Nghệ An: Núi sập chôn vùi 18 kỹ sư, công nhân

16/12/2007 00:16 GMT+7

* Đêm trước thảm họa, đội khai thác đã cho nổ một quả mìn cực lớn *Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn * Công điện khẩn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Một mảng núi khổng lồ bất ngờ đổ sập xuống 18 công nhân khi họ đang làm việc tại mỏ khai thác đá phục vụ công trình thủy điện Bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An lúc 10 giờ 25 phút sáng qua 15.12.

Tai nạn kinh hoàng 

Có mặt ngay sau tai nạn kinh hoàng trên, trước mắt chúng tôi là một đống đổ nát, đất đá tan hoang. Một mảng núi khổng lồ đã đổ sập xuống. Rất đông người đứng vây quanh cùng chiếc máy xúc trông quá nhỏ nhoi đang vật lộn bên những tảng đá khổng lồ trong niềm hy vọng mong manh. "Quá nhanh anh à. Chỉ có vài phút thì không còn thấy gì nữa" - anh Nguyễn Văn Chuyền, Đội trưởng Đội cơ giới Sông Đà 2, nói trong bàng hoàng. Khi tai họa xảy ra, anh Chuyền đang làm việc cách đó vài trăm mét. "Tôi nghe một tiếng "ầm" rất lớn, đoán có sự chẳng lành, chúng tôi chạy đến thì không còn thấy gì nữa ngoài đống đất đá này", anh Chuyền kể.  

Công điện khẩn của Thủ tướng

Ngày 15.12.2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có Công điện khẩn số 1949/CĐ-TTg gửi bộ trưởng các bộ: Công thương, Công an, Xây dựng; Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn; Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam; Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Đà.  Nội dung công điện như sau:

Về vụ tai nạn nghiêm trọng sạt lở mỏ đá tại công trường xây dựng thủy  điện Bản Vẽ (Nghệ An) làm chết và bị thương nhiều người, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi tới các nạn nhân bị thương và chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người tử nạn và yêu cầu: Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Đà trực tiếp chỉ đạo khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, chia buồn và phối hợp cùng gia đình những người tử nạn để tổ chức mai táng chu đáo. Trong quá trình xử lý, khắc phục sự cố, hết sức lưu ý không để xảy ra sự cố tiếp theo. Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo lực lượng quân đội kịp thời bố trí lực lượng phối hợp và ứng cứu. Thủ tướng giao Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vào chỉ đạo trực tiếp công tác cứu hộ tại hiện trường. Bộ Công an phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng xác định rõ nguyên nhân sự cố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo thường xuyên, kịp thời tình hình khắc phục sự cố, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo tiếp theo. 

TTXVN

Mỏ đá D3, nơi xảy ra thảm họa, là mỏ đá phục vụ cho công trình xây dựng thủy điện Bản Vẽ. Trước khi núi sập, có 18 người (15 công nhân và 3 kỹ sư) gồm 9 của Công ty xây dựng Sông Đà 2, 8 của Sông Đà 5 và 1 cán bộ của Ban Quản lý dự án thủy điện 2 đang làm việc tại đây. Cùng với 18 người xấu số, có 3 máy xúc, 2 ô tô, một máy khoan lớn, 3 máy khoan tay và 1 máy ép cũng bị chôn vùi trong đống đất đá. Khoảng hơn nửa triệu mét khối đất đá đã đổ ập xuống trên phạm vi khoảng hơn 1.000m2. Khả năng sống sót là gần như không thể.

Một nguồn tin từ các công nhân ở khu vực xây dựng công trường thủy điện Bản Vẽ cho biết tại khu vực mỏ đá D3 vào tối trước khi xảy ra thảm họa, Đội khai thác đá Sông Đà 5 đã cho nổ một quả mìn cực lớn. Việc nổ mìn nhằm mục đích làm rã đất đá để công nhân vào khai thác. Và sáng hôm sau, khi anh em công nhân đang làm việc thì đã xảy ra thảm họa trên. Như vậy, khả năng sập núi có thể do quả mìn quá lớn nên đã làm rạn vỡ kết cấu của ngọn núi này.

Cứu hộ gặp khó khăn

Khá nhiều người gồm lãnh đạo huyện Tương Dương, lực lượng công an và công nhân các công ty Sông Đà thi công thủy điện có mặt tại hiện trường. Thế nhưng, chỉ một chiếc xe máy xúc duy nhất đang làm công tác cứu hộ một cách đơn độc. Thỉnh thoảng, một tảng đá từ phía trên đống đất đá bất ngờ chuồi ra và lăn xuống, kéo theo cả một mảng đất lớn.

Tại hiện trường, ông Đoàn Văn Mạnh, Phó tổng giám đốc Sông Đà 2, nói: "Nếu công việc cứu hộ lúc này mà không cẩn trọng thì khi xúc đất đá ở phần dưới chân núi sẽ rất nguy hiểm. Vì những phiến đá nặng hàng trăm tấn phía trên có thể tiếp tục đổ ào xuống. Nóng lòng lắm, nhưng lúc này chúng tôi không thể có cách làm nào khác và càng không làm vội vàng được". Ông Mạnh cũng cho biết hiện tại máy móc tại công trường của công ty đang bị vùi lấp dưới đống đất đá này nên chưa thể có thêm xe để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Công ty đang huy động đội cứu trợ từ Sơn La vào giúp.   

Chiều qua, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Thế Trung và Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Trạc cũng đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Phương án được thống nhất tại cuộc họp nhanh vào cuối giờ chiều qua là huy động lực lượng công binh của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh dùng mìn phá lớp đá phía trên đỉnh núi. Sau đó, huy động toàn bộ lực lượng gồm phương tiện máy đào, ủi tại công trình thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố lên giải phóng lớp đất đá bên dưới để đưa thi thể công nhân ra ngoài.

21 giờ 30 đêm qua, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thế Trung cho biết công tác cứu hộ đang gặp rất nhiều khó khăn do địa hình dốc, vực sâu và lượng đá từ trên đỉnh núi có thể tiếp tục sập xuống bất cứ lúc nào. Lúc này tỉnh đang huy động lực lượng công binh của Quân khu 4 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh lên để khảo sát và dùng mìn phá đá từ đỉnh núi và sẽ tiến hành ngay trong đêm nay. Sau đó, huy động lực lượng và phương tiện để mở đường lên núi, vận chuyển khối lượng đá ra khỏi hiện trường để tìm thi thể vì không thể gạt đá xuống vực sâu. Do khối lượng đá quá lớn, đường vận chuyển khó khăn nên chắc chắn sẽ phải mất rất nhiều thời gian.

Một bàn thờ nhỏ được lập tạm bên con đường chạy qua hòn núi, bên cạnh đống đất đá tang thương đang chôn vùi 18 thi thể. Khói nhang bốc lên nghi ngút. Trời sập tối, chiếc máy xúc vẫn cần mẫn trên đống đất đá, nhưng chưa có thi thể nào được tìm thấy. Suốt đêm qua, trên quả đồi tang thương này, nhiều công nhân không ngủ, hy vọng mau tìm thấy đồng nghiệp của mình đang bị chôn vùi dưới núi.     

Danh sách 18 nạn nhân

1. Nguyễn Thế Sơn (sinh năm 1960), Diễn Châu, Nghệ An

2. Nguyễn Quý Trưởng (1979), Hải Dương

3. Vũ Xuân Nhượng (1979), Thanh Hóa

4. Phạm Văn Thích (1981), Thanh Hóa

5. Nguyễn Văn Trực (1977), Thanh Hóa

6. Trịnh Bá Kỷ (1957), Hà Tây

7. Nguyễn Văn Vạn (1966), Hà Tây

8. Dương Cao Sơn (1967), Hòa Bình

9. Lê Công Tú (1986), Hà Nam

10. Võ Văn Trang (1986), Nghệ An

11. Phạm Văn Hải (1978), Nghệ An

12. Lê Văn Hoàng (1963), Thanh Hóa

13. Hoàng Anh Vũ (1978), Phú Thọ

14. Nguyễn Đức Khôi (1975), Hải Dương

15. Bùi Đức Kiên (1977), Hòa Bình

16. Vũ Văn Mười (1977), Nam Định

17. Phạm Văn Thành (1962), Hà Tây

18. Lương Văn Tân (chưa xác định năm sinh), Hòa Bình.

     

K.H - N.P

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.