Đình Toàn sinh năm 1976. Anh vào đội múa rối Nụ Cười của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn lúc mới 13 tuổi. Sau đó anh thi đậu vào Trường ĐH Du lịch và Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng một lúc. Nhưng vì gia đình có người theo ngành du lịch nên Đình Toàn cũng theo, bỏ luôn học bổng của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn. Tốt nghiệp ngành du lịch năm 2001, anh về làm trưởng phòng cho một công ty.
Trong thời gian này, Đình Toàn vẫn không đứt mối dây với sân khấu. Năm 1998 anh tham gia nhiều vai quần chúng cho IDECAF, năm 2000 nghệ sĩ Thành Lộc lập nhóm Líu Lo ở HTV, Đình Toàn tham gia và phụ trách nhân vật chú hề Lí Lắc, được biết bao khán giả ái mộ.
Nhưng "định mệnh" đã một lần nữa chọn lựa, kéo hẳn Đình Toàn về phía nghệ thuật…
Xin hỏi, phải chi anh cứ theo nghệ thuật từ đầu cho đỡ mất thời gian. Anh không nhận ra khả năng bẩm sinh của mình hay sao?
Trời ơi, nếu nhận ra được thì tôi đâu có phải con nít! Hồi đó còn ngơ ngác lắm, nên mình chạy lung tung. Nói thiệt, hồi vô đội múa rối Nụ Cười, tôi cũng không nghĩ mình làm diễn viên đâu, chỉ là lấy điểm sinh hoạt để cộng vô học bạ, ngành giáo dục quy định như vậy, học sinh phải có điểm ngoại khóa thì mới cho tốt nghiệp. Rồi sau đó đóng vai quần chúng để có chút tiền mà xài, vì nhà tôi nghèo, mẹ tôi buôn bán tảo tần nuôi anh chị em chúng tôi.
Thật ra, năm 1994 tôi cũng có nộp đơn thi vô Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM chung với anh Vũ Minh, nhưng tôi khăng khăng chọn khoa đạo diễn. Thầy Trần Minh Ngọc nhìn tôi, rồi nói: "Người con bé tí thế này, nói ai nghe. Thôi, con học diễn viên đi". Tôi không chịu làm diễn viên, cứ nhất quyết muốn làm đạo diễn, thế là thi rớt. Sau đó mới thi hai trường kia, rồi đi làm du lịch. Cứ tưởng mình an lòng chọn con đường đó…
Vậy tại sao lại có "ngã rẽ" ngoạn mục như vậy, để bây giờ có một nghệ sĩ Đình Toàn chinh phục trái tim khán giả?
Tôi nhớ năm 2000 IDECAF dựng vở Ba người lính ngự lâm diễn tại Nhà hát TP.HCM, một sự kiện rất lớn thu hút khán giả, tôi được đóng vai quân lính chạy ra đánh kiếm một hồi. Hôm đó, tôi dẫn đoàn du lịch đi Tây Ninh cả ngày, về tới TP.HCM đã 7 giờ 15 tối, sân khấu chuẩn bị mở màn, tôi chạy trối chết tới nhà hát, không kịp ăn uống nghỉ ngơi gì hết. Diễn xong lớp đánh kiếm là tôi choáng váng, phải ngồi tựa vô bậc cầu thang mà thở. Tôi chợt nghĩ, không được rồi, mình phải chọn lựa một thứ thôi, hoặc du lịch hoặc sân khấu, và tôi đã chọn sân khấu.
Cũng năm đó, anh Thành Lộc lập nhóm Líu Lo, bên cạnh tôi là những "ngôi sao" sáng rực như anh Thành Lộc, Bạch Long, chị Thanh Thủy, Hoàng Trinh, tôi phải lao động gấp mấy lần mới theo kịp các anh chị. Nhóm Líu Lo lập tức nổi tiếng, tôi bắt đầu mê nghề diễn, và dành trọn đời mình cho điều tôi lựa chọn.
Và hơn 20 năm nay hầu như anh ổn định ở sân khấu duy nhất là IDECAF. Có phải là may mắn hay không, khi anh có cơ hội rơi vào một môi trường nghệ thuật rất tốt, nghiêm túc, đầu tư cao, chất lượng, lương bổng khá? Bởi cuộc đời có thể có những tài năng nhưng không đủ duyên lành được phát triển trong môi trường lao động tốt, thì họ cũng không thể phát huy như lòng họ ao ước...
Đúng, tôi cảm thấy mình may mắn. Tất nhiên, bản thân tôi cũng phải nỗ lực dữ dội để có thành quả, nhưng bên cạnh nỗ lực không thể phủ nhận yếu tố may mắn mà cuộc đời đã trao tặng mình. Vì vậy tôi luôn dùng hai chữ Biết Ơn. Thứ nhất, tôi biết ơn ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã chọn lựa tôi vào đội múa rối. Lúc đó có nhiều bạn học sinh như tôi đến "ra mắt" anh Tuấn, anh ấy nhìn một lượt… và "con mắt xanh" chỉ chọn được một số bạn thôi. Môi trường nghệ thuật đầu tiên đã dạy tôi không ít thứ. Ơn thứ hai là NSƯT Thành Lộc đã dẫn tôi vào nhóm Líu Lo, tạo điều kiện cho tôi mê nghề, dốc sức làm nghề. Và ơn thứ ba là thầy Trần Ngọc Giàu đã dạy tôi nghề đạo diễn.
Tôi cắt ngang chỗ này, năm 2010 tôi lại nộp đơn thi vào khoa diễn viên của Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, nhưng vì quá tuổi đành phải thi đạo diễn. Nghịch lý ghê chưa! Hồi nhỏ lẽ ra học diễn viên thì không chịu, cứ đòi học đạo diễn. Chừng già rồi lại quay ngược. Nhưng nhờ vậy tôi được thọ giáo thầy Giàu, một đạo diễn rất nhiều kinh nghiệm quý báu và hết lòng vì học trò. Thầy từng cho tôi dựng một cảnh trong vở cải lương Rồng Phượng. Tôi học chung khóa với Phi Nga, Đức Thịnh, Mr.Bin, Bùi Quốc Bảo, Thu Phương, Ngọc Hùng, Hoàng Hiệp… Thầy Giàu hay nói thầy rất vui vì 11 học trò trong lớp vẫn theo nghề cho tới nay.
Nhìn lại, sân khấu IDECAF là một môi trường chuyên nghiệp, tính kỷ luật rất cao, thậm chí cầu toàn nữa, và luôn mạnh dạn đầu tư cho tác phẩm, đạo diễn được làm nhiều thứ thỏa chí. Tất nhiên tôi đang nói trong hoàn cảnh hiện tại, trong những hạn chế mà sân khấu phải chịu, thì IDECAF đã xoay xở hết sức có thể, và đạt được điều không phải sân khấu nào cũng làm được.
Như anh đã nói, NSƯT Thành Lộc là người ơn của anh, thì sự rời đi của Thành Lộc có làm anh buồn?
Buồn lắm chứ. Nói gì thì nói, anh Thành Lộc đã tạo ra phong cách cho IDECAF và chúng tôi đi theo phong cách đó, được mọi người đánh giá tốt. Trên sàn diễn, tôi cũng học từ anh Lộc rất nhiều. Nghĩ tới cảnh sau này vắng anh, chúng tôi đều buồn. Tôi chỉ mong anh vẫn có mặt trong Ngày xửa ngày xưa để khán giả nhí vui lòng.
Nhưng mọi người cũng phải chuẩn bị tinh thần cho những cuộc hợp tan, cho lực lượng kế thừa. Nhiều người nói Đình Toàn có nhiều nét "giống" Thành Lộc, có thể là một trong những người "gánh vác" được sân khấu IDECAF. Ý tôi không nói Đình Toàn là "cái bóng" của Thành Lộc, mà chỉ muốn nói Đình Toàn nhạy bén, biến hóa, đa năng, kỹ lưỡng. Anh nghĩ sao về điều này?
Thật sự, dễ gì sân khấu có được một Thành Lộc thứ hai. Nhưng nếu tôi "giống" một nghệ sĩ giỏi như thế thì có gì phải xấu hổ? Thật ra, ban đầu tôi có bị ảnh hưởng, điều bình thường của nhiều diễn viên khi mới vào nghề, thường giống "thần tượng" của mình một cách vô thức. Vậy chứ mỗi ngày đều ngồi coi ổng diễn, làm sao không "nhập tâm". Nhưng khi trưởng thành dần, tôi mới tách ra, phát triển, trở thành "chính mình".
Có thể nói, ở IDECAF anh Thành Lộc đã tạo ra một thế hệ kế thừa, như tôi và Lê Khánh... Còn thế hệ của anh chị Đức Thịnh, Hoàng Trinh, Hương Giang... thì ở giữa, gần như cùng cỡ với anh Lộc. Nếu vắng anh Lộc, chúng tôi phải cùng nhau gánh vác chứ làm sao! Chúng tôi vẫn gắn bó với ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, vì anh tạo ra "ngôi nhà" cho chúng tôi hoạt động. Chuyện riêng tư của mỗi người tôi không can thiệp được, tôi chỉ biết nhìn về phía sân khấu, dành trọn tâm ý cho nó mà thôi.
Hình như anh cũng tìm được người bạn nghề ăn ý là Quang Thảo. Hai người hỗ trợ nhau như thế nào trong sự nghiệp?
Chúng tôi thường bàn bạc với nhau khi thực hiện vở mới. Quang Thảo viết kịch bản, tôi đạo diễn, thì phải ngồi trao đổi trước, để tính toán các chi tiết hợp lý, sau này khi dựng đỡ phải sửa chữa. Có được người bạn ăn ý thì mình may mắn vô cùng. Như vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Đại chiến nàng tiên cá chúng tôi phải viết đi viết lại kịch bản đến 3 lần, và lần cuối cùng Quang Thảo thức trắng 3 ngày 3 đêm viết liền một mạch để đem lên sàn tập. Đã làm thì hết lòng hết sức vậy đó. Nhưng cũng có lúc tranh luận tóe lửa. Cuối cùng chúng tôi giống nhau ở chỗ làm vở luôn lấy thông điệp yêu thương, gia đình làm điểm tựa.
Anh cũng có một gia đình hạnh phúc đúng không? Có lẽ gia đình cũng là cái nôi quan trọng cho tâm hồn người ta.
Đúng vậy. Mẹ tôi có 6 người con, và tôi đang sống với mẹ cùng một anh, một chị. Mẹ tôi thích gia đình đông đúc như vậy. Ngày nào mẹ cũng vắt cam pha mật ong để sẵn vô tủ lạnh cho tôi uống. Tôi thấy mình hạnh phúc khi có người thân bên cạnh. Tôi là người của gia đình, hết việc thì về nhà, cả nhà đi ăn, đi chơi, vậy là bình yên.
Anh có một điểm son rất đáng nhắc nhở, là dàn dựng vở Búp bê không biết khóc đoạt huy chương vàng Liên hoan sân khấu kịch ngành công an. Nhiều người nghĩ vở kịch rất dễ rơi vào khô khan, giáo điều, nhưng không ngờ nó lại mượt mà, cảm động, thậm chí có những đoạn dí dỏm đáng yêu, chinh phục khán giả miền Nam lẫn miền Bắc. Tại sao anh dám chọn một thử thách như thế?
Trong nghề sân khấu, đôi khi mình có cảm hứng kỳ lạ lắm. Và ê kíp chúng tôi đã thêm hoa lá cho vở diễn rất nhiều để nó mượt mà đi vào lòng người. Phong cách kịch miền Nam là vậy, không giáo điều, chỉ muốn làm người ta cảm động thôi, nhưng chính vì cảm động mà người ta làm theo. Nhớ kỷ niệm, nhà nước cho 150 triệu đồng bao gồm tất tần tật từ dàn dựng cho tới vé máy bay ra Bắc, khách sạn, ăn ở, cuối cùng về chia đều số dư, mỗi diễn viên chúng tôi được 800.000 đồng. Nhưng vui quá trời quá đất. Hồi mới ra, đoàn chúng tôi lèo tèo, tự dựng cảnh trí, vất vả lắm. Nhưng diễn xong, khán giả yêu thương đến bất ngờ, màn kéo lại mà mọi người vẫn không chịu về, các anh bảo vệ còn tới nắm tay và giúp dọn cảnh trí. Tôi nghĩ, đề tài nào cũng được, miễn mình làm cho hay thì vở sẽ thành công.
Đôi khi thấy anh rất mạo hiểm trong dàn dựng. Như vở Sinbad anh leo lưới suýt té ngã, mọi người đứng cả tim. Còn Anly và nữ thần băng giá thì anh và diễn viên phải đu bay, múa may trên không. Trong Chuyện thần tiên xứ Phù Tang, NSƯT Mỹ Duyên phải phóng ra chụp sợi dây cách đó 1 m. Vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai mới đây cũng thiết kế quá nhiều bậc thang cao nguy hiểm… Anh cũng "máu" lắm đó!
Ôi trời, sân khấu mình quá hạn chế cơ sở kỹ thuật, thì mình cũng ráng nghĩ chiêu cho nó hấp dẫn để bù đắp lại. Tôi cũng máu phiêu lưu mạo hiểm lắm. Tôi thường nằm mơ thấy mình chạy qua những cây cầu gãy, hoặc xông pha ở những địa điểm nguy hiểm để làm phóng sự truyền hình (có lúc định theo nghề phóng viên đó mà). May mắn, tôi có một ê kíp đồng nghiệp cũng "chịu chơi" như tôi, nên mình bày biện ra cái gì thì anh em làm được hết.
Anh tham gia rất nhiều game show trong vai trò đạo diễn và MC. Nghĩa là anh cũng bắt nhịp thị trường rất nhanh. Anh dấn thân vào thế giới showbiz cũng khá hào hứng?
Ồ, tôi chỉ nhận vai trò đạo diễn và MC vì đó là nghề của tôi. Và tôi chỉ chọn những chương trình nghiêm túc. Chứ tôi không tham gia "chơi game", dự sự kiện này nọ, hoặc tạo kênh YouTube… Bởi thật sự tôi không thích ồn ào, bon chen, hoặc gây scandal. Danh tiếng, tiền bạc bao nhiêu cho đủ. Ở ngoài kia phong vũ bất kỳ, tại sao mình không chọn sự bình yên. Tôi cũng không ôm đồm quá nhiều việc, chỉ vừa sức thôi. Làm cái nào thì phải làm cho thật tốt, đầy trách nhiệm. Hết việc thì về nhà. Đơn giản vậy.
Rốt cuộc, anh vừa có tính phiêu lưu lại vừa thích sự bình yên gia đình, có mâu thuẫn không?
Không. Phiêu lưu trong nghề để có nhiều sáng tạo, hấp dẫn, chứ không phiêu lưu trong đời thường. Đôi khi tôi còn thấy mình thuộc týp người "cũ" nữa. Đời thường tôi chỉ muốn giản dị, biết đủ là đủ, làm biếng quảng cáo bản thân, không ghét bỏ ai, thấy chơi không được thì lùi ra xa. Sống vậy rất khỏe đó chứ!
Bình luận (0)