Chủ đề kỷ niệm Ngày quốc tế Người khuyết tật năm 2021 là sự lãnh đạo và tham gia của người khuyết tật hướng đến một thế giới bền vững, tiếp cận, hòa nhập hậu Covid-19.
Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) tiếp đoàn của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam nhân Ngày quốc tế Người khuyết tật 3.12 |
phạm thu ngân |
Đón tiếp đoàn của USAID, ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc Trung tâm DRD cho hay, hôm nay 3.12 cũng là ngày kỷ niệm 16 năm thành lập của Trung tâm DRD.
Ông Nguyễn Văn Cử giới thiệu các hoạt động, giá trị và định hướng của đơn vị, trong đó nổi bật là các hoạt động đào tạo, tư vấn pháp lý, việc làm, cung cấp học bổng cho người khuyết tật khó khăn... Song song đó, đơn vị cũng huy động nguồn lực, cộng đồng tại địa phương để kết hợp hỗ trợ người khuyết tật.
"Chiến lược mới của chúng tôi sau đại dịch Covid-19 là nhắm đến nghề nghiệp trong xu hướng chuyển đổi số cho người khuyết tật. Chúng tôi đã thành lập Trung tâm kết nối nâng cao vị thế kinh tế cho người yếu thế để tư vấn hướng nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng dạng tật, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật, nhất là ở ngành nghề thiết kế website, digital marketing... Chúng ta cần nhìn vào khả năng của người khuyết tật, chứ không phải là khiếm khuyết", ông Cử cho hay.
Tại buổi họp mặt còn có sự tham dự của nhiều người khuyết tật đã có những thành công, tạo tác động tích cực cho cộng đồng người khuyết tật.
Trung tâm DRD tặng bà Ann Marie Yastishock quà lưu niệm là tranh ốc do nghệ nhân Trần Thị Ngọc Hiếu làm |
phạm thu ngân |
Chị Trần Thị Ngọc Hiếu, bị liệt 2 chân và 1 bàn tay từ nhỏ, nhưng với sự nỗ lực cá nhân, chị Hiếu nay là nghệ nhân tranh ốc và chủ 1 cửa hàng tranh tại Q.1. "Bản thân tôi ở trong vỏ ốc của mình rất lâu, khi thoát ra được vỏ ốc đó, tôi cảm thấy nó rất đẹp. Tôi tin là người khuyết tật cần hướng đến nâng cao giá trị của mình, và tự tin rằng mình hoàn toàn có khả năng", chị Hiếu chia sẻ.
Anh Nguyễn Trung Hậu, người bị bại liệt từ nhỏ, hiện là Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ngồi Cafe cũng tin rằng người khuyết tật cần trau dồi kiến thức, tự ý thức và nâng cao khả năng của mình để đi xa hơn trong tương lai.
Họa sĩ Nguyễn Văn Tây vẽ tặng bằng chân bức chân dung của bà Ann Marie Yastishock. Họa sĩ Tây mất tay do tai nạn lao động |
phạm thu ngân |
Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam, cho biết một trong chiến lược của USAID về phát triển quốc tế là đảm bảo công bằng, bao trùm trong viện trợ, đảm bảo được tiếng nói và nhu cầu của những nhóm dễ bị tổn thương nhất.
“Các chương trình về người khuyết tật của USAID đặt tính hòa nhập lên hàng đầu, song song đó là tạo thêm nhiều cơ hội để người khuyết tật tiếp cận và tham gia các dịch vụ xã hội và phục hồi chức năng”, bà Ann Marie Yastishock nói và cho biết thêm, để đảm bảo sự bao trùm trong viện trợ, tiếng nói của địa phương (gồm chính phủ và chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức của người khuyết tật) là trung tâm của các hoạt động. USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ để tăng cường kỹ năng lãnh đạo và quản lý của các đối tác này, nhằm tối đa hóa tính bền vững, đảm bảo hiệu quả các nỗ lực hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam.
"Tôi rất thích cách hỗ trợ người khuyết tật là nhấn vào chính khả năng họ chứ không phải là khiếm khuyết. Qua chia sẻ của các bạn, tôi cũng đồng ý rằng chúng ta cần bước ra khỏi chính mình để tạo dựng những điều tốt đẹp hơn cho bản thân", bà Ann Marie Yastishock chia sẻ.
Bình luận (0)