Ngày thứ 5 chiến sự ở Ukraine: Nga giành ưu thế trên không, hai bên đàm phán

Văn Khoa
Văn Khoa
01/03/2022 04:30 GMT+7

Trong ngày thứ 5 tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga tuyên bố chiếm thêm 2 thị trấn, trong khi Ukraine nói Nga tổn thất nặng, nhưng hai bên đã có cuộc đàm phán đầu tiên.

Giao tranh tiếp diễn

Giới chức Ukraine nói rằng nhiều tiếng nổ đã vang lên trước bình minh ngày 28.2 ở thủ đô Kyiv và thành phố Kharkiv, nhưng quân đội Ukraine đã dập tắt được ý đồ chiếm các thành phố của lực lượng Nga, theo Reuters. Lực lượng vũ trang Ukraine cùng ngày khẳng định lực lượng Nga đã giảm tốc độ tấn công, nhưng vẫn đang cố tiến quân thành công ở một vài khu vực, theo AFP. “Cùng lúc, tất cả những ý đồ của phe tấn công từ Nga nhằm đạt mục tiêu của chiến dịch quân sự đã thất bại. Kẻ thù đã bị làm mất tinh thần và gánh tổn thất nặng”, quân đội Ukraine khẳng định.

Xem nhanh: Chuyện gì đã xảy ra trong ngày thứ 5 chiến sự Nga-Ukraine?

Ngoài ra, ông Anton Herashchenko, cố vấn cho Bộ Nội vụ Ukraine, nói rằng hàng chục người chết trong các cuộc tấn công bằng rốc két do các lực lượng Nga tiến hành ở Kharkiv vào sáng 28.2, theo Reuters. Moscow chưa đưa ra bình luận gì về cáo buộc mới, nhưng trước đây nhiều lần tuyên bố chiến dịch ở Ukraine không nhằm vào mục tiêu dân sự.

Xe bọc thép chở quân của Nga bốc cháy trong cuộc giao tranh ở thành phố Kharkiv, Ukraine ngày 27.2

AFP

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 28.2 tuyên bố đã kiểm soát hai thị trấn Berdyansk và Enerhodar cùng khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya, thuộc đông nam Ukraine. Trong khi đó, phía Ukraine bác bỏ thông tin quân Nga chiếm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov còn khẳng định chiến dịch quân sự vẫn diễn ra bình thường và đã giành được ưu thế trên không trên toàn lãnh thổ Ukraine. Ông Konashenkov cáo buộc binh sĩ Ukraine dùng dân thường làm lá chắn người và nói rằng dân thường Ukraine có thể “tự do” rời khỏi thủ đô Kyiv, theo AFP. Chưa có thông tin về phản ứng của Ukraine đối với cáo buộc này.

Hơn 4.500 binh sĩ Nga thiệt mạng?

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymr Zelensky ngày 28.2 kêu gọi binh sĩ Nga hạ vũ khí, nói rằng hơn 4.500 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine, theo AFP. Phía Nga chưa có phản hồi về số liệu này. Hôm 27.2, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov đã thừa nhận có thương vong trong số quân nhân nước này tham gia chiến dịch ở Ukraine, nhưng không nêu rõ con số, theo Đài RT. Ông Konashenkov cho biết thêm một số binh sĩ Nga đã bị phía Ukraine bắt giữ làm tù binh. Ông Konashenkov khẳng định tổn thất của phía Nga vẫn còn thấp hơn nhiều so với “tổn thất trong số binh sĩ Ukraine”.

Nhiều xe bị phá hủy trong cuộc nã pháo ở ngoại ô thủ đô Kyiv ngày 28.2

AFP

Ngoài ra, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet ngày 28.2 nói rằng ít nhất 102 dân thường, trong đó có 7 trẻ, đã thiệt mạng ở Ukraine, và 304 người bị thương, theo Reuters. Cùng ngày, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Filippo Grandi hôm qua khẳng định hơn 500.000 người Ukraine đã rời khỏi đất nước của họ đến các nước láng giềng để tránh cuộc xung đột Nga-Ukraine, theo AFP. Giới chức Pháp và Liên minh châu Âu (EU) ngày 28.2 cho hay EU đang chuẩn bị cấp cho những người Ukraine trốn khỏi cuộc xung đột quyền ở lại và làm việc trong 27 nước thành viên lên tới 3 năm, theo Reuters.

Thêm một số nước cấm vận Nga

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan ngày 28.2 tuyên bố nước này sẽ áp đặt “các lệnh cấm vận và hạn chế phù hợp” lên Nga, trong lúc chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine bước sang ngày thứ 5. Tương tự, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 28.2 tuyên bố nước này sẽ cấm vận Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và hạn chế giao dịch thương mại với Ngân hàng trung ương Nga vì chiến dịch quân sự của Moscow đối với Ukraine.

Người mẹ Ukraine ngược dòng di tản để về với con và để chiến đấu

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo nước này sẽ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với Nga và sẽ gia nhập các nước phương Tây loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Hôm 27.2, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell thông báo các nước EU sẽ gửi chiến đấu cơ đến Ukraine để hỗ trợ nước này chống lại cuộc tấn công từ Nga. Cùng ngày, Thủ tướng Mette Frederiksen của Đan Mạch, một nước thành viên của EU, thông báo nước này sẽ tặng 2.700 vũ khí chống tăng cho Ukraine, theo Reuters.

Ukraine nộp đơn gia nhập EU

Ngày 28.2, Tổng thống Zelenskiy cho hay ông đã ký một đề nghị chính thức để Ukraine có thể gia nhập EU. Trước đó cùng ngày, Tổng thống Zelensky đã kêu gọi EU cấp cho Ukraine tình trạng thành viên ngay lập tức thông qua một thủ tục đặc biệt mới, theo AFP. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 28.2 cho hay có sự bất đồng trong 27 quốc gia thành viên EU về việc mở rộng khối này, theo AFP. Ông Michel còn nói rằng Kyiv sẽ phải trình đề nghị chính thức để gia nhập EU và các quốc gia thành viên sẽ phải xem xét và đưa ra lập trường thống nhất.

Quân Nga chiếm 2 thị trấn, đồng rup mất giá mạnh

Cuộc đàm phán đầu tiên

Giữa lúc giao tranh tiếp diễn, giới chức Nga và Ukraine ngày 28.2 có cuộc đàm phán đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24.2. Cuộc đàm phán bắt đầu vào khoảng 17 giờ 30 ngày 28.2 (theo giờ Việt Nam), tại vùng Gomel thuộc Belarus, gần biên giới giáp với Ukraine. Đến khoảng 23 giờ 18 phút, Reuters đưa tin hãng tin RIA (Nga) dẫn lời Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podoliak cho hay hai phái đoàn Nga và Ukraine đã kết thúc cuộc đàm phán hòa bình và hai bên sẽ trở về thủ đô của họ để tiếp tục tham vấn trước khi bắt đầu vòng đàm phán mới.

Phái đoàn Nga (trái) và phái đoàn Ukraine trong cuộc đàm phán ở Belarus ngày 28.2

AFP

Báo chí Ukraine dẫn thông báo từ Văn phòng tổng thống nước này cho hay trong cuộc đàm phán, phái đoàn Ukraine yêu cầu binh sĩ Nga rút khỏi Ukraine, kể cả bán đảo Crimea và vùng Donbass. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky cho hay: “Tôi thật sự không tin vào kết quả của cuộc gặp này, nhưng cứ để họ thử”.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 28.2, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh một cuộc dàn xếp về vấn đề Ukraine chỉ có thể đạt được nếu Kyiv trung lập và phi quân sự, và việc Nga kiểm soát bán đảo Crimea phải được chính thức công nhận, theo Reuters dẫn thông báo từ Điện Kremlin. “Nga sẵn sàng đàm phán với các đại diện của Ukraine và mong (cuộc đàm phán) đạt kết quả như mong muốn”, Điện Kremlin nói trong thông báo.

Xung đột Nga - Ukraine

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.