>> Kỳ 8: Hồng Nga - tiếng cười và nước mắt
70 năm với vọng cổ
Đến nhà thăm ông, vừa bước lên cầu thang tôi đã nghe tiếng đờn ca vọng cổ từ lầu hai vọng xuống. Thì ra ông mở máy đĩa nghe lại những bài hát của mình. Ông mở vậy suốt ngày, nghe hoài không chán. Khi nào không nghe thì ông xem cải lương trên ti vi. Chán nữa thì ông lấy cây đàn tranh ra khảy mấy bài. Cây đàn tranh không treo trên vách, mà nằm luôn trên giường của ông, tiện tay lấy liền. Cây đàn ăn ngủ cùng ông trong căn phòng nhỏ xíu hơn chục mét vuông đã mấy mươi năm nay. Kể cả những băng đĩa, tập bản thảo vọng cổ và tuồng cải lương cũng chất luôn trong phòng, đặt ngay chân giường, thật gần cho ông dễ lấy. Ông ngồi trên chiếc ghế bé tẹo, dựa vào tường, mặt quay ra cái bàn cũng bé, là nơi vừa tiếp khách, vừa ăn cơm, uống thuốc. Hướng mắt về cái máy hát đĩa và chiếc ti vi LCD đời mới, ông khoe: “Hồ Ngọc Trinh vừa thu một album gần chục bài của tôi sáng tác, ngoài tiền nhuận bút còn biếu thêm cái ti vi làm kỷ niệm”. Chung quanh ông tạm gọi là đủ tiện nghi để an dưỡng tuổi già và đắm đuối cùng thế giới vọng cổ mà ông theo đuổi 70 năm trời.
Thế giới của NSƯT Viễn Châu gồm chiếc giường nhỏ, cây đàn và những bài vọng cổ ngân nga suốt ngày - Ảnh: H.K |
Ông nghe lại những bài của mình qua nhiều giọng ca của nhiều thế hệ nghệ sĩ, tẩm ngẩm phân tích chất giọng mỗi người. Có khi đó là kinh nghiệm để khi nghệ sĩ đặt hàng ông viết bài ca cho họ thì ông đo ni đóng giày phù hợp. Nghệ sĩ muốn ra album thường tìm đến ông nhờ viết bài mới, kết hợp với một số bài cũ, coi như ông mát tay đỡ đầu cho họ lấy hên. Nhất là nghệ sĩ trẻ, chưa ra album lần nào, càng tin cậy ông. Thành ra ông chưa bao giờ nghỉ ngơi. Ông còn làm đạo diễn cho Hồ Ngọc Trinh nữa. Ông nói: “Nghệ sĩ trẻ bây giờ chạy sô nhiều quá, không đầu tư công sức cho nghề. Tôi làm đạo diễn thì họ hơi nể, hạn chế bớt những kiểu làm nhanh, qua loa. Cô này tương đối khá, có tâm huyết, hy vọng sẽ đi dài lâu”.
Người khai phá “tân cổ giao duyên” NSƯT Viễn Châu quê Trà Vinh, mê cải lương vọng cổ, lên Sài Gòn lập nghiệp năm 18 tuổi, học đàn với các ban nhạc trứ danh, trở thành tay đàn nổi tiếng với nghệ danh Bảy Bá. Năm 1950 ông viết kịch bản đầu tiên cho NSND Năm Châu, bắt đầu sự nghiệp “vua vọng cổ” với hơn 2.000 bài vọng cổ và khoảng 70 kịch bản cải lương. Các tác phẩm xuất sắc là: Tình anh bán chiếu, Tần Quỳnh khóc bạn, Võ Đông Sơ, Lá trầu xanh, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Lan và Điệp, Hàn Mặc Tử, Đêm tàn bến Ngự, Hoa Mộc Lan, Tình mẫu tử, Hai nụ cười xuân, Ai điên ai tỉnh... và hàng loạt bài vọng cổ hài viết cho nghệ sĩ Văn Hường. Ông còn là người khai phá ra thể loại “tân cổ giao duyên” đưa vọng cổ phát triển một cách ngoạn mục. |
Độc hành
Nhưng thật ra ông vẫn độc hành trong thánh đường của mình, bởi bốn người con trai của ông không ai nối nghiệp đàn cổ của ông, mà đều theo ban tân nhạc, đi đàn cho các nhà hàng, các chương trình đại nhạc hội… Hỏi tại sao ông không dạy họ? Ông lắc đầu: “Dạy chỉ là kỹ thuật, còn tâm hồn và năng khiếu không có, không yêu thích, thì không nên theo. Tôi nghe tụi nó đàn, tôi bảo thôi đi. Thà nó theo tân nhạc”. Và con cái cũng ở xa ông bà, người ra nước ngoài, người ở tỉnh, chỉ duy nhất một cậu con út kề cận, nhưng nghe đâu cũng sắp xuất ngoại. Ông cũng không sống nhờ con, ông có tiền tác quyền lai rai xài hoài. Một dạo, cô con gái chu cấp cho cha đều đặn, mấy năm sau ông thương con, không lấy nữa. Ông nói: “Tôi được tổ nuôi mà, chẳng lo”.
Nhưng ông lại lo mấy thứ khác, lo đến tức cười. Ông nói: “5 giờ sáng tôi đã thức dậy, đi xuống quán cà phê, mua báo ngồi đọc. Đọc rồi cả đêm không ngủ được. Lo không khí này nhiễm phóng xạ. Lo thức ăn nhiễm thuốc tăng trọng, thuốc trừ sâu, hóa chất. Lo thế giới động đất, thiên tai, con cháu mình sau này sẽ sống ra sao...”. Tôi cười: “Trời, bác lo mấy chuyện đó chi, cũng đâu giải quyết được. Bệnh tim mà suy nghĩ nhiều quá làm sao khỏe hả bác”. Ông cũng cười: “Ờ, biết vậy mà lo hoài. Còn lo cải lương mai một, lo nghệ sĩ trẻ ngày càng yếu nghề, không chịu chăm chút”. “Thôi thôi, bác Bảy ơi, lá vàng cứ lo khóc lá xanh chi vậy bác”.
Hoàng Kim
Bình luận (0)