Stylist được hiểu nôm na là người định hình phong cách thời trang cho các nghệ sĩ, doanh nhân, người dẫn chương trình...- những người thường xuyên xuất hiện trước công chúng. Cùng với sự phát triển của xã hội, thời trang được quan tâm, stylist ngày càng là nghề hot, được nhiều người theo đuổi.
Người đi “gom đồ” cho người khác ?
Mạch Đạt Huy, 28 tuổi, quê Đà Lạt (Lâm Đồng) tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Sau đồ án tốt nghiệp xuất sắc, anh được nhận vào một tạp chí thời trang. Làm việc với nhiều thương hiệu nổi tiếng và nghệ sĩ, anh bén duyên với nghề stylist lúc nào không hay. Hơn 6 năm qua, Mạch Huy đã xây dựng phong cách thời trang cho nhiều hoa hậu, nghệ sĩ nổi tiếng như: Jolie Nguyễn, hoa hậu Kỳ Duyên, ca sĩ Văn Mai Hương, Đông Nhi...
tin liên quan
Nghề PT với nhiều cám dỗMạch Huy chia sẻ: “Nhiều người hiểu sai rằng stylist là người đi gom đồ cho người khác. Thực tế không phải như vậy. Trước tiên, chúng tôi tích lũy thông tin về khách hàng của mình, xem xét họ phù hợp nhất với phong cách nào, từ ăn mặc cho đến trang điểm. Sau đó, chúng tôi sẽ tìm trang phục, phụ kiện, kết hợp tổng thể với cách trang điểm, làm sao để khách hàng của mình xuất hiện chỉn chu, thời trang, tự tin nhất trước công chúng hoặc có những bộ ảnh thành công nhất”.
Mỗi ngày, các stylist không có khung giờ làm việc cố định. Có thể họ sẽ phải thức dậy lúc 3 giờ sáng và kết thúc một ngày vào 2 giờ sáng hôm sau. Tình trạng làm việc kiệt sức, thiếu ngủ là thường xuyên.
Một stylist có thể cùng lúc nhận hợp đồng với nhiều khách hàng. Mỗi hợp đồng có thể tính theo ngày, tháng hoặc sự kiện của khách hàng. Thu nhập tỷ lệ thuận theo hiệu quả công việc. Đó là chưa kể nhiều người còn có thể kiếm thêm thu nhập từ việc làm truyền thông cho các thương hiệu. Mạch Huy từ chối tiết lộ thu nhập của mình, tuy nhiên theo anh, một stylist chuyên nghiệp, chăm chỉ, nhiều mối quan hệ hoàn toàn có thu nhập 100 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, stylist Nguyễn Tuấn Kiệt (nghệ danh Kye), 28 tuổi, ở Q.1, TP.HCM đến với nghề này 7 năm, sau khi tốt nghiệp một trường nghề và trải qua công việc làm người mẫu ảnh. Anh từng làm stylist cho Hồ Ngọc Hà, Đinh Hương, Bùi Anh Tuấn, Lan Khuê... và đến nay chuyển hướng dần sang làm cho những doanh nhân thành đạt. Kiệt cho hay, các doanh nhân ngày càng quan tâm hơn tới hình thức bên ngoài. Làm việc với họ, thù lao nhận được đôi khi nhiều hơn và có cơ hội học cách quản lý, có thêm kiến thức về kinh doanh.
“Thù lao 100 triệu đồng/tháng cho một stylist chuyên nghiệp là không khó, nhưng rất khó để đạt tới mức chuyên nghiệp”, Kiệt cho biết. Anh còn tiết lộ, làm stylist cho nghệ sĩ, doanh nhân, nhiều tháng có thể kiếm được 200 triệu đồng, tuy nhiên rất vất vả, nhiều khi phải đánh đổi bằng sức khỏe.
Gian truân trong nghề mới tỏ
Không có đồng tiền nào kiếm được dễ dàng, như Kiệt cho biết, mới đây một người đàn anh trong nghề vừa qua đời vì làm việc quá sức.
“Nếu một doanh nhân bắt đầu có buổi làm việc lúc 7 giờ, stylist có thể phải dậy từ 4 giờ chuẩn bị trang phục, lường trước mọi rủi ro, sau đó có khi phải làm thêm hàng tá việc như: kéo nhiều vali, ủi đồ, treo đồ... Chẳng may chiếc áo bị rộng quá hay chiếc cúc bị tuột, stylist cũng phải có kỹ năng khâu, vá bằng kim chỉ. Nhiều người thấy chúng tôi mặc toàn hàng hiệu, dự nhiều sự kiện sang trọng, thần thái tươi tỉnh, nhưng thực ra chúng tôi thường xuyên mệt rã rời”, Kiệt nói.
Còn Mạch Huy cho biết rủi ro thường gặp trong công việc này là làm mất hay hư hỏng đồ của nghệ sĩ/doanh nhân (thường là hàng hiệu, giá không hề rẻ). Để đảm bảo uy tín làm nghề, các stylist tự bỏ tiền túi, có khi lên đến hàng chục triệu đồng để bồi thường.
Thực tế, ở VN chưa có trường đào tạo chuyên nghiệp về stylist. Vì thế, mỗi stylist có cách riêng để tự trau dồi; ban đầu có thể xin làm phụ tá, sau đó học hỏi và có thêm mối quan hệ. Ai muốn giỏi cũng phải dành nhiều giờ mỗi ngày đọc sách báo, tạp chí, cập nhật kiến thức về thời trang nếu không muốn tụt hậu.
Bình luận (0)