Đã mê sợ gì... đổ máu
Bất cứ ai yêu thích loài cây đầy gai này mà lạc vào vườn xương rồng của nghệ nhân Phạm Phúc Giác ở thị trấn Cái Dầu (H.Châu, An Giang) sẽ thấy... choáng. Choáng vì khu đất khoảng 800 m2 trồng đủ loại cây xương rồng, cây nhỏ như bàn tay, cây cao lênh khênh trên 3 m, cây hình tròn như cái lu, cây hình trụ, cây có gai sắc nhọn, cây có gai cong, cây có gai lông mịn...
Ông Giác kể năm 17 tuổi, ông đã mê loài xương rồng và quyết chí đi sưu tập các loài cây còn xa lạ với nghề chơi cây kiểng thời đó. Lúc đó sách báo hạn chế nên ông tự tìm tòi từng loại cây, rút tỉa kinh nghiệm khi cây khô héo, thúi rễ chết. Biết ở đâu có xương rồng, ông Giác tìm đến mua cho bằng được. Hoặc khi hay tin người quen ở nước ngoài về Việt Nam chơi, ông kèo nài kiếm tặng cho ông vài cây xương rồng làm quà tặng. Ông kể hồi mua được cây xương rồng mừng lắm, vận chuyển cây bằng xe gắn máy về nhà ông ôm cây chặt chậu cây chấp nhận bị gai xương rồng đâm đổ máu. “Nhiều người nói xương rồng chỉ sống được ở vùng sa mạc đất đai khô cằn, đem chúng về sông nước trồng vài ngày là chết, mua làm chi cho phí. Tôi không nghĩ vậy vì tôi tin loài cây gai góc này ý chí mãnh liệt, bất cứ nơi đâu cũng sống được, vấn đề là mình hiểu được tính nết của nó hay không”.
|
Ông Giác nói hoa lan thì quý phái, cây kiểng thì sang trọng, còn xương rồng nhìn mộc mạc, thô thiển nhưng thực ra cây xương rồng mới là loài cây khó chăm sóc so với lan kiểng. Đừng tưởng chúng là cây có gai, hình dáng xù xì trồng dễ sống, phải đeo đuổi và hiểu chúng là cả quá trình đằng đẵng. Ông nói: “Bản thân xương rồng kén nước nên khi tưới phải tưới lượng nước thích hợp, tùy theo loại cây sinh trưởng ở vùng nào mà cách tưới chăm sóc phải khác nhau, có khi pha loãng hóa chất vào nước để có độ mặn thích hợp cây mới hấp thu được. Ngoài ra trời mưa phải chăm sóc cây ra sao, mùa hè và mùa đông phải chăm sóc chúng thế nào, nếu không chúng thối rễ chết”, ông Giác nói. Khó tính thế nên nhiều người dù mê xương rồng, bỏ ra cả ngàn đô la tậu xương rồng từ nước ngoài về trồng, không lâu phải tiếc rẻ liệng bỏ xác cây.
Với cách nghĩ đã mê xương rồng không sợ đổ máu bởi gần chúng sao tránh bị gai nhọn đâm, ông Giác theo đuổi nghiên cứu đã hiểu rõ tính nết của các loài cây xương rồng. Ông nói đến nay đã sưu tập hơn 1 triệu cá thể xương rồng gồm cả trăm loài ở nhiều quốc gia. Ông Giác cho biết từ khi bước vào cái nghiệp mê xương rồng đến nay ông vẫn chưa bán một cây nào dù ông lai tạo chúng thành công. Ông coi xương rồng như bạn nên không nỡ bán nhưng lại sẵn sàng tặng vài chậu xương rồng cho những người đam mê thực sự loài cây gai nhọn này.
Pho từ điển sống về xương rồng
Vườn xương rồng của ông Giác lâu nay là điểm đến của các đoàn khách, sinh viên nghiên cứu thực vật. Bất cứ ai có thắc mắc về quá trình sinh trưởng, phát triển của xương rồng, lai tạo ra sao ông Giác đều giải đáp mạch lạc. Thế nên khi nhắc đến ông Giác, giới chơi xương rồng đều gọi ông là “từ điển sống”, bất cứ thắc mắc hay cây xương rồng có bệnh gì họ điều gọi ông nhờ tư vấn.
Từ loài cây này ông đã gặt hái được danh tiếng cùng uy tín. Xuyên suốt nhiều năm trời ông lãnh được nhiều giải thưởng khi dự thi, triển lãm xương rồng, được gọi là nghệ nhân... Năm 2004, các cán bộ Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) biết ông là người am hiểu xương rồng đã đến tận nhà mời ông làm kỹ thuật viên trồng và phát triển cây xương rồng trong nhà kính trong khuôn viên Vườn quốc gia. Đấy là một đề nghị khó nhưng ông Giác vẫn nhận lời vì ông tin vào tay nghề của mình.
Do làm tốt, trồng và phát triển được nhiều loài cây xương rồng nên năm 2007, ông Giác đã được trao tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn".
Ông Giác kể: “Từ một loài cây xù xì, đầy gai và khô khan, đến nay nhiều người đã đam mê xương rồng. Nhiều khu du lịch, nhiều doanh nghiệp đã mời tôi làm kỹ thuật viên thiết kế khu vườn nhà kính cây xương rồng với đủ chủng loại”. Ông Giác nói thế giới rất quan tâm đến xương rồng vì chúng là loài cây có ích, nhựa của chúng đang được trích xuất để làm dược liệu trị bệnh, làm kem thoa mặt. Ở châu Mỹ, nhiều loại cây xương rồng có giá trị và đắt tiền nên bị trộm cắp đào trộm bán cho các đại gia.
Nhiều người hỏi ông thế nào là cây xương rồng đẹp. Ông trả lời, đối với người mê xương rồng thì mỗi loài cây có kiểu dáng, nở hoa, gai đẹp khác nhau nên để định chuẩn loài xương rồng nào đẹp rất khó. Xương rồng đầy gai nhọn nhưng tiềm ẩn vẻ đẹp khác biệt so với các loại hoa kiểng khác và bản thân chúng còn nhiều bí ẩn. Thế nên những lúc mệt nhọc, buồn bực ông lại dạo bước trong vườn xương rồng, ngắm nhìn xương rồng mạng nhện, xương rồng chân nôm, xương rồng trúc ngọc, xương rồng lưỡi quỷ, xương rồng thê lô, xương rồng tầng mây xanh... nở hoa, trổ gai thì bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến...
Thanh Dũng
>> Món ngon từ xương rồng
>> Xứ xương rồng lần đầu có đường hoa
>> Hóa thạch “xương rồng đi bộ”
Bình luận (0)