Đi tìm thứ mình thích, làm được điều mình muốn
Đến bây giờ, nếu vẫn tiếp tục theo học, Trần Duy đã là sinh viên năm tư của Trường ĐH Nghệ thuật Huế nhưng có lẽ vì cái duyên với nghề điêu khắc mộc đến nên Duy đành bỏ dỡ việc học . 18 tuổi, tạm khép lại cánh cửa ở trường đại học vì cảm thấy “không hợp”, Duy trở về nhà, bắt đầu học lại những kỹ thuật cơ bản để trở thành nghệ nhân như những người anh, người chú trong làng (Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam).
Trong hơn 3 năm qua, từ một người mới học nghề, Duy sắp trở thành nghệ nhân thực thụ, với những sáng tác riêng, mang dấu ấn cá nhân. “Đến bây giờ em vẫn thấy quyết định nghỉ học lúc đó là đúng vì nó tiết kiệm rất nhiều thời gian cho bản thân. Em có thời gian để học những kỹ năng mới như điêu khắc và cũng có thời gian để làm những việc mình thích nữa, chẳng hạn đi du lịch bụi một mình ở nước ngoài”.
Điêu khắc gỗ chia làm nhiều mảng như phù điêu (tranh gỗ), tượng và chân dung. Muốn tạo nên một tác phẩm phù điêu tinh sảo đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề cao, sự tinh tế, tỉ mỉ trong từng chi tiết. Người mới bắt đầu như Duy cách đây 3 năm phải bắt đầu làm quen với phù điêu, sau đó mới chuyển sang điêu khắc tượng, rồi khắc chân dung. Mỗi người chọn cho mình một loại hình thể hiện, tùy theo khiếu thẩm mỹ, sự khéo léo, mà mỗi tác phẩm sẽ mang theo dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ biến gỗ thành tác phẩm nghệ thuật.
Dẫu thế, trong điêu khắc, người ta thường đánh giá cao độ khó của tranh chân dung nhất. Bởi tranh đòi hỏi sự cảm thụ, chất riêng của người nghệ sĩ thổi hồn vào trong tranh.
Ban đầu Duy chỉ bắt đầu với những hoa văn cơ bản, khắc những mẫu hoa trái đồng quê và ... chuyện để dao cắt vào tay là bình thường. Nhiều lần luyện tập, đến nay Duy đã có thể tạc nên những bức ảnh chân dung khổ lớn, những bức phù điêu tỉ mỉ, sắc nét uyển chuyển không ngờ. Để làm một bức tranh gỗ, Duy bắt đầu bằng việc vẽ phát thảo mẫu trên giấy. Sau khi đã có được 1 bản vẽ thiết kế hoàn chỉnh thì mình bắt đầu vẽ trực tiếp lên gỗ và tiến hành công đoạn phá dáng gỗ, tạo mảng, phân chia khối chìm khối nổi. Khi bố cục các khổi đã đâu vào đó, sẽ tiến hành đi vào chi tiết, làm kỹ từng phần như hoa lá cỏ cây…. Muốn các chi tiết hoa lá được giống như thật, Duy đi tham khảo trực tiếp ngoài thực tế. Duy cho biết phải lội qua vườn hàng xóm để xem trái bầu trái mướp như thế nào, vân lá làm sao cho giống nhất. Sau khi hoàn thành phần chạm khắc trên gỗ, tranh sẽ chuyển qua phần nguội. Dùng giấy nhám để chà mịn gỗ và tiến hành phun PU bóng để làm nổi rõ các chi tiết, tăng thêm tính thẩm mỹ cho tác phẩm.
Nhiều người cho rằng, dẫu làm tranh gỗ, có người thưởng thức, bán được tác phẩm nhưng vẫn chỉ là thợ, không hợp với người trẻ. Tuy nhiên, với Duy, thì ngược lại. “Em nghĩ, người nghệ nhân phải dùng rất nhiều chất xám để tạo nên một tác phẩm đẹp, rất đáng được ngưỡng mộ vì họ biến một khối gỗ thường thành nghệ thuật nên đáng trân trọng. Việc em bỏ đại học, cũng không phải mọi thứ đóng lại, em chỉ đi tìm thứ mình thích, được làm điều mình muốn là hạnh phúc rồi”.
Thỏa sức sáng tạo
Hầu như bây giờ, mỗi ngày Duy dành thời gian quanh quẩn ở nhà và xưởng sản xuất. Vừa phụ công việc quay video, marketing cho sản phẩm tại nhà đồng thời, kết hợp học điêu khắc. Không còn tập chạm những mẫu tranh có sẵn mà Duy tự tìm mẫu, thiết kế những mẫu riêng cho mình, tự do thỏa sức sáng tạo với nghệ thuật điêu khắc truyền thống.
Mới đây, Trần Duy vừa giới thiệu bức tranh gỗ với chủ đề Nhân gian hoa nở, tác phẩm Duy dùng 500 giờ để vẽ và chạm khắc trên gỗ hương đá. Bức tranh chạm trỗ chị Hằng đang ở cung quế, nhìn xuống nhân gian thấy hoa nở bốn phương. Khi hoàn thành, Duy rất vui và "xuất khẩu" thêm một đoạn thơ nói về tác phẩm của mình:
"Nhân gian hoa nở thắm tình,
Trời cao vời vợi, đêm dài ngóng ai?
Một nhành sen trắng ngang mây
Trăng trôi không giữ, xa bay nghìn trùng."
Thời gian tới, Duy cố gắng chạm khắc những tác phẩm mang linh thần Việt Nam, văn hóa Việt cũng như những hình tượng trong chuyện cổ tích. “Các chủ đề quen thuộc để tranh khắc gỗ gần gũi với người dân, cũng là cách Duy bảo tồn loại hình nghệ thuật tổ truyền”.
Bình luận (0)