Dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện, kỳ nghỉ Tết bỗng trở nên dài hơn khi lệnh giãn cách xã hội công bố. Bắt buộc phải tạm thời đóng cửa, các trường học đặc biệt là khối ngoài công lập đối mặt với những thách thức lớn khi vừa phải thắt lưng buộc bụng để vận hành, vừa phải oằn mình thích ứng với tình hình mới.
Học sinh không đi học, giáo viên cũng phải ở nhà. Nguồn thu nhập bị cắt giảm hoặc thậm chí mất việc, họ phải tìm mọi cách để thích nghi với nghịch cảnh.
Nghỉ dịch nhưng không hề nghỉ ngơi
Đối với phần lớn giáo viên, đây lại là thời điểm họ vừa bận rộn, vừa thấp thỏm lo âu. Khi nhà trường triển khai các hoạt động giảng dạy online, họ vẫn phải bận rộn với nhiều hoạt động giáo dục từ soạn giáo án mới, tổ chức lớp học online đến tư vấn cho phụ huynh, học sinh về kế hoạch học tập và phòng dịch.
“Ngày thường giảng dạy ở trường giờ hành chính, tối bài vở xong vẫn rảnh rang đôi ba tiếng để nghỉ ngơi. Từ ngày dạy online, mình cứ ôm cái máy tính từ sáng sớm đến tối muộn, ban ngày thì dạy online, ban đêm lại soạn giáo án mới, chấm bài và lên kế hoạch giảng dạy sau dịch” - thầy Nam, giáo viên một trường quốc tế tại TP.HCM trải lòng.
Giảng dạy online và những bất tiện giờ mới kể
Cũng giống như học sinh, các thầy cô cũng phải học tập để thích nghi với hình thức giảng dạy mới trong thời điểm dịch bệnh. Để có một giờ dạy online suôn sẻ, một số giáo viên có khi phải mất gấp ba, gấp bốn lần thời gian cho việc chuẩn bị. Những nhà giáo tuổi đã trung niên có thể sẽ cần hơn thế nữa để thích ứng với việc soạn giáo án online, sử dụng thành thạo các phần mềm mới.
Giảng dạy tại nhà cũng phải đối mặt với những giới hạn nhất định về không gian, thiết bị, chất lượng mạng internet và đôi khi là cả những bất tiện dở khóc dở cười cho cả gia đình và hàng xóm xung quanh. Một số trường đã chủ động sẽ tổ chức các buổi đào tạo và hỗ trợ trang thiết bị cho giáo viên nhưng nhìn chung việc giảng dạy ở nhà vẫn vấp phải nhiều vấn đề bất cập.
Sáng lên giảng đường, chiều làm thêm việc
Các trường học gồng mình cũng chỉ có thể chi trả một phần thu nhập, nhiều giáo viên bị cắt giảm bớt lương hoặc thậm chí mất việc khi trường tuyên bố phá sản. Để trang trải cuộc sống, họ phải làm song song nhiều công việc khác ngoài giờ hành chính để có thêm thu nhập. Những ngày này, những bài đăng mở lớp, gia sư online trải dài trên mạng xã hội.
|
Ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, áp lực chi tiêu đè nặng. Đối với nhiều người, tiền lương hàng tháng chỉ vừa đủ cho chi phí ăn ở, sinh hoạt và thuê nhà. Thu nhập không có, họ đành phải “cất phấn bảng” đi làm Shipper, bán hàng online và nhiều nghề tay trái khác. Giữa thời điểm tâm dịch, thậm chí những công việc làm thêm như vậy cũng trở nên “xa xỉ” đối với những giáo viên ngoại quốc khi họ không thạo ngôn ngữ.
“Mùa dịch ai cũng khó khăn, nhà trường vẫn cố gắng trả cho tôi một phần thu nhập cho phần giảng dạy online, nhưng chỉ sau một thời gian cách ly thì khoản tiền ấy cũng dần cạn kiệt. Ở cũng khó mà về nước cũng không được, nỗi lo lớn nhất của tôi giai đoạn này là lương thực cho tuần tiếp theo” - thầy Kevin, giáo viên ngoại ngữ tại một trường cấp 2 tại TP.HCM chia sẻ.
Áp lực và những thấp thỏm lo âu về tương lai
Cuộc chiến chống dịch đang có thêm nhiều dấu hiệu tích cực nhưng không vì vậy mà những áp lực vơi bớt với những thầy đồ.
Miệt mài dạy online sớm tối, họ vẫn lo âu cho những lớp học sinh chuẩn bị thi chuyển cấp, nỗ lực cải thiện phương pháp để các em theo kịp chương trình. Và cả những áp lực nặng nề đè nặng trên đôi vai khi những khó khăn, vất vả mùa dịch không phải ai cũng hiểu. Họ vẫn “lên lớp” mỗi ngày trong sự thấp thỏm về tương lai, lo lắng về ngôi trường của mình liệu có phải đóng cửa khi không thể gồng được nữa. Đối với những giáo viên phải mất việc, họ cũng đang mòn mỏi chờ đợi những “dòng tin tuyển dụng mới” để có thể tiếp tục theo nghề.
Tất cả đều đang chờ đợi một ngày những cánh cổng trường được mở lại để học sinh và thầy cô giáo đều được đến trường. Và để có thể tiếp tục bước trên giảng đường, những nhà giáo cũng cần lắm sự hỗ trợ và thấu hiểu từ nhà trường, phụ huynh và nhà nước để có thể tiếp tục theo đuổi đam mê.
Bình luận (0)