Cứ nghe cô bé Phương Mỹ Chi cất giọng: “Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam. Ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời...” là coi như không riêng gì dân Cà Mau, cứ gọi là nôn nao chỉ muốn xách va li lên mà đi.
Cà Mau có cái chợ ngã năm
tin liên quan
Nghi vấn CSGT 'chạm tay vào má' khiến nam thanh niên chảy máu môiBạn bè khi biết Cà Mau là quê hương thứ hai của tôi cứ hay hỏi về xứ đó có gì hay ho để ngắm? Lần nào tôi cũng ngẩn người ra mà nghĩ, chẳng lẽ trả lời là Cà Mau có cái chợ Ngã Năm - trung tâm của cái thành phố nơi cuối đất, chứ không phải là mấy cái khách sạn bốn năm sao rực rỡ, nhưng không ăn nhập gì với hệ thống đường sá vẫn chưa bề thế, đường hoàng như vốn có của một đô thị.
Mà tự nhiên nghe tới cái chợ Ngã Năm, tôi lại hình dung ra từng ngõ ngách, từng hàng sạp. Miền Tây lại đang vào mùa mưa, mùa đem lại cho bất cứ cái chợ nào một phong vị hết sức đặc biệt.
Về xứ Cà Mau tháng này, thấy những con kinh nứt nẻ khô hạn nay đã có nước. Cây trái, rau củ, tôm cá bắt đầu ê hề. Mùa rau đồng với năng, bộp, chớn, choại... đố xứ nào có. Tôm đất, cá nâu, cá chốt bụng căng trứng, cá ngát sông... thôi thì bát ngát. Đi chợ Cà Mau lúc nào cũng thích. Từ đầu chợ Nhà lồng đến cuối chợ Nhà lồng cứ nhao nhao: Mua đi chế, lựa đi chế, lâu lắm chế hổng dzìa hen... Nghe chữ chế (chị) là tự nhiên thấy mình đã về tới nhà dù mới bước chân tới cái chợ Nhà lồng nơi cuối đất.
Mới cách đây mấy bữa, có dịp ngồi với một người bạn làm trong ngành du lịch, quê Rạch Giá. Bạn nói: "Bữa hổm, tui về xứ Cà Mau của bà, sáng ra tui đi vô chợ, mần một tô bún nước lèo, một dĩa bánh tằm bì có chan nước cốt, thêm một dĩa chuối nếp vắt, với một ly cà phê sữa đá. Đã đời. Tui nhớ, hồi nẳm xứ tui còn cái chợ Nhà lồng. Sáng nào tui cũng xề vô chợ Nhà lồng, ăn đủ thứ bún, bánh, nước ngọt, ngồi nói dóc với mấy bà bạn hàng là đứt cả tiếng đồng hồ, xong vô mần việc. Giờ cái chợ Nhà lồng bị đập, tiếc hết biết. Xứ của bà còn cái chợ Nhà lồng là quý lắm đa".
Không phải chỉ người bạn của tôi mà bất cứ ai có gốc gác miền Tây, thấm được cái hồn vía miền Tây thì cũng nghĩ y thinh. Mà thiệt tình, đang đi chợ Nhà lồng Cà Mau cứ tiếc hùi hụi cái chợ Nhà lồng Rạch Giá bị đập bỏ. Rồi ngay như cái chợ Nhà lồng Cần Thơ, sau khi tân trang, cho ông Tây vô mở nhà hàng, cho mấy ông du lịch, thương mại vô mở mấy sạp như đồ hàng mã thì có mấy ai vô đó để đi tìm hồn vía cái chợ. Cà Mau chân chất mà thiệt là thương. Cứ cái gì hồn cốt thì cứ để nguyên y thinh cho họ đừng đụng tới. Cái chợ Nhà lồng là một, trường học xưa là hai, đình chùa miếu mạo thì khỏi nói. Đừng có đụng tới. Dùm ơn!
Xứ của phố nhỏ, hàng quán quen
tin liên quan
Cô gái Sài Gòn thay đổi cuộc đời sau 8 năm không thể ăn uốngLà dân xứ Cà Mau, cứ một hai tháng đã quẩy ba lô về thăm xứ. Vậy mà lần nào cũng vậy, tụi nhỏ nhà tôi lại chộn rộn. Tụi nó ghi chú trên điện thoại một lô các món ăn phải “xử” trong thời gian này.
Lướt qua thấy thèm quá đỗi: Bún nước lèo Huỳnh Long, Bánh lọt ngã năm, Bánh tằm cà ri gà phường 4, Bánh khọt Hồ Thị Kỷ, Sâm bổ lượng Bán công, Đá đậu Bến đò Rạch Rập, Chả lụa Hương Nam, Bánh bò xốp nước cốt dừa ngã năm, Bánh bông lan góc chợ, Lẩu mắm Út ù, Bánh xèo Dì Cả, Bánh canh cua Má má...
Phải là dân Cà Mau chánh hiệu, hoặc giả là... dâu rể Cà Mau mới hiểu hết phong vị của từng món ăn vừa nêu và mới hình dung ra những góc phố thân quen nơi có những hàng quán một thuở. Riêng tôi, mỗi một quán xá vừa lướt qua, lại gợi nhớ vô vàn kỷ niệm xưa. Còn nhớ cái nơi mần việc đầu tiên nằm trên đường Nguyễn Hữu Lễ, gần ngay cái ngã năm có món bánh lọt gà bá chấy. Nhưng hồi đó, ai cũng nghèo hết trơn, lâu lâu có nhuận bút thì mới se sua bánh lọt gà. Còn thường niên, thì hủ tiếu bà Chín muôn năm. Bà Chín này cũng vén khéo ghê lắm, một tô hủ tiếu bèo nhưng vẫn đảm bảo có 3 lát thịt, 1 lát gan, 1 cục xương. Có điều phải phụ chú: lát thịt nó mỏng tang như tờ giấy cuốn thuốc lá, còn cục xương heo mỏng mảnh còn hơn cái tăm tre (!). Lâu lâu, bà Chín khỏe trong người, bán hết gánh hủ tiếu bả xoay ngang làm chuối nếp vắt nướng, chan nước cốt dừa bán cho vui. Trời ơi, tôi thấy hổng có ai bán chuối nếp vắt ngon cho bằng bà Chín.
Thời gian trôi qua như cái chớp mắt. Con đường Nguyễn Hữu Lễ vẫn nhỏ xíu như xưa. Nơi làm việc xưa cũ giờ đã đổi chủ. Bà Chín không biết còn hay mất. Thật may, quán cà phê năm xưa vẫn còn, khiến cho tôi có một chút nắm níu để nhớ chuyện xưa. Thành thử đi đâu, ăn gì cũng có một nơi chốn để mình cồn cào nhớ. Vậy nên, chuyện ăn, đâu chỉ là chuyện ăn phải không! Và rồi, chỉ khi đói bụng, con người ta mới hay gào lên - Trời ơi sao nhớ quê… quá chừng!
Có một chuyện rất thú vị, dân Cà Mau không nói đi Sài Gòn mà nói là đi Thành phố. Bốn chục năm trước họ quen nói như vậy, nay xứ của họ đã lên đời thành phố từ lâu, họ vẫn gọi Sài Gòn là Thành phố!
Thành phố Cà Mau nhỏ xíu. Lấy chợ Ngã Năm làm tâm điểm, chạy chừng mươi cây số, hướng này thì về rừng U Minh, hướng kia về Thới Bình, hướng nọ đi Cái Nước, hướng nữa đi Sông Đốc, rẽ qua nữa về xứ Bác Ba Phi. Cũng như cái sân bay Cà Mau bao đời nay vẫn bé tí như một cái ga xép. Mỗi ngày một chuyến ATR-72 lên xuống TP.HCM, chủ yếu mở ra cho các chuyên gia khí điện đạm Cà Mau. Dân Cà Mau có việc đi Thành phố vẫn thích đi xe giường nằm. Họ nói, lên xe coi mãn 2 tuồng cải lương là tới nơi, gấp gáp làm cái gì. Và đôi khi thấy vậy là hạnh phúc! |
Bình luận (0)