Nghệ sĩ sân khấu và nghề tay trái

21/06/2007 15:06 GMT+7

Nghệ sĩ thì phải sống dưới ánh đèn màu chứ! Không hẳn vậy. Có nhiều nghệ sĩ được trời ban cho một khả năng khác, kiếm ra tiền... khỏe re! Rốt cuộc, có khi làm sân khấu để mà vui, như một cuộc chơi nghệ thuật, ít đa đoan, lo lắng. Còn nghề tay trái lắm lúc biến thành nghề tay mặt...

Ai đi ngang đoạn đường Long Thành (Đồng Nai) mà không biết cái quán ăn Vợ Thằng Đậu nổi tiếng của nghệ sĩ Lê Vũ Cầu. Nổi tiếng vì ba lẽ: tên tuổi của chủ quán, tên quán là tên tiểu phẩm hài ăn khách một thời, và món gà vườn ngon hết ý. Hồi Lê Vũ Cầu mở quán, ai cũng nói anh... ham vui. Bởi mọi người quá rành cái gã đàn ông giang hồ lang bạt, nay ở nhà thuê, mai tậu chiếc xe ô tô có đủ bếp, giường ngủ, toa-lét, máy lạnh, rồi chui vô đó làm cuộc viễn du, thế thì bảo làm sao trở thành chủ quán quản lý được bao nhiêu nhân công, tiền bạc? Tiền trong túi gã, gã còn chưa biết chắc. Người yêu trong tay gã, gã còn chưa nắm chắc.


Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu - Ảnh: C.T.V
Thế thì làm ông chủ sao được hở trời! Ấy vậy mà gã thay đổi một cách bất ngờ. Tự nhiên gã mát tay nuôi gà, qua mấy mùa dịch mà không xi-nhê gì. Rồi mát tay chế biến món gà, đặc biệt gà nướng, chính gã phải vô bếp trổ tài chứ không thể giao cho đầu bếp nào ưng ý. Xong, cứ sáng sáng làm "phận sự" rồi muốn đi đâu thì đi. Mùa hè là mùa du lịch, người người đổ ra đường, thể nào cũng đi ngang quán Vợ Thằng Đậu, tha hồ cho "thằng Đậu" hốt bạc. Nhưng Lê Vũ Cầu tự dưng lại cắt ngang lợi nhuận đó để làm từ thiện, ngày nào cũng nấu cơm chay bố thí. Lạ thiệt, người ta cũng ào ào đến phụ giúp anh nấu nướng, rửa chén, lặt rau... Bây giờ Lê Vũ Cầu ít diễn vì giữ gìn sức khỏe, nhưng niềm vui quanh cái quán là quá đủ rồi!

Đạo diễn Thế Ngữ cũng tập tễnh làm ông chủ quán từ một năm nay, cũng lấy tên Vợ Thằng Đậu, ở ngay đường Võ Văn Tần. Chả là ngày xưa Thế Ngữ đạo diễn cho Hồng Vân với Lê Vũ Cầu ấy mà, nên bây giờ xài chung thương hiệu. "Ối giời ơi, làm rồi mới... hoảng! Mệt kinh khủng, hầu như đêm nào cũng thức đến 2 giờ sáng là bình thường". Thế Ngữ kêu trời như thế, bởi vì quán đông quá xá đông. Ban đầu chỉ tính kê 8 cái bàn thôi, ai ngờ khách rần rần kéo tới, phải kê 20 bàn, chả còn gì là cảnh đẹp, khỏi ngắm hoa ngắm kiểng gì nữa, cứ là xít vai nhau mà ngồi.

Có hôm khách kêu mãi không thấy dọn thức ăn ra, khách đói quá, chửi cho một trận: "Đúng là tệ như vợ thằng Đậu!". Đạo diễn bấy giờ không "đạo diễn" nổi cái quán nữa, đành xin lỗi khách chứ biết sao. Thế Ngữ cũng có biệt tài làm món gà nướng, nên cứ cắm cúi trong bếp chẳng dám giao cho ai. Hỏi còn cái nghề "buôn bán đất" trước kia đâu, Thế Ngữ cười hì hì: "Thì gặp hên thôi mà. Bây giờ vẫn mua miếng này bán miếng kia nếu thấy được giá". Nói vậy chứ vừa nghe cú điện thoại đã nhảy tót lên xe chạy như bay, khoe rằng đang "nghía" một miếng có suối chảy thơ mộng lắm.


Nghệ sĩ Trung Dân - Ảnh: C.T.V

Cây cười Trung Dân thì đang nhảy vô nghề nuôi yến, không dễ nuốt chút nào. Bao nhiêu là kỹ thuật, kinh nghiệm, lơ mơ phá sản như chơi. Nhưng không hiểu sao Trung Dân và vợ cứ làm chơi mà ăn thật. Anh nói: "Hổng phải duy tâm nghen, nhưng tui nghĩ chắc do phước đức từ hồi tui lặn lội làm chương trình Ngôi nhà mơ ước cho bà con nghèo. Đi tận vùng sâu vùng xa để khảo sát, rất cực khổ, có khi bị kẻ xấu mắng chửi, hăm dọa nữa, thù lao lại chẳng bao nhiêu, thậm chí có khi còn bỏ tiền ra thêm vì thấy bà con nghèo quá. Hồi đó vợ tui phải gánh vác hết gia đình cho tui yên tâm làm "công quả".

Bây giờ trời thương, đền bù lại, chứ nói thiệt người ta kinh nghiệm bằng trời mà còn bị lỗ, tụi tôi lơ ngơ thấy mồ mà vẫn có ăn". Trung Dân định phát triển sản xuất xuống tận Bến Tre, Gò Công, là những nơi có bờ biển, phù hợp với đời sống của chim yến.

Cẩm Tiên là cô đào đẹp nổi tiếng của cải lương, cả chục năm nay sống nhờ sản xuất nước tinh khiết. Với uy tín sân khấu, cô dễ tiếp cận khách hàng hơn, vì có rất nhiều fan ái mộ. Nhưng thực tế vẫn phải làm ăn đàng hoàng, nếu không khách sẽ ghét luôn vai diễn của cô, coi chừng mất cả chì lẫn chài. May sao Cẩm Tiên vốn là người chịu thương chịu khó, tánh tình trầm tĩnh, nên công việc trôi chảy. Ấy vậy mà cô vẫn đi sô đều đều ở các tỉnh, thường hát chung với Trọng Hữu, mới đây lại về diễn trong liveshow của Thanh Sang, vai Trưng Trắc.


Nghệ sĩ Bảo Châu - Ảnh: C.T.V
Bảo Châu cũng gây bất ngờ với... ông chồng, khi trổ tài quản lý kinh doanh giúp "ổng". Cô nàng vốn là con cưng của ba má, lớn lên đi học sân khấu cũng gặp toàn may mắn, ra trường lại đóng vai chính, vai đẹp liên tục. Thế nên, khi Châu lấy chồng, ông xã của Châu cứ đinh ninh "công chúa" sẽ chẳng biết làm gì. Ai ngờ, "công chúa" sanh con xong, chưa đi diễn, rảnh rảnh vô công ty phụ chồng coi sóc công nhân, riết rồi trở thành tay hòm chìa khóa lúc nào không hay. Kinh doanh với những con số khô khan, nhức đầu, vậy mà Bảo Châu làm gọn hơ, khác hẳn một cô nàng mơ mộng, lãng mạn trên sàn diễn.

Thanh Điền là "ông quan huyện" chẳng những mê Thị Hến mà còn mê luôn nghề nhiếp ảnh có Thị Hến ngồi một bên trang điểm cho khách. Hai vợ chồng lập nghiệp từ hồi nghèo khó, dám đi vay mượn để mở một studio khá xịn, coi như một trong số ít studio hiếm hoi lúc ấy. Nhờ vậy khách ùn ùn kéo tới, hai vợ chồng phất lên nhanh chóng, mua được nhà mới. Rồi mở thêm một studio cho đứa con trai ra riêng. "Quan huyện" mát tay chụp ảnh, vừa cho khán giả, vừa cho nghệ sĩ.


Thanh Điền - Thanh Kim Huệ chụp trong studio của nhà mình - Ảnh: T.Đ
Bây giờ vẫn còn cửa tiệm hoành tráng ở đường 3 Tháng 2, nhưng "quan huyện" lại đi đóng kịch, đóng phim liên tục. Thanh Điền cười: "Thì khách đến cứ gọi điện thoại, tôi sắp xếp thời gian chạy về chụp, lo gì. Toàn người quen thôi mà".

Có một nhân vật đứng khiêm tốn phía sau hậu trường nhưng cái nghề tay trái thì lại rất giỏi. Đó là diễn viên Phước Lộc, trước cộng tác với Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM, sau qua sân khấu IDECAF. Phước Lộc chỉ đóng những vai rất phụ, nhưng anh "máu nghề" dữ lắm. Ra khỏi sàn diễn anh lại là vai chính chuyên may âu phục cho quý ông, rất khéo. Hơn chục năm yêu sân khấu mê mệt, nhưng phải sống nhờ cái bàn máy may, để lấy tiền đêm đêm được trở về với ánh đèn màu. Phước Lộc cười: "Có sao đâu! Tôi tự nhủ mình còn may mắn là có nghề tay trái để tồn tại. Nghề may tỉ mỉ, kiên nhẫn, chắc nhờ vậy mà giúp tôi chịu đựng được những nỗi buồn sau cánh màn nhung".

Chỉ sợ quên nghề diễn...

Giống như nghề tay phải, nghề tay trái cũng đem lại cho nghệ sĩ lắm niềm vui nỗi buồn. Và họ cũng có những cảm xúc, cảm nghĩ khác nhau khi trải qua thời gian sống với nghề tay trái.


Ảnh: C.T.V

* NSƯT Kim Xuân: "Thời bao cấp tôi cũng từng ra ngồi ngoài chợ bán sạp quần áo. Tủi thân lắm chứ. Nghĩ mình ăn học biết bao nhiêu mà nghề diễn không nuôi nổi thân, phải lây lất cơm hàng cháo chợ. Nhưng sau này, khi đã vượt qua rồi, nhìn lại, mới cảm ơn cuộc sống cho mình một nghề tay trái coi như một kinh nghiệm thực tế, một vốn sống để mình đem vô vai diễn. Chẳng có gì là vô ích cả, cái gì cũng có thể trở thành bài học nếu mình muốn học. Nghề tay trái cũng giống như một dạng vai khác đem giao cho mình vậy mà, thử coi mình có khả năng làm được hay không. Làm được, càng thấy vui hơn vì biết mình đa năng".


Ảnh: C.T.V

* Nghệ sĩ Hữu Châu: "Hồi đó tôi chưa có sân khấu để diễn, phải ra ngoài vỉa hè bán thuốc lá lẻ, bán báo. Buồn thôi, chứ không có gì xấu hổ, vì mình làm ăn lương thiện mà, mình đâu có cướp giựt, lừa đảo, bậy bạ. Bây giờ các nghệ sĩ làm nghề tay trái không phải vì nghèo như tụi tôi ngày xưa, mà vì có khả năng phong phú nên thử "làm giàu", càng mừng cho giới nghệ sĩ. Chỉ sợ mê nghề rồi quên diễn thì uổng phí.

Bởi nghề tay trái như con dao hai lưỡi, có khi nó nuôi mình đầy đủ thì mình theo nghệ thuật thoải mái hơn, nghiêm túc hơn, không phải làm ẩu để kiếm tiền. Ngược lại, có khi nó làm mình chán nghề vì thấy cát-sê sao ít quá so với tiền lãi kinh doanh. Nói vậy chứ cái nghiệp đã theo khó bỏ lắm, làm gì rồi cũng quay lại sân khấu thôi".


Ảnh: H.Kim

* Đạo diễn Minh Nguyệt: "Tôi có nghề xây dựng nhà cửa, xây xong một cái nhà, bán đi, lãi rất nhiều. Ấy vậy mà cái nợ sân khấu cứ thúc giục. Gom góp tiền bao nhiêu năm để trút vô vở diễn đây nè. Nhớ nhung chịu không nổi. Khi thiếu tiền thì bươn chải, nhưng giấc mộng sân khấu vẫn không nguôi ám ảnh, khi đó tiền lại là "vô nghĩa" nếu không "đổi" được những vở diễn thật đẹp, làm cho thỏa chí.

Suy cho cùng, con người ta sống vì cái gì? Vì những ước mơ đẹp nhất đời mình, nó giúp người ta vượt qua những nỗi nhọc nhằn, đau khổ. Vậy thì nghề tay trái cũng chỉ là phương tiện để nuôi nghề tay mặt, nuôi những ước mơ tuyệt đẹp đó. Thật sự thì nghề tay trái cũng "nguy hiểm" lắm, nó cuốn người ta đi trong cơn lốc tính toan, mê mẩn. Cho nên gần chục năm tôi vẫn chưa quay về với sân khấu. Vì vậy lần này quay về là quyết tâm, mới xin giấy phép thành lập công ty giải trí, như vậy mới có sự ràng buộc để mình chịu làm nghề, nếu không lại cuốn theo xây dựng nữa cho coi".

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.