Hơn 3 giờ sáng mùng 3 tết, bà Huỳnh Thị Tịch, thường gọi cô Tư, 61 tuổi ở ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Phong, H. Thạnh Phú (Bến Tre) khẩn trương gọi điện thoại cho một số người quen trên giồng khi vừa phát hiện ra rươi bắt đầu nổi lên trong vuông tôm mình. Thông báo xong, cô Tư cầm đèn pin chạy qua bên vuông liền kề của ông năm Hiếu thông báo tiếp tục cho những người khác đang ngóng rươi nổi lên.
|
Từng dòng người, đầu đội đèn pin, tay mang vợt ào ào lội xuống vuông hớt liên hồi, cười nói rôm rả vang cả cánh rừng còn chìm trong bóng đêm. Gió chướng của con nước ba mươi thổi yếu, rươi khá thưa thớt và có quá nhiều người “cày xới” nên rươi ở vuông tôm cô Tư vừa trừng lên đã bị vớt sạch. Con nước ba mươi ngày tết xem như không có rươi để bán, người “cày xới” suốt cũng đủ dùng trong gia đình.
|
Cũng như hàng trăm hộ dân khó khăn khác, gia đình cô Tư được Ban quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre giao khoán hơn 5 ha với nhiệm vụ vừa khai thác thủy sản vừa trồng và gìn giữ rừng đước. Gia đình cô Tư sống lặng lẽ dưới tán rừng ngập mặn này đã mấy chục năm qua nhờ vào con cua, con tép có tự nhiên kết hợp chăn nuôi dê. Cô Tư có 2 người con trai nhưng họ chỉ về thăm nhà trong dịp lễ, tết vì phải làm công nhân ở xa.
“Nếu tôi không thông báo mà chờ đến khi rươi tụ lại, kéo xuồng theo vớt thì chắc cả mùa cũng kiếm được vài trăm kg chứ không ít đâu. Nhưng làm vậy thấy lương tâm nó cứ kỳ kỳ sao sao ấy! Tại các chủ vuông khác quanh đây họ cũng xả cống theo hai con nước rằm và ba mươi như tôi vậy đó và nếu có rươi nổi lên họ cũng báo mọi người. Thôi kệ, ai sao mình vậy, mỗi năm có một mùa mà!”, cô Tư thật thà chia sẻ với PV Báo Thanh Niên.
|
46 tuổi nhưng chị Đặng Thị Kim Loan, xã Thạnh Phong đã có đến hơn 30 năm vớt rươi theo mùa ở vùng biển mặn này. Mùa rươi năm nay dẫu ít hơn các năm trước nhưng cũng mang về cho gia đình chị hơn chục triệu đồng. Chị Loan chia sẻ, rươi nơi này xuất hiện vào nước rằm, nhiều nhất là con nước ba mươi. Thường mùa rươi bắt đầu từ con nước ba mươi tháng 9 kéo đến con nước ba mươi dịp tết. Rươi nơi này chỉ nổi lên trong các vuông vào ban đêm theo đợt triều lên. Từ khoảng 21 giờ tối là thời điểm khả năng rươi nổi đợt đầu tiên và kéo dài đến tận tờ mờ sáng hôm sau mới chui lại xuống đất. Nhưng, cũng có hôm chúng nổi đến khi mặt trời chiếu nóng mặt nước mới lặn.
Đặc biệt, khi gió chướng từ biển mạnh bất ngờ, đêm giá rét, mực thủy triều dâng cao đột ngột là những dấu hiệu có thể khẳng định rươi sẽ nổi lên rất nhiều. Tuy nhiên, những người có thâm niên nhất ở đây cũng không thể biết được rươi sẽ nổi lên ở khu vực nào, ai nấy đều phải tự lặn lội đi tìm.
|
Nói về “lệ làng” rươi cộng đồng mà chúng tôi nhìn thấy, chị Kim Loan cho hay “cũng hên xui” mới có được người tốt bụng được như cô Tư. Thường thì các chủ vuông không thông báo rộng rãi mà tự vớt bán. Thế nhưng, dân ở đây ai cũng mặc nhiên con rươi là của “trời cho” cộng đồng, nên hễ thấy chúng nổi lên ở bất cứ đâu thì cứ việc vớt, chủ vuông tiếc nuối cũng không được ai rầy rà.
Theo người dân bản địa, hơn 10 năm trước có người từ các nơi khác đến mua rươi tươi về nấu nước mắm. Tuy nhiên, giá bán được chục kg rươi chưa mua được một kg gạo. Nhưng cũng từ ấy, việc vớt rươi của bà con đã trở nên lặng lẽ hơn. “Câu chuyện truyền đời” ở xứ này mà hễ ai nhắc tới đều cười ra nước mắt. Đó là “đôi mặn chí cốt” Năm Đời và Bảy Lượm. Đêm đó ba mươi tháng 9, gió chướng thổi rất dữ, trời rét căm, hai người bảo nhau mang đèn pin đi rừng tìm rươi vớt bán.
Không lâu sau khi soi đèn rạo rực tìm rươi, Năm Đời nói bâng quơ rằng chắc đêm nay không có rươi nên đề nghị với bạn là cùng quay về tranh thủ cắt bỏ cho bò sớm để trưa còn đi đám cưới. Đúng lúc Bảy Lượm cũng kêu đau bụng và đồng ý quay về. Cả hai người nhăn nhó mạnh ai về nhà nấy, trong bụng thầm hí hửng vì đã lừa được nhau. Không hẹn nhưng hai người lại phải ê mặt đối diện nhau tại vuông đầy rươi sau khi về nhà lấy đồ nghề. Đôi bạn chí cốt chỉ có thể cười xí xóa rồi cùng vớt rươi nhưng vớt mãi đến đầy các bao mang theo mà rươi cứ từng đợt xoáy vòng tròn nổi lên đỏ nước. Tiếc nuối nhưng không còn cách nào khác, hai ông đành ì ạch vát rươi về trong đêm tối và cũng không quên đến gõ cửa từng nhà thông báo rươi đang nổi lên đặc nước ngoài kia.
|
Vẫn theo người dân địa phương, vài năm qua, phong trào nuôi tôm biển công nghiệp (thâm canh) bùng phát trên diện rộng ở đây và việc xả thải gây ô nhiễm nên phần lớn vuông tôm không còn rươi nổi lên nữa. 5 năm gần đây, rươi chủ yếu chỉ còn nổi lên ở khu vực vuông của rừng phòng hộ do nơi đây cấm việc nuôi tôm công nghiệp.
Ba năm trước, giá rươi tươi tăng từ 3.000 đồng/kg lên 10.000 đồng/kg, qua mùa kế tiếp lại đột ngột tăng giá lên gấp 3 lần nữa khiến người dân ở đây hết sức phấn khởi nhưng không vì vậy mà họ tự phá vỡ quy tắc “trời cho cộng động”. Sở dĩ giá rươi tăng cao đến bất ngờ là nhờ mô hình du lịch sinh thái cộng đồng của địa phương phát triển.
“Trước giờ bà con ở đây chỉ biết vớt rươi lên rồi nấu nước mắm. Một số người cũng chiên rươi ăn nhưng không nhiều. Khách du lịch đã dạy cho chúng tôi biết luộc sơ sơ, để ráo nước và chỉ nhiều cách chế biến rươi thành nhiều món khác nhau. Trong đó, món ngon nhất là nêm nếm gia vị cho rươi luộc rồi xào lại cuốn bánh trán với rau sống; làm chả, nấu cháo, kho cà, nấu canh với rau…Nói chung giờ ai cũng biết rươi là thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có chất dinh dưỡng rất cao.”, chị Trần Thị Thùy Linh, 32 tuổi, ngụ xã Thạnh Phong, một phụ nữ có thâm niên vớt rươi kiêm thương lái tiêu thụ rươi số lượng lớn cho bà con nơi này.
|
Theo chị Linh, nếu tính cả mùa rươi năm nay chắc cũng được hơn chục tấn. Trong đó, riêng chị đã tiêu thụ gần 5 tấn, chủ yếu là mua rươi tươi bán lại cho các bạn hàng, cơ sở kinh doanh thức ăn khu vực bãi biển du lịch Cồn Bửng, xã Thạnh Hải. Phần còn lại, chị luộc chín rồi cấp đông gửi xe đò đi các tỉnh miền Tây, nhiều nhất là khách hàng ở khu vực TP.HCM, miền Bắc.
Bình luận (0)