Ngày khai trường ở thung lũng Silicon

05/09/2007 10:30 GMT+7

Những ngày hè cuối tháng 8 còn nắng gắt, mùa thu chưa thấy trở về, lá trên đường chưa vàng, cây trong vườn còn màu xanh… Nhưng đường phố rộn ràng hơn, người đi lại đông hơn, xe cộ kẹt nhiều hơn… Các ngã tư, những người trật tự giao thông (Crossing Guard) bận rộn tíu tít, từng tốp người tung tăng qua đường.

Các khu vực trường học từ tiểu, trung, đến đại học… đều mở cửa. Học sinh, sinh viên đã trở lại trường sau ba tháng hè nghỉ ngơi. Sách vở, giấy mực tuôn chảy, cặm cụi dùi mài kinh sử.

Nhìn các học sinh qua đường, nhìn cảnh nhộn nhịp đủ màu sặc sỡ, nhìn các sân trường rộn vang âm thanh… cái hoạt cảnh đó đang xảy ra trong vùng, đang diễn ra tại Việt Nam và cũng có thể đang xảy ra khắp cùng trên thế giới làm tôi nhớ lại những ngày thơ ấu.

Những người ở tuổi “tri thiên mệnh” chắc hẳn còn nhớ một đoạn văn của nhà văn Thanh Tịnh viết về ngày tựu trường. Xin được ghi lại. “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã. Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học” (Tôi đi học-Thanh Tịnh)

Vào giờ này, ngày tháng này có bao nhiêu đứa trẻ đến trường? Có hàng triệu triệu!

Trường học ở Mỹ dù là vùng quê hay thành thị không có sự khác biệt. Tại Việt Nam trường học có khác nhau; trường Sài Gòn chắc chắn khác với trường ở tỉnh; trường ở tỉnh khác với trường ở nông thôn. Có nhiều nơi trường học chỉ là chiếc chòi lá, là những ngôi nhà lợp tôn (tole), ghế bàn là những miếng gỗ sần sùi ghép lại, thậm chí còn có nơi ngồi đất. Không chắc là tất cả những thiếu nhi đến tuổi đi học có điều kiện được đến trường?

Trở lại chuyện đi học. Hiện nay tại Hoa Kỳ việc bước chân vào đại học là chuyện dễ dàng. Có nhiều cấp để theo học từ Community College đến các trường thuộc UC, State. Tiền học phí lại là “chuyện nhỏ”. Cơ quan tài trợ liên bang cung cấp tiền đi học (Financial Aid), có thể vừa học vừa làm (Work study) tổng cộng các món tiền đó thì một sinh viên có thể tốt nghiệp đại học không khó. Trong khi tại Việt Nam, các bạn tốt nghiệp phổ thông muốn được bước chân vào sân trường đại học phải trải qua 2 kỳ thi tuyển. Kỳ thi thứ nhất là thi tốt nghiệp phổ thông và kỳ thi thứ hai là thi vào đại học. Trong khi đó, lớp 12 tại Mỹ chỉ cần đi học đều và làm bài tập đầy đủ là pass, và sân trường UC, có thể còn chọn lựa điểm cao, SAT. Nhưng sân trường Community College ai cũng có thể bước vào. Vậy có bao nhiêu học sinh gốc Việt tốt nghiệp đại học?

Ngày khai trường đã đến, các gia đình Việt Nam nào tại thung lũng Silicon này cũng có con, em bước đến trường. Học đường là cửa ngõ bước vào thế giới văn minh và hiểu biết. Nhân mùa khai trường xin được ghi lại một đoạn trong quyển Tâm hồn cao thượng. Cuốn Tâm hồn cao thượng do giáo sư Hà Mai Anh dịch từ cuốn Grand Coeurs của tác giả Edmond De Amicis, triết gia người Ý (1846-1908).

Mỗi buổi sáng lúc con ra trường, con hãy nghĩ cùng giờ ấy trong một thành phố ta có tới 3 vạn đứa trẻ cũng như con đi “chầu” lớp học trong ba tiếng đồng hồ để được mở mang trí tuệ. Con lại nghĩ, xấp xỉ giờ này, trẻ con trên hoàn cầu đều đi học cả. Con hãy tưởng tượng những đứa trẻ ấy lếch thếch trên những đường hẻm ở nhà quê, rảo bước trong các phố phường huyên náo, dưới bầu trời oi ả hay trong cơn mưa tuyết lạnh lùng; chúng đi thuyền ở xứ lắm sông ngòi, cưỡi ngựa qua những cánh đồng mông quạnh, hoặc ngồi xe trượt trên những bãi băng giá lạnh. Chúng xuống lũng lên đồi, chúng xuyên rừng, lội suối, chúng vượt qua những ngọn đồi hẻo lánh hoang vu. Ăn mặc hàng nghìn lối khác nhau, nói bằng trăm thứ tiếng khác nhau, chúng đi một mình hay lũ năm lũ ba, sách cắp trong tay hay cặp đeo dưới nách, từ ngôi trường cùng tột lấp lánh trong ánh tuyết nước Gia Nã Đại cho tới nóc trường hẻo lánh lẩn trong khóm gồi xứ Ả Rập, có tới hàng triệu triệu đứa trẻ học cùng một điều bằng những thể thức khác nhau.

Con lại tưởng tượng cái tổ kiến học sinh ấy gồm có hàng trăm dân tộc khác nhau và cái trường hoạt động ấy, con cái hân hạnh dự phần, rồi con tự nhủ: ví phỏng một mai sự hoạt động ấy ngừng hẳn thì nhân loại sẽ trở lại đời man rợ, sẽ sa vào cõi tối tăm; sự hoạt động ấy là sự tiến bộ, là mối hy vọng, lá ánh vinh quang của thế giới vậy.

Cố lên! Tên lính nhỏ trong đoàn quân lớn lao kia! Cố Lên! Con ơi! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cừu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn. Con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát”.

Theo báo Hải ngoại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.