Năng động, thể hiện được nhiều kỹ năng trong công việc khiến các bạn trẻ thích trở thành nhân viên PR.
Ngày nay, trong quá trình cạnh tranh, việc xây dựng hình ảnh đẹp của doanh nghiệp đối với công chúng là điều không thể thiếu. Nhân viên PR (viết tắt từ Public Relations, tạm dịch là quan hệ công chúng) cũng luôn được các doanh nghiệp trọng dụng trong quá trình phát triển. PR trở thành nghề triển vọng dành cho bạn trẻ.
Nghề cực khổ
Bận rộn với lịch làm việc với các cơ quan thông tấn báo chí, tiếp xúc khách hàng cùng đối tác trong những sự kiện quan trọng của doanh nghiệp như giới thiệu sản phẩm mới hay các chương trình cộng đồng, chị Hoàng Thanh Yến, bộ phận đối ngoại của Công ty Manulife, lúc nào cũng tất bật. Chị tâm sự: “Nhiều lúc để các chương trình đúng tiến độ, tôi thường quên cả ăn trưa. Công việc tuy vất vả nhưng tôi vui vì được tiếp xúc với nhiều người. Từ đó, tôi có thể học hỏi thêm kinh nghiệm trong quá trình làm việc”.
Nhiều năm kinh nghiệm trong nghề tổ chức sự kiện và hiện đang là Giám đốc điều hành Công ty Lục Gia Long, chị Lục Vũ Hoài cho biết: “Nghề PR giúp tôi mở rộng nhiều mối quan hệ trong công việc, cuộc sống. Công việc luôn mới và vận động nên không gây nhàm chán nhưng luôn đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng”.
Cần nhiều kỹ năng
Khả năng giao tiếp tốt là một tố chất rất quan trọng của nhân viên PR. Không chỉ giỏi giao tiếp, nhân viên PR chuyên nghiệp phải có kiến thức xã hội sâu rộng để có thể trở thành người tư vấn chiến lược, đưa ra những phương thức hoạt động cho đối tác. Ông Trịnh Thắng, Phó trưởng Khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông Trường Đại học Dân lập Văn Lang, cho biết: “PR là xây dựng, duy trì quan hệ với các cơ quan truyền thông, báo chí, lập kế hoạch quảng bá thương hiệu, xử lý khủng hoảng, tổ chức sự kiện, chăm sóc khách hàng.
Vì thế, người làm PR cần có óc tổ chức cao”. Cũng theo ông, một người PR chuyên nghiệp cần nắm vững kiến thức chuyên ngành; có vốn hiểu biết sâu rộng, năng lực tổ chức cao, kỹ năng giao tiếp trước công chúng. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ thông tin và giao lưu hợp tác quốc tế như ngày nay, việc nâng cao kỹ năng ngoại ngữ và tin học rất cần thiết để người làm PR chuyên nghiệp đảm trách tốt công việc.
Không giới hạn nơi làm việc
Hiện, có nhiều trường đại học đào tạo chính quy ngành PR như: Khoa Báo chí và Truyền thông của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông của Trường Đại học Dân lập Văn Lang, Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ngoài ra, các đơn vị này cũng tổ chức một số khóa học ngắn hạn về PR cho mọi đối tượng.
Thống kê tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho thấy mỗi năm số lượng sinh viên đăng ký học ngành này tăng khoảng 8,3%. TS Huỳnh Văn Thông, Trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông của trường, cho rằng người được đào tạo chuyên môn về PR không hề bị giới hạn công việc ở các công ty truyền thông, đơn vị marketing như nhiều người lầm tưởng.
“Nếu hiểu đúng về PR, không nhầm lẫn PR với quảng cáo, quảng bá thì các tổ chức, đơn vị, trong đó có cả các cơ quan Chính phủ, cũng sẽ cần những người đảm trách công tác PR cho đơn vị mình. Nhiều sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành báo in - xuất bản - quan hệ công chúng của trường đã làm việc và thành công trong lĩnh vực này” - TS Huỳnh Văn Thông cho biết.
Sáng tạo, có ý tưởng mới độc đáo Chuyên gia Trần Hữu Đức cho rằng: “Muốn làm PR giỏi, bạn trẻ cần có tính sáng tạo để đưa ra những ý tưởng mới và độc đáo; có khát vọng vượt qua thử thách, tốc độ giải quyết công việc nhanh; hành vi cư xử thể hiện tính thân thiện trong quá trình truyền thông; trung thực và chân thành trong công việc. Tất cả điều đó sẽ giúp chiến lược PR của bạn được giới truyền thông ủng hộ, người tiêu dùng tin tưởng”. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)