở về liền vì sắp tới 18 giờ - giờ hạn chế ra đường.
Một mình ở viện với mớ đồ lỉnh kỉnh, nhìn xung quanh ai cũng có chồng hoặc mẹ đi theo, có người còn cả gia đình hộ tống đi sinh, mẹ đơn thân lại bật khóc. Đặt tay lên bụng, cô động viên con cùng cố gắng vì hai mẹ con sắp gặp nhau, cô hứa sẽ bù đắp tất cả cho con gái bé bỏng của mình.
Tự mình chăm con sau sinh mổ. Cô dự định, khi con 1 tuổi mới đưa về gặp ông bà ngoại. Trong thời gian đó cô sẽ tìm ai để cưới đại. Về phần gia đình bạn trai, cô quyết định sẽ không nói vì anh đã mất, trước khi mất anh cũng không biết đến sự xuất hiện của con gái.
Thời gian này, mỗi lần mẹ gọi video, cô phải bỏ bông gòn đang nhét lỗ tai, mặc áo len vào nói chuyện vẫn y như ở Đà Lạt để mẹ yên tâm. Nghe tiếng khóc con nít, mẹ hỏi, cô giải thích là con của hàng xóm ẵm qua chơi. Lần thứ hai đang nói chuyện, tiếng con nít tiếp tục khóc…
"Nghĩ không thể giấu mẹ được hoài. Mình nói sự thật, mẹ đã khóc rất nhiều nhưng nói mình về nhà đi con, về nhà mẹ nuôi. Thì ra dù có cổ hủ, có sĩ diện thế nào mẹ cũng không bỏ mình. Dù mình có phạm sai lầm ra sao, mẹ vẫn muốn bảo bọc mình", cô nức nở.
Ở đầu dây bên kia, bà Lê Thị Lệ (56 tuổi, mẹ của Hiệp) rụng rời tay chân, nước mắt luôn trực trào. Bà đưa hình đứa cháu vừa đầy tháng cho chồng xem, nói: "Con của Hiệp đó, nó lén đi sinh rồi". Chồng bà bần thần, chiếc điện thoại đang cầm trên tay rơi tiếng cộp xuống sàn nhà.
Hai ông bà hối Hiệp đưa cháu về để chăm cả mẹ lẫn con.
"Cổ hủ cũng vì muốn tốt cho con"
Ngày ôm con về nhà, mẹ đơn thân 27 tuổi rối bời, vừa mừng vì được về nhà, vừa lo những lời nói ra nói vào làm ba mẹ buồn.
Bước qua chậu lửa được mẹ chuẩn bị sẵn, Hiệp ôm con đi thẳng vào phòng. Ông bà ngoại nhìn hai mẹ con rơi nước mắt, ôm ấp cháu gái: "Cháu của ông bà về rồi đây, thương thương".
Hai tháng đầu, bà Lệ vẫn giấu con cháu trong phòng vì ngại hàng xóm dị nghị. Chuẩn bị nước tắm, cho cháu uống sữa, thay bỉm, ôm ru ngủ… nhưng thỉnh thoảng bà vẫn ra sau nhà phàn nàn một mình về chuyện con gái chưa chồng mà có con. Đôi lần nhìn thấy, Hiệp biết mẹ đang đấu tranh cảm xúc của chính mình: sợ hàng xóm nói ra nói vào nhưng thương con thương cháu. Cô hạnh phúc vì mái nhà với tình yêu thương vô bờ của ba mẹ đã là nơi đón cô trở về sau những bão giông của cuộc đời.
7 tháng, mẹ đơn thân Diệu Hiệp gửi con ở lại nhờ ba mẹ chăm sóc, quay trở lại Biên Hòa làm việc, mỗi tuần cô chạy về thăm con 1 – 2 lần.
Bà Lệ chia sẻ, biết khi con ẵm cháu về mà không có chồng thì sẽ có người nhìn ngó, nhưng bà phải tự đạp lên dư luận để sống, để nuôi con cháu mình cho tốt. Cho đến bây giờ, cháu gần 3 tuổi, nhưng nghĩ lại lúc con gái một mình lén đi sinh, bà lại xót vì thương.
"Tôi chưa gặp cha của cháu mình bao giờ. Có thể tôi cổ hủ nhưng cũng vì muốn tốt cho con mình thôi, mẹ nào mà chẳng thương con. Hiệp mạnh mẽ vẻ ngoài vậy, nhưng có lần tôi bắt gặp nó đang nhìn con rồi khóc, nó vẫn còn tủi thân lắm. Tôi vẫn nói, sau này nếu đi lấy chồng thì tôi không cản, nhưng để bé tôi nuôi, vậy tôi mới an tâm", bà tâm sự.
Bình luận (0)