Nghề 'cưỡng bức cảm xúc'

19/04/2015 14:41 GMT+7

(TNO) Huyền Lizzie ngồi trong một căn phòng kín mít, xung quanh toàn kính, trước mặt là ti vi, micro, một chiếc điều khiển và la liệt khăn giấy. Để lồng tiếng cho Linh (phim Tuổi thanh xuân) mấy chục giây đau đớn khi thấy mẹ nằm cấp cứu trong bệnh viện, gia đình phá sản, cô đã khóc trong… vài giờ đồng hồ.

(TNO) “Một căn phòng trống trơn, toàn kính, không ai khác, chỉ có chiếc màn hình trước mặt, anh cứ nói và không ai đáp lại. Anh phải khóc, phải cười, phải thét lên trong khi xung quanh không có ai cho anh bối cảnh", nghệ sĩ ưu tú Đỗ Kỷ chia sẻ về công việc lồng tiếng trong phim. Ông gọi đó là nghề "cưỡng bức cảm xúc".

bat-mi-nghe-long-tieng-trong phimBộ phận kỹ thuật Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam xử lý âm thanh trong khi ở phòng kế bên, diễn viên đang lồng tiếng - Ảnh: Trần Trung
Nhiều người nghĩ lồng tiếng trong phim đơn giản, tuy nhiên có những thực tế, nhiều diễn viên diễn xuất rất đạt trên màn ảnh nhưng không thể lồng tiếng cho chính mình. Hay những MC, người mẫu nổi tiếng, đứng nói rất hay trước hàng ngàn người, tuy nhiên lại "chạy… mất dép" khi ngồi trong phòng lồng tiếng chỉ vài chục phút.
Gian nan chọn người
Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Kỷ nhớ rất rõ những gian nan khi lựa chọn người lồng tiếng cho những bộ phim truyền hình như Bà nội không ăn pizza, Trái tim có nắng, Tuổi thanh xuân, casting người lồng tiếng với ông khó ngang với việc chọn diễn viên. Tìm được người lồng tiếng có những đặc điểm tương đồng với vai diễn, cùng lứa tuổi, nghề nghiệp, vốn sống thì mừng như bắt được vàng.
“Một căn phòng trống trơn, toàn kính, không ai khác, chỉ có chiếc màn hình trước mặt, anh cứ nói và không ai đáp lại. Anh phải khóc, phải cười, phải thét lên trong khi xung quanh không có ai cho anh bối cảnh. Ai chịu được hết áp lực đó, mới theo nghề lồng tiếng được”, nghệ sĩ ưu tú Đỗ Kỷ chia sẻ.
“Nhiều người có thể diễn xuất hay, biểu cảm tốt, ăn hình nhưng giọng nói lại phô hoặc nói giọng địa phương, và quan trọng nhất, họ không thể quen với việc bị “cưỡng bức cảm xúc”, vì thế phải cần người lồng tiếng riêng”, một đạo diễn phim truyền hình cho biết.
long-tieng-trong-phim-Tuoi-thanh-xuanHuyền Lizzie, người lồng tiếng vai Thùy Linh (Nhã Phương thủ vai) trong bộ phim đang được yêu thích Tuổi thanh xuân - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo đạo diễn này, lồng tiếng trước tiên là học thuộc lời thoại, nói khớp với tiết tấu của diễn viên, không thừa, không thiếu. Điều này sẽ đơn giản hơn với phim Việt Nam, nhưng các bộ phim hợp tác với nước ngoài, khi diễn viên nói tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, các đạo diễn phải mất thêm nhiều thời gian “gọt” câu thoại đã dịch ra tiếng Việt để khớp với khẩu hình của diễn viên. Trung bình, một tập phim Việt Nam lồng tiếng mất 2 ngày, nhưng với phim hợp tác nước ngoài thời gian này mất 4 ngày.
Nhiều người gọi nghề lồng tiếng là nghề 10 giây, mỗi lời thoại của nhân vật nói trung bình trong khoảng 10 giây. Có những người “khớp tiếng” cho nhân vật phụ, chỉ lên tiếng đúng… 10 giây rồi thôi.
long-tieng-trong-phim-Viet-Nam-buoc-nhay-xi-tin-tuoi-thanh-xuanDJ Minh Trí (phải) người lồng tiếng trong vai diễn của chính anh trong Bước nhảy xì tin và Junsu trong Tuổi thanh xuân - Ảnh: Nhân vật cung cấpbat-mi-nghe-long-tieng-trong-phimMC Danh Tùng, một người không xa lạ với nhiều chương trình truyền hình tuy nhiên anh thành thật chia sẻ, trong phim Bà nội không ăn pizza, anh không lồng tiếng cho nhân vật mình diễn xuất - Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Lồng tiếng cho đoạn khóc là ác mộng. Khi đi quay ngoài hiện trường đến phân đoạn khóc đã đòi hỏi diễn viên rất tập trung rồi nhưng không phải lần nào khóc cũng “ngọt” như nhau. Đằng này vào phòng lồng tiếng, nhìn nhân vật khóc trên tivi, mình phải khóc theo, không có bất kì một sự hỗ trợ nào từ những người xung quanh thì còn khó hơn gấp vạn lần”, hot girl Huyền Lizzie chia sẻ.
DJ Minh Trí, người lồng tiếng vai diễn của chính anh trong phim Bước nhảy xì tin và vai Junsu trong Trái tim có nắng kể về những gian khổ trong nghề: “Một mình đối diện với chiếc micro và màn hình tivi, tôi luôn căng người ra vì vừa phải lo nhép miệng cho khớp, vừa phải khóc cười sao cho đạt đến độ chín trong cảm xúc nhân vật”.
Chưa được đặt đúng vị trí
Không chỉ hoàn thiện tròn vai, nhiều người lồng tiếng đã khiến nhân vật của mình thành công gấp nhiều lần. Vai Chu Văn Quềnh trong Đất và người (Hán Văn Tình thủ vai) do nghệ sĩ ưu tú Trung Hiếu lồng tiếng là một ví dụ điển hình.
bat-mi-nghe-long-tieng-trong-phimTrung bình để lổng tiếng xong 1 bộ phim truyền hình Việt Nam, mất khoảng 2 ngày - Ảnh: Trần Trung
Nhìn vào sự phát triển của phim truyền hình Việt Nam trong những năm trở lại đây, người ta dễ có cảm giác những người lồng tiếng cho phim đang gặp thời. Tuy nhiên, trên thực tế, lồng tiếng chưa được xem là nghề chính thức, thậm chí không ít hãng phim mới ra đời vẫn coi đây là một trong những chuyện hậu kỳ mang tính “chữa cháy”, sửa sai cho việc thu tiếng trực tiếp ở hiện trường quay, nên được cấp ngân sách thấp nhất có thể.
Hiện tại, chưa có một cơ sở đào tạo nào cho công việc này, các diễn viên, đạo diễn tự học nhau, kiểu cha truyền - con nối. Lồng tiếng phim đến nay vẫn phụ thuộc rất nhiều vào đam mê và năng khiếu của chính diễn viên, còn chuyện thù lao nhiều khi vẫn chỉ là tiếng thở dài.
Một nghệ sĩ lồng tiếng nhiều bộ phim tên tuổi tâm sự: “Một bộ phim được nhiều giải thưởng, cho đạo diễn, diễn viên, kịch bản, âm nhạc, nhưng chưa có một giải thưởng nào cho người lồng tiếng cả. Nếu có một giải thưởng nào đó dành cho các diễn viên lồng tiếng, vinh danh các tiền bối trong nghề, chắc chắn chúng tôi sẽ ấm lòng hơn”.
Họ - diễn viên, nghệ sĩ lồng tiếng, những người lặng thầm đằng sau những thành công của những bộ phim. Đến với nghề, dù biết phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà họ giảm đam mê. Nhiều người phải lăn lộn nhiều công việc ngoài đời, nhưng khi vào đến phòng thu, được khóc, cười, sống cùng nhân vật lại như được sống thêm nhiều cuộc đời khác. Ấy cũng là một hạnh phúc trong đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.