Đền thờ nhà thơ mù Việt Nam vĩ đại ở Ba Tri, ngay trên mảnh đất cụ Đồ Chiểu sống những ngày cuối cùng và qua đời, được an táng tại đó.
Cách đây gần 30 năm (hình như năm1981) tôi được về Bến Tre dự Hội thảo văn học về Nguyễn Đình Chiểu. Hình như hồi đó tôi đi dự hội thảo không được chính danh lắm, nghĩa là không có giấy mời chính thức. Tôi đi vì lúc đó tôi vừa viết và in xong trường ca “Những nghĩa sĩ Cần Giuộc”(NXB Văn nghệ TP.HCM). Nghe bạn bè anh em rủ, thế là đi. Cũng xin nói, hồi đó dự hội thảo không có phong bì, đọc tham luận không có nhuận... tham luận. Nhưng vui. Gặp cả những người mình rất muốn mà khó có dịp được gặp như giáo sư Ca Văn Thỉnh (thân sinh nhà thơ Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân) hay giáo sư Trần Văn Giàu. Tôi nhớ, buổi sáng xe buýt chở đoàn hội thảo về Ba Tri thăm mộ Nguyễn Đình Chiểu, tôi chỉ thấy đây là khu mộ hơi cổ, nhưng không có gì quá đặc biệt. Thì sinh thời, cụ Đồ sống trong dân, sống như dân, nên khi qua đời, tất nhiên cụ cũng có phần mộ giống phần mộ người dân thường.
Nhưng cách đây 5 năm, khi lần thứ 2 tôi được về Ba Tri viếng mộ Nguyễn Đình Chiểu, một ngôi đền thờ to đẹp, phóng khoáng đã được dựng lên ở đây. Phải nói, đây là một kiến trúc đền thờ giản dị nhưng hợp lý, và gây được nhiều xúc cảm cho người đến viếng. Không rườm rà, không quá nhiều chi tiết, không nhiều vật liệu đắt tiền, chất liệu gỗ là đặc trưng cho ngôi đền này. Những đoạn phù điêu theo kiểu tranh tường trong đền thờ đã gây ấn tượng mạnh cho tôi: đây là một tác phẩm nghệ thuật thật sự, chứ không phải “tác phẩm... đánh quả”. Và, khi đứng giữa đền thờ thắp hương khấn vái cụ Đồ, tôi chợt nghe, không phải tiếng cụ Đồ đọc thơ, mà là tiếng ríu rít của bầy chim sẻ ẩn cư trong đền thờ. Ngước nhìn lên vòm mái đền, cơ man nào là chim sẻ! Tôi chợt giật mình: thơ vận vào số phận đến như vậy sao? Khi còn sống, trước cảnh dân tình chạy giặc, trước hình ảnh đau lòng của những đứa trẻ nhỏ phải xa nhà tản cư, cụ Đồ đã viết:
“Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bầy chim dáo dác bay”
Tôi cho đó là hai câu thơ đứng vào hàng hay nhất của thơ Việt viết về chiến tranh. Hay vì hai câu thơ này không mô tả người lính hay vợ người lính, mà tả cảnh trẻ con chạy loạn và bầy chim mất ổ. Phải thương trẻ con đến thế nào, phải yêu những con chim sẻ nhỏ bé tới đâu mới viết được hai câu thơ đặc-biệt-bình-thường đó.
Và nay thì những bầy chim sẻ đã có cái “ổ” lớn của chúng, một cái tổ bình yên và thân thiện. Đó chính là vòm mái đền thờ cụ Đồ. Chúng tha hồ ẩn cư, tha hồ vui hót ở đây mà không sợ bất cứ ai xua đuổi. Vậy là sau khi mất đã hàng trăm năm, cụ Đồ vẫn còn bảo bọc được những chú chim non, và vẫn làm vui được cho những đứa trẻ nhỏ đến đây thăm viềng cụ. Nhà thơ là như vậy!
Nhật Chung
Bình luận (0)