Cách đây không lâu, tôi có dịp ngồi cà phê với một ông trước là Cục trưởng một cục hải quan địa phương, nay đã chuyển công tác khác. Hỏi ông: Sao công việc đó tốt thế, ông lại chuyển ngành? Ông không trả lời vào câu hỏi nhưng cũng thừa nhận, làm nghề hải quan, nhất là ở vị trí của ông, thu nhập rất tốt.
Sáng sớm đầu tiên sau ngày được bổ nhiệm, ông đã được tặng một cọc tiền 50 triệu đồng
|
“Nói thật với cậu, cái nghề này nó lạ lắm. Ngay cả khi không làm gì sai, doanh nghiệp vẫn cho tiền như một luật bất thành văn”, ông nói.
Ông kể, hồi ông mới được bổ nhiệm làm cục trưởng hải quan, ngay sáng sớm đầu tiên, khi đánh răng, rửa mặt xong, cậu thư ký đã gửi một cọc tiền 50 triệu đồng, chỉ nói đơn giản là “phần của anh”, dạng như tiền tiêu vặt, lộc thường xuyên vài ngày lại có của người làm sếp một cơ quan mà đương nhiên ông được hưởng.
Công việc sau đó của ông gần như được cấp dưới chuẩn bị hết: một buổi nói chuyện với các doanh nghiệp địa phương, các doanh nghiệp ở các nơi khác có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên qua các cửa khẩu mà cục của ông phụ trách… như là lễ ra mắt. Sau lần đó còn có những cuộc tiếp xúc riêng và lần nào phong bì cũng dày.
“Rất nhiều doanh nghiệp không làm sai gì đâu, nhưng hàng chục năm nay, nó như một thông lệ, muốn việc thông quan hàng được nhanh chóng, dễ dàng thì hầu như doanh nghiệp nào cũng có chút quà cho hải quan”, ông nói.
Đây cũng không phải là điều lần đầu tôi được nghe. Cho nên, hôm rồi, thông tin về việc bắt một cán bộ đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ép doanh nghiệp chung chi để được thông quan, tôi không cảm thấy quá bất ngờ.
Theo thông tin đã đưa thì khi bị bắt, cán bộ hải quan Nguyễn Tường Duy vẫn đang cầm hàng chục phong bì với tổng số tiền bên trong gần 1 tỉ đồng, là các khoản tiền có doanh nghiệp buộc phải chung chi, có doanh nghiệp chủ động đưa hằng tháng… và chỉ trong thời gian 5 ngày.
Vụ việc này khiến tôi càng thấy điều mà ông cựu Cục trưởng địa phương nọ đã từng nói với tôi là đúng. Với những người bằng lòng thực hiện đúng chức trách, không phải làm khó dễ cho doanh nghiệp thì họ vẫn luôn có phong bì, phong bao… Nhưng với không ít người, khi ở vào vị trí đó, tiền biết như thế nào là đủ? Khi có lòng tham, hoặc họ có nhu cầu có nhiều tiền hơn nữa để lên các chức vụ cao hơn thì các khoản tiền biếu, tặng không điều kiện của doanh nghiệp không còn đủ nữa. Và sẽ có nhiều doanh nghiệp sẽ bị hành, bị làm khó… để buộc phải chung chi với những khoản tiền lớn hơn như với ông cán bộ hải quan TP.HCM vừa bị bắt.
Hai năm nay, Chính phủ liên tục ban hành nghị quyết cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục thuế, hải quan, điện… Theo đánh giá, tổng hợp của Bộ Kế hoạch – Đầu tư thì ngành hải quan cũng đã làm được nhiều việc như đã thay thế 128 thủ tục bất hợp lý, bãi bỏ 84 thủ tục không cần thiết, 100% quy trình cơ bản tự động hóa và đa số các doanh nghiệp, qua khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp, đều hài lòng với chuyển biến của ngành hải quan. Tuy nhiên, tôi tin rằng có nhiều hoạt động cải cách của ngành hải quan vẫn chưa đụng đến những vấn đề cơ bản nhất nên thực tế, vẫn có không ít nơi, doanh nghiệp vẫn phản ánh phải có “phí bôi trơn”, phong bì, phong bao… cho dù họ không hề làm trái trong hoạt động xuất, nhập khẩu.
Cho dù các quy trình, công nghệ của ngành ngày càng hiện đại, thuận tiện, nhưng xử lý qui trình đó vẫn là những con người và nếu những con người đó vẫn giữ bản chất tham lam, cố tình muốn gây khó khăn, bắt ép doanh nghiệp chung chi như ông cán bộ hải quan Nguyễn Tường Duy mới bị bắt thì không có quy trình nào là hoàn thiện cả. Nhất là khi những cán bộ, nhân viên hải quan đó lại có “ô che”, hàng trăm cuộc thanh tra của trung ương, của thành phố không phát hiện được… thì những cuộc cải cách của ngành hải quan, thực chất vẫn nằm trên giấy. Và cam kết “100 % cán bộ ngành không tham nhũng” mà Tổng cục Hải quan mới đưa ra cũng chỉ là hô hào suông thôi.
Bình luận (0)