Là con nhà nòi, nghệ sĩ Chí Linh (tên thật là Huỳnh Trung Đức) là em trai của nghệ sĩ Tài Lương, Tài Linh. Còn nghệ sĩ Vân Hà (tên thật Nguyễn Thị Hà) là con gái soạn giả Vân An. Họ cùng học chung khóa đào tạo diễn viên của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, cùng ra trường và được điều động về đoàn cải lương xung kích Trần Hữu Trang. Quen nhau và nên duyên vợ chồng nhờ cải lương, hơn 30 năm qua, dẫu có nhiều thăng trầm với nghề, hai vợ chồng Chí Linh - Vân Hà vẫn động viên nhau tiếp tục phấn đấu.
Bên cạnh hoạt động trên sân khấu cải lương, hai vợ chồng còn tham gia nhiều show ca nhạc để chăm lo cho hai cô con gái sinh đôi Phương Linh, Phương Oanh đang du học tại Mỹ. Cặp đôi vừa tham gia biểu diễn trong show Tình của ca sĩ Nguyễn Khắc Huy vào tối 27.3.
Sự nghiệp cải lương không thể nào để cho mất được
* Anh, chị có thể cho biết tình hình sân khấu Chí Linh - Vân Hà hiện tại hoạt động như thế nào?
- Vợ chồng nghệ sĩ Chí Linh - Vân Hà: Dự định ban đầu khi thành lập sân khấu, Chí Linh - Vân Hà cũng ước muốn mỗi tháng mình ra được một hoặc hai kịch bản. Về mặt tinh thần thì chúng tôi gồm có hai vợ chồng Chí Linh - Vân Hà, tác giả Bảo Kiến, chủ nhiệm có đạo diễn Trần Hào. Tất cả mọi anh em đều quyết chí xây dựng một sân khấu hoàn chỉnh, chỉn chu về mặt kịch bản, nên hi sinh thời gian đi show bên ngoài để tập trung làm nghệ thuật trên sân khấu. Về vấn đề kinh phí thì sân khấu chỉ chi tiêu tiện tặn thôi. Doanh thu thì được bao nhiêu anh em nghệ sĩ sẵn sàng chia sẻ với nhau nên cũng không ảnh hưởng gì nhiều.
|
* Tình hình sân khấu hiện nay đang rất khó khăn, vậy tại sao anh chị vẫn quyết định tiếp tục duy trì hoạt động?
- Chúng tôi đi theo nghề từ năm 17, 18 tuổi cho đến bây giờ. Sự nghiệp của cải lương không thể nào mình để cho mất được. Trên tinh thần đó cộng thêm những lời dạy quý báu của thầy cô thì bằng mọi giá, mọi cách mình phải lưu giữ được một sân khấu cải lương cổ truyền. Chính vì vậy Chí Linh - Vân Hà mới quy tụ các anh em yêu nghề để về và làm nên một sân khấu hoàn chỉnh. Chúng tôi từ trường lớp mà ra, học tập được những kinh nghiệm của thầy cô hồi xưa nên đây là nơi mình truyền đạt lại cho thế hệ trẻ.
* Cải lương hiện nay đang trong thời kỳ thoái trào, người trẻ cũng không còn nhiều đam mê mãnh liệt với nghề nữa, vậy anh chị đã làm gì để động viên tinh thần cho các bạn trẻ?
- Đúng là nói về tình hình sân khấu cải lương hiện nay đang trên đà thoái trào. Những người theo nghề như chúng tôi vẫn có quyết tâm, dù làm được hay không hay làm được bao nhiêu thì vẫn hết sức cố gắng. Bên cạnh đó mình phải đầu tư trí tuệ, tư duy nhiều hơn nữa. Chúng tôi còn mê nghề lắm nên mới muốn tạo dựng ra sân khấu để giữ nghề, dù nhiều khó khăn nhưng nếu muốn giữ thì khó khăn mấy cũng sẽ cố vượt qua.
May mắn là các em coi sân khấu của chúng tôi như là một lớp học. Mặc dù hát được một vài suất nhưng đã phải tập rất nhiều, phải tập chỉn chu thì chúng tôi mới cho ra diễn. Tôi bẻ từng động tác, từng đôi tay để làm sao cho các em từ vai diễn này rút kinh nghiệm để làm vai khác mới hơn nên mỗi vai diễn các em đều có trải nghiệm, vẫn đam mê tới tận bây giờ.
Cải lương đi xuống cũng là lỗi do mình
|
- Trong bước đường làm nghệ thuật, gần như chông gai sỏi đá nhiều chứ không phải chỉ trải thảm đỏ để đi. Vậy nên có những lúc vấp ngã, mình cũng nản rồi bỏ nghề. Có lúc tôi bỏ nghề để về làm thợ may, có lúc bỏ nghề về làm thợ bạc. Nhưng rồi tiếng nói con tim không cho phép mình đi lâu mà phải trở về với sân khấu. Tôi có động lực duy nhất là má tôi. Những lúc đó má khuyên tôi “Thôi con cứ hát lại đi, nếu không ai, con hát thì có má coi, cứ nghĩ con hát cho má coi là được rồi”. Chính vì vậy tôi mới quyết định trở lại, khi trở lại với sân khấu thì mình chuyên tâm vô nó hơn, bồi đắp nhiều kinh nghiệm hơn để bây giờ có đầy đủ năng lực để mà truyền đạt lại cho các em.
* Cả một cuộc đời gắn bó với cải lương, nhưng hiện tại tình hình cải lương đang đi xuống như vậy có khiến anh chị chạnh lòng không?
- Đôi lúc suy nghĩ mình sẽ thấy buồn chứ, nhưng cũng phải suy nghĩ lại cái khách quan và chủ quan. Mình làm sao mà lại để cải lương đi xuống, đó là sự đau đáu phải đánh dấu hỏi và tìm lý do. Chúng tôi tìm hết lý do này đến lý do khác để mình cải thiện nó, đó cũng là một nỗ lực để làm sao mình té ngã rồi mình đứng lên. Đến khi đứng lên rồi phải mạnh mẽ để đạt được sự công nhận, chẳng qua đó cũng là cơ hội để mình suy nghĩ lại mình. Chúng tôi tự thấy rằng muốn giữ khán giả thì phải tập nhiều, tuồng tích phải chỉn chu, kịch bản phải tốt. Chúng tôi mong nhà nước sẽ chú ý hơn về những bộ môn nghệ thuật cổ truyền. Có như thế thì mình mới giữ được cải lương, còn nếu không có sự chung tay và góp sức từ nhà nước thì đó cũng chỉ là một bài toán tạm thời chứ không thể giải đáp được.
|
- Có chứ, không thể tránh khỏi được những lúc bất đồng ý kiến. Nhưng sau những tranh cãi chúng tôi đều phải đúc kết ra cái nào đúng, ai đúng thì mình phải theo người đó. Trong cuộc sống vợ chồng cũng vậy, suy nghĩ của mỗi người khác nhau dù có chung chí hướng, nếu có hơi lệch chút xíu thì sẽ xảy ra tranh luận. Nhưng khi hai vợ chồng cùng đứng trên sân khấu, trau dồi vai diễn dễ dàng hơn, tham khảo được lẫn nhau thuận lợi hơn. Cùng làm nghệ thuật mình sẽ biết và thông cảm, chia sẻ với nhau. Hai vợ chồng chúng tôi cùng đi chung trường ra, gắn bó với nhau tới lúc cưới là gần 10 năm, rồi cưới nhau được 32 năm, cho tới bây giờ là 42 năm rồi. Cũng từng có một lần chia tay do môi trường bên ngoài tác động, chúng tôi giận nhau cả tháng nhưng chắc nợ còn rồi cũng về với nhau.
|
Con cái phải là số một
* Được biết anh chị có hai cô con gái sinh đôi đang du học bên Mỹ, tại sao mình không để con theo nghề mà đi một hướng khác là thiết kế mỹ thuật?
- Chúng tôi rất tôn trọng quyết định và sở thích của hai cháu. Các cháu có năng khiếu vẽ bẩm sinh từ nhỏ, đến khi sau này chúng nói thích đi ngành thiết kế đồ họa thì chúng tôi ủng hộ. Hai đứa cũng rất thích coi các vở diễn của chúng tôi, nhưng coi ở tâm thế khán giả rất khó tính. Chúng thường đưa ra những ý tưởng, bình luận rất chuẩn và đầu óc như một đạo diễn. Nhưng chắc có lẽ không chung nghiệp nên không đi theo đường của cha mẹ.
* Nuôi cả hai con cùng đi du học ở Mỹ, chắc anh chị sẽ rất vất vả?
- Khi con dự định đi du học thì mình phải có sự hi sinh, chúng tôi cứ nghĩ đầu tư cho giáo dục thì không “lỗ”. Chúng tôi có chiếc xe hơi thì phải bán đi cho con, có cái nhà lớn thì mình cũng bán đi để mua cái nhà nhỏ thôi, tiền để cho con đi học trọn quãng đường. Nhờ ơn trên cũng thương, Tổ nghiệp cũng cho lộc trong nghề hát, rồi cho chúng tôi những khoảng thời gian “làm chơi ăn thật”, mua đất để ở nhưng có lời và tích lũy dành cho con. Ai cũng biết du học tốn nhiều tiền lắm, một đứa con là một cái nhà mà cả hai đứa cùng đi. Hiện tại hai đứa cũng đã học xong rồi nên cũng đỡ cho chúng tôi phần nào. Năm nay chúng đang thực tập rồi sau đó sẽ đi tìm việc ở đâu đó. Thật sự ra bây giờ các con cũng chưa muốn lấy chồng và đang phải làm việc ở một nước khác. Chúng cũng đang tìm hiểu những nước Đông Nam Á hoặc Việt Nam, ở đâu cảm thấy thích hợp thì làm việc chứ chúng tôi cũng không ép buộc phải về đây.
|
* Anh chị có thể chia sẻ bí quyết gì để mình thể giữ gìn được hạnh phúc gia đình đến hiện tại bây giờ?
- Những lúc tranh cãi, nếu một trong hai người lớn tiếng thì người còn lại sẽ im lặng, cơm sôi nhỏ lửa mà. Còn những cái quá đáng, bức xúc quá thì cũng không xảy ra nhiều, nhờ như vậy mới ở với nhau được. Trong cái nghề này, ai cũng có cái tôi rất lớn nhưng cuộc sống của mình thì con phải là số một. Khi mình tạo ra nó mình muốn cho nó được trọn vẹn, mỗi người phải hi sinh hết tất cả để cho con. Chúng tôi có những lúc giận lắm nhưng cuối cùng cũng không thể bỏ nhau được vì con phải vui, phải có đầy đủ cha mẹ. Đó cũng là suy nghĩ đơn giản thôi nhưng từ trong cái đơn giản đó phải đấu tranh tư tưởng dữ lắm mới làm được.
* Xin hỏi riêng chị Vân Hà, chị có bao giờ ghen không khi anh Chí Linh là một người vừa lãng tử lại rất tài năng, chắc chắn sẽ có nhiều khán giả ái mộ?
- Phụ nữ mà, ai mà không ghen. Nhưng rất may là anh ấy có điểm dừng, anh không phải thuộc loại ong bướm nên cũng không làm gì có lỗi với vợ con.
Nếu có đi làm hay đi hát thì hai vợ chồng cùng đi, còn thời gian rảnh thì vợ chồng cùng đi chợ nấu cơm và ăn cơm gia đình với nhau. Hôm nào bận quá không có thời gian mới phải ăn ở ngoài chứ ảnh thích bữa cơm gia đình vì thích ăn gì tôi cũng sẽ đáp ứng món đó, ảnh nói không đâu ngon bằng cơm nhà. Chắc nhờ như vậy nên 42 năm rồi cũng không thể đi đâu được, đi đâu rồi cũng muốn về nhà thôi. Những lúc giận nhau cũng vậy, có lúc giận hai ba ngày không ai ngó tới ai, nhưng công việc cả hai cùng đi chung, làm chung thì cũng phải đối đáp, gắn bó với nhau nên cũng khó để giận lâu. Mái ấm hiện tại khiến chúng tôi cảm thấy hạnh phúc lắm. Chúng tôi hài lòng nhưng vẫn muốn cùng phấn đấu, mong sao Tổ phù hộ để có sức khỏe mà hát hoài, có chết trên sân khấu cũng là niềm vui sướng của chúng tôi.
* Xin cảm ơn anh chị về những chia sẻ và chúc anh chị thành công trong cuộc sống!
Bình luận (0)