Hàng tươi thành hàng ôi vì dịch
Tại khu vực quanh chợ đầu mối Hóc Môn, mặt hàng rau củ quả được thương nhân đưa về kinh doanh qua hình thức giao hàng trực tiếp cho thương lái, mối quen. Hàng không vào chợ mà tập trung chủ yếu dọc theo hai bên tuyến đường Nguyễn Thị Sóc, Quốc lộ 22 hướng Ngã ba chợ đầu mối về bến xe An Sương. Lượng rau củ quả về khu vực này ước 150 tấn.
Còn hàng hóa của một số thương nhân chợ đầu mối Thủ Đức đưa về bán trên các tuyến đường quanh chợ, trong khu dân cư, hàng hóa được giao trực tiếp cho thương lái. Nguồn hàng khu vực này chủ yếu đến từ Tây Ninh, Đà Lạt, miền Đông Nam bộ, miền Tây và cả miền Bắc-Trung vào, khoảng hơn 1.000 tấn.
Thương nhân chợ đầu mối Bình Điền cũng bán hàng qua điện thoại, zalo, hàng hóa tập kết một vài điểm khu vực đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh. Nguồn cung từ Long An là chủ yếu, sản lượng khoảng hơn 300 tấn.
Bà Hiếu Hiền, thương nhân kinh doanh hàng hóa tại chợ Thủ Đức cho hay: “Giờ địa phương nào cũng siết, hàng hóa từ Đà Lạt về chậm hơn ngày thường 4-5 tiếng, xe về đến cửa ngõ thành phố nhưng 3 tiếng sau chưa vào được. Khổ lắm. Giờ mạnh ai nấy làm, lệnh ưu tiên cho xe chở hàng là có, nhưng xe nhiều quá, chống dịch bắt buộc phải làm kỹ. Dịch giã thế này ai cũng khổ, con buôn càng khổ hơn vì hàng tươi mà về chậm thành hàng ôi, một số loại phải bỏ đi rất nhiều”.
|
Theo Sở Công thương, một số thương nhân tại chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động chống dịch cũng tăng kênh bán hàng trực tuyến tại nhà như thương nhân chợ Minh Phụng (Q.11), chợ Phùng Hưng (Q.5), chợ Tân Bình… Trong khi đó, với lượng đơn hàng online quá lớn, luôn tăng 50% so với ngày thường, các siêu thị hầu như mất 1-2 ngày mới soạn đủ hàng và giao cho khách. Hàng online giao ngay trong ngày khó thực hiện được tại hầu hết các siêu thị.
Tiếp tục tìm chỗ tập kết hàng hóa "tải" hàng các chợ đầu mối
Như vậy, ngày thứ 3 TP.HCM giãn cách, việc mua bán hàng thực phẩm vẫn còn “nóng” khi nhu cầu mua hàng luôn cao hơn nguồn cung tại các siêu thị lớn. Cảnh quầy kệ qua vài lượt xếp hàng của người mua sắm, “vét” hết hàng vẫn xảy ra khá phổ biến như tại siêu thị Co.opMart Nhiêu Lộc, một số cửa hàng SatraFoods.... Tất nhiên, sau đó nhân viên siêu thị chất hàng lên kệ song sức mua trong ngày Chủ Nhật – ngày thứ 3 thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16 vẫn còn khá cao.
Riêng mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn bán trong siêu thị, theo phản ánh của người tiêu dùng, đa số vào mua xếp hàng đến nơi gần như hết món mình cần.
Việc có đến 3 chợ đầu mối và gần 150 chợ truyền thống đang tạm đóng cửa tiếp tục gây sức ép lớn cho việc mua sắm của người dân thành phố. Nguồn hàng trên quầy kệ siêu thị đã ổn hơn, song tình cảnh thiếu hàng cục bộ vẫn xảy ra tại các khu vực đông dân, chợ bị đóng toàn bộ, hàng dồn về một vài điểm trong khu vực.
Việc tăng kiểm tra, ngăn chặn việc người dân ra khỏi nhà trong ngày thứ 3 giãn cách tại TP.HCM cũng được siết chặt hơn. Một số người bán hàng cho biết, có giao hàng từ Q.Tân Phú sang Q.Tân Bình phải đi qua 3-4 trạm kiểm soát. Điều này ngày hôm trước (10.7) chưa xảy ra. Đặc biệt, hàng giao đến nơi nếu gặp tiếp trạm kiểm soát cũng khó đi tiếp, phải đi bộ đến giao ngay tại điểm kiểm soát.
Riêng mặt hàng thịt heo tại chợ đầu mối vẫn còn khá khó khăn. Thông tin từ Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, trước tình hình hàng hóa tại 3 chợ đầu mối quá khó khăn, Sở Công thương TP.HCM đã làm việc với TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục cho phép tiểu thương duy trì hoạt động, với điều kiện phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về an toàn phòng chống dịch, bạn hàng phải đặt hàng trước, rồi đến lấy hàng là đi ngay… Mặt khác, các bên cũng đang tiến hành chọn các địa điểm phù hợp làm điểm trung chuyển hàng hóa có quy mô lớn nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn.
Bình luận (0)