Ngày hội phong thánh ở Vatican

27/04/2014 09:00 GMT+7

Giáo hoàng Francis sẽ cử hành lễ phong thánh cho Giáo hoàng John XXIII và Giáo hoàng John-Paul II trong một sự kiện vô tiền khoáng hậu tại Vatican.

Tòa thánh Vatican hôm qua thông báo Giáo hoàng danh dự Benedict XVI  và Giáo hoàng Francis sẽ đồng tế buổi lễ phong thánh cho 2 người tiền nhiệm John XXIII và John-Paul II.  Đây có thể xem là sự kiện lịch sử: hai giáo hoàng có mặt trong lễ phong thánh của 2 cố giáo hoàng. Nhiều sử gia và chuyên gia thần học đánh giá 2 vị sắp được phong thánh là những giáo hoàng có ảnh hưởng lớn nhất đối với Giáo hội Công giáo trong thế kỷ 20.


Các du khách ngắm nhìn hình ảnh Giáo hoàng Francis (giữa) cùng hai Giáo hoàng John Paul II (trái) và John XXIII - Ảnh: Reuters

Giáo hoàng John XXIII

Giáo hoàng John XXIII (1881 - 1963) tên khai sinh là Angelo Giuseppe Roncalli. Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà nông nghèo ở thị trấn Sotto il Monte, tỉnh Bergame, miền bắc nước Ý, theo báo Direct Matin. Đi tu từ năm 12 tuổi, ông được thụ phong linh mục năm 23 tuổi và trở thành thư ký của Giám mục tỉnh Bergame đến năm 1914. Sau đó, linh mục Roncalli làm tuyên úy trong quân đội và từ năm 1921, chuyển về Vatican để làm việc tại Bộ Truyền giảng Phúc m cho các dân tộc. Năm 1925, ông được Giáo hoàng Pius XI |sắc phong giám mục và bổ nhiệm làm đại diện của Tòa thánh tại Bulgaria.

Những năm sau đó, Giám mục Roncalli tiếp tục làm khâm sứ tại nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Pháp. Trong Đệ nhị thế chiến, ông ra sức kêu gọi, vận động cộng đồng Công giáo nhiều nơi, đặc biệt là các nước trung lập, hỗ trợ người Do Thái. Các sử gia ước tính gần 80.000 người Do Thái đã được Giám mục Roncalli cứu. Tại những nước như Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, tuy gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian đầu nhưng bằng lòng chân thành và tinh thần hòa ái, ông đã từng bước xây dựng được mối liên hệ giữa chính phủ các nước này với Vatican, đồng thời mở cửa đối thoại với những tôn giáo chiếm đa số như Chính thống giáo, Hồi giáo… Năm 1953, ông được sắc phong hồng y và được bổ nhiệm làm thượng phụ của thành phố Venice (Ý).

Khi Giáo hoàng Pius XII qua đời năm 1958, mật nghị đã chọn Hồng y Roncalli làm người kế vị. Ông trở thành Giáo hoàng thứ 261 của Giáo hội Công giáo, lấy tông hiệu là John XXIII. Là Giáo hoàng nhưng ông vẫn giữ phong cách giản dị, gần gũi, luôn mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người. Ông thường xuyên đến thăm các bệnh viện, trại giam và được nhiều giáo dân gọi là “Giáo hoàng nhân từ”.

Công đồng Vatican II

Được bầu chọn khi đã 77 tuổi, không ít người cho rằng ông chỉ kịp làm “Giáo hoàng chuyển tiếp”. Trái lại, đầu năm 1959, tức chỉ khoảng 3 tháng sau khi đăng quang, Giáo hoàng John XXIII đã khiến thế giới chấn động khi thông báo triệu tập Công đồng Vatican II và giải thích: “Tôi muốn mở cửa sổ của Giáo hội để chúng ta có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra bên ngoài và thế giới cũng có thể thấy những gì chúng ta đang làm”. Sau thời gian dài chuẩn bị, sự kiện này chính thức khai mạc ngày 11.10.1962, kéo dài trong suốt 3 năm với sự tham gia của hơn 2.500 giám mục đến từ khắp nơi trên thế giới cùng nhiều đại diện của Chính thống giáo, Tin lành... Giáo hoàng John XXIII qua đời ngày 3.6.1963 vì bệnh ung thư, không kịp bế mạc Công đồng Vatican II. Những văn kiện của Công đồng Vatican II đã đánh dấu bước cách tân mạnh mẽ của Giáo hội Công giáo: không bắt buộc tu sĩ phải mặc áo chùng; không bắt buộc thánh lễ phải cử hành bằng tiếng La tinh; công nhận tự do nhận thức và tôn giáo; mở cửa cho đối thoại với tôn giáo khác và người vô thần…

Với Công đồng Vatican II, Giáo hoàng John XXIII được xem là người đã có công lớn đưa Giáo hội Công giáo vào dòng chảy của xã hội hiện đại. Ông được phong chân phước vào tháng 9.2000 với phép lạ được công nhận là chữa lành bệnh nan y cho nữ tu Caterina Capitani vào ngày 25.5.1966. Nữ tu Capitani bị một khối u ác tính ở bao tử, bị bác sĩ “chê”, bỗng nhiên lành bệnh sau khi cầu nguyện với Giáo hoàng John XXIII. Hồi năm ngoái, Giáo hoàng Francis đã quyết định sẽ phong thánh cho Giáo hoàng John XXIII mà không cần công nhận phép lạ thứ 2 như quy định.

Giáo hoàng John-Paul II

Giáo hoàng John-Paul II (1920 - 2005) có tên khai sinh là Karol Jozef Wojtyla. Ông sinh tại thị trấn Wadowice, miền nam Ba Lan. Giáo hoàng John-Paul II là người của nhiều cái “nhất”. Sau khi được thụ phong linh mục năm 1946, ông trở thành giám mục trẻ tuổi nhất Ba Lan vào năm 1958 và 10 năm sau tiếp tục trở thành hồng y trẻ nhất nước này. Năm 1978, Hồng y Wojtyla trở thành giáo hoàng người Slave đầu tiên trong lịch sử. Giáo hoàng John-Paul II qua đời ngày 2.4.2005, sau hơn 26 năm đứng đầu Giáo hội Công giáo.

Theo Báo La Croix, Công đồng Vatican II đã là nguồn cảm hứng rất lớn đối với Giáo hoàng John-Paul II. Ông đã nhiệt thành áp dụng tinh thần của Công đồng Vatican II để đưa Giáo hội Công giáo phát triển theo nhịp điệu của thế giới mà vẫn giữ vững các giá trị căn bản. Trong suốt thời gian tại vị, ông đã công du qua hơn 120 nước, gặp gỡ nhiều đại diện các tôn giáo khác (Hồi giáo, Anh giáo, Chính thống giáo, Do Thái giáo…) cùng hàng trăm triệu giáo dân để truyền tải thông điệp về hòa giải, hòa bình và bình đẳng. Hàng triệu giáo dân đã đến Vatican để dự tang lễ Giáo hoàng John-Paul II vào ngày 8.4.2005, rất nhiều người trong số đó đã giương biểu ngữ và hô vang “santo subito” (“phong thánh cho ngài ngay”).

Giáo hoàng Benedict XVI đã không đợi đến 5 năm theo quy định mà chỉ khoảng 1 tháng sau ngày mất của Giáo hoàng John-Paul II để bắt đầu quy trình phong thánh. Giáo hoàng John-Paul II được phong chân phước ngày 1.5.2011 với phép lạ được công nhận là chữa lành nữ tu người Pháp Marie-Simon-Pierre mắc bệnh Parkinson giai đoạn cuối vào năm 2005. Phép lạ thứ 2 được công nhận là chữa lành bệnh phình động mạch não cho giáo dân người Costa Rica Floribeth Mora vào đúng ngày ông được phong chân phước. Sau khi theo dõi lễ phong chân phước được truyền hình trực tiếp và đặt trọn niềm tin vào Giáo hoàng John-Paul II, ngày hôm sau, bà hoàn toàn khỏi bệnh mà “bác sĩ không thể giải thích” được.

Quy trình phong thánh

Theo Đài phát thanh Europe 1, quá trình phong thánh thường gồm 3 giai đoạn và bắt đầu sau ít nhất 5 năm kể từ khi người được xét qua đời. Đầu tiên, người này phải được một giám mục địa phương xác nhận là người đức độ, thật sự là tấm gương cho những giáo dân khác noi theo. Kế tiếp, người này sẽ phong chân phước nếu Vatican chuẩn thuận. Sau cùng, “ứng viên” sẽ được Bộ Phong thánh của Vatican tiếp nhận hồ sơ, thu thập thêm thông tin, xác nhận về phẩm cách và công nhận đã thực hiện 2 phép lạ trước khi chính thức phong thánh. Nhìn chung, có 2 lý do chính để được phong thánh: tử vì đạo hoặc là người rất đức độ.

Hàng triệu người hành hương

Theo tờ Le Figaro, từ 1 - 3 triệu tín hữu Công giáo sẽ có mặt tại Vatican vào cuối tuần này nhân dịp phong thánh của 2 giáo hoàng. Ngoài ra, 54 quốc gia đã gửi phái đoàn đến dự lễ này, trong đó có 19 nguyên thủ, 24 thủ tướng và 23 bộ trưởng. Riêng Ba Lan, quê hương của Giáo hoàng John-Paul II, có cả Tổng thống Bronislaw Komorowski cùng 2 người tiền nhiệm Lech Walesa và Aleksander Kwasniewski.

14 địa điểm của Vatican và Rome sẽ được đặt màn hình khổng lồ để người dân theo dõi buổi lễ. Ước tính sẽ có 2 tỉ người xem trực tiếp truyền hình trên toàn thế giới. Các hãng truyền thông đã dùng 9 vệ tinh để truyền tải sự kiện này ở dạng HD. Bện cạnh đó, 500 rạp chiếu phim ở 20 quốc gia cũng sẽ chiếu miễn phí lễ phong thánh ngày 27.4.

 Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hội kiến Giáo hoàng Francis I
>> Giáo hoàng Francis vẫn dùng hộ chiếu Argentina
>> Bán đấu giá xe mô tô của giáo hoàng
>> Giáo hoàng Francis 'nổi tiếng' hơn Tổng thống Mỹ Obama
>> Bán đấu giá xe Harley-Davidson của Giáo hoàng
>> Tổng thống Syria viết thư cảm ơn Giáo hoàng Francis

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.