Nghe kể chuyện, đọc sách, trẻ có tư duy tốt hơn

01/09/2012 03:15 GMT+7

Đọc sách và kể chuyện cho trẻ nhỏ là cách giúp các em phát triển trí não và tư duy sáng tạo.

Nhà trị liệu Hà Thị Kim Yến - nguyên Trưởng khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Hiện nay, một số cha mẹ nghĩ rằng việc cho trẻ xem phim thiếu nhi hoặc chuyện cổ tích là cách tốt nhất giúp con mình phát triển tư duy. Đây là suy nghĩ hết sức sai lầm. Các trẻ được cha mẹ kể chuyện hoặc đọc sách cho nghe sẽ có tư duy tốt hơn, bởi các em phải thường xuyên động não và tưởng tượng theo trình tự câu chuyện”.

Để dẫn chứng, bà Hà Thị Kim Yến đưa ra ví dụ từ chuyện kể Cô bé quàng khăn đỏ. Bà Yến nói: “Cha mẹ có thể cho con xem phim này. Sau đó, cha mẹ thử hỏi những điều liên quan đến câu chuyện. Chắc chắn câu trả lời đạt của bé là rất ít. Nhưng nếu cha mẹ kể chuyện này bằng giọng lên bổng xuống trầm, lồng ghép vào đó cảm xúc… đảm bảo, chỉ qua một lần, trẻ sẽ nắm được cơ bản câu chuyện. Và trước các câu hỏi: cô bé thích quàng khăn màu gì, mẹ dặn dò cô bé ra sao, cô bé đi đường thẳng hay vòng, chó sói giả giọng thế nào… các bé sẽ trả lời rành mạch”.

Theo bà Lê Thị Lệ Vân - Hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi 3, Q.5, TP.HCM, trẻ nhỏ - nhất là trẻ trong độ tuổi mầm non (3-5 tuổi) đang trong quá trình phát triển ngôn ngữ và thích khám phá thế giới xung quanh nên việc kể chuyện hoặc đọc sách để bé cảm nhận, suy luận và diễn đạt lại là điều hết sức cần thiết.

Ngoài những câu chuyện cổ sẵn có, cha mẹ cũng có thể lồng ghép vào những câu chuyện tự sáng tác, nhằm răn dạy con, như không xả rác nơi công cộng, lễ phép với người lớn, lòng hiếu đạo… “Thông thường cha mẹ nên nêu ra đoạn đầu câu chuyện, sau đó cho con những suy nghĩ hướng tiếp theo và tham gia tranh luận. Cuối cùng cha mẹ mới kể phần kết và cắt nghĩa cho trẻ nghe việc nào đúng nên làm, việc nào sai cần tránh”, bà Lê Thị Lệ Vân nói.

Nhà trị liệu Kim Yến cho rằng, cha mẹ nên diễn đạt câu chuyện bằng cách dùng nhiều từ tượng hình về màu sắc, cảnh quan, con vật… để trẻ cảm nhận và hình dung.

Thời gian đọc sách hoặc kể chuyện tốt nhất là trước khi đi ngủ vì trong giai đoạn này, bé rất chú tâm và tiếp thu tốt. Sau câu chuyện nên đặt ra hàng loạt các câu hỏi liên quan, thúc đẩy tư duy về cảm nhận riêng của bé. Cha mẹ nên cố gắng đọc truyền cảm, chú ý tới ngữ điệu và đọc rõ ràng (giúp con không nói ngọng), hài hước để trẻ tiếp thu câu chuyện nhẹ nhàng.

Minh Luân

>> Đọc sách như thế nào cho hiệu quả ?
>> Đọc sách miễn phí giữa công viên
>> Đọc sách cùng con
>> Ngày đọc sách
>> Đọc sách cho ngày mai
>> Thiết bị đọc sách “xanh”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.