Nghệ sĩ sau ánh hào quang: Người mắc nợ cải lương

17/05/2009 22:41 GMT+7

Khi NSND Huỳnh Nga xuất hiện ở 5B (Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM), mọi người reo lên mừng rỡ. Bởi năm ngoái ông bị tai biến mạch não, may mà hồi phục được. Và bây giờ ông đã có thể đi lại không cần gậy. Nét mặt của con người gần 80 tuổi này vẫn chúm chím một nụ cười bí ẩn... Mời nghe đọc bài

“Bí ẩn” là cách diễn tả chính xác, bởi chẳng rõ ông có cười hay không nhưng miệng ông vẫn thường mỉm mỉm dưới bộ râu bạc khá đẹp. Mái tóc đã thưa đi nhưng vẫn quăn một cách điệu nghệ. Ông hút thuốc thần sầu, cứ vừa xong điếu này là liền tay điếu khác. Ông hay ngồi nhả khói, mắt nhìn xa xăm như không hề để ý tới người bên cạnh, việc bên cạnh. Nhưng chỉ cần ông bất ngờ buông một câu, thế là cả bàn ôm bụng cười. Cái dí dỏm của ông vui không biết đâu mà lường, nhưng cái thâm thúy, châm biếm của ông cũng đố ai đỡ kịp. Điều đó đã làm nên một Huỳnh Nga thẳng thắn, cương trực. Chính nhờ chất hài hước mà những lời nói thẳng của ông nhẹ nhàng đi, bớt gây sốc, khiến người ta dễ tiếp thu. Ông rất giống chân dung ông già Nam Bộ trong thơ của Nguyễn Duy.

Nhiệt tình Nam Bộ

Ông chính cống là người Nam Bộ, ở huyện Mộc Hóa, Long An. 13, 14 tuổi ông đã làm liên lạc cho cách mạng. 15 tuổi vô Ban Tuyên truyền khu 8. Lúc thành lập Đoàn ca kịch khu 8, dựng vở Đồng xanh máu đỏ, thiếu một vai con nít chừng mười mấy tuổi, bèn cho Huỳnh Nga vô đóng. Thế là 16 tuổi, Huỳnh Nga tình cờ trở thành diễn viên, bắt đầu con đường sân khấu...

 Tôi ủng hộ tất cả những thử nghiệm, nhưng hình như chúng ta chưa tìm ra được cái hay, cái độc đáo cho cải lương. Mọi thứ vẫn cứ na ná nhau, hoặc kết hợp mà không ăn rơ, thành ra khán giả chưa mặn mà.

NSND Huỳnh Nga

Nhưng con đường ấy không hề nhẹ nhàng suôn sẻ mà đầy khó khăn, thử thách, có lúc tưởng chừng phải bỏ ngang. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, tham gia Đoàn kịch Nam Bộ, được học những khóa ngắn ngày do các thầy từ Trung Quốc, Liên Xô sang tập huấn. Từ “tay ngang”, ông được “nâng cấp” theo kiểu ấy chứ chưa hề theo trường lớp chính quy nào.

Đùng một cái, năm 1968, ông được gửi đi thực tập ở Romania 4 năm về công tác đạo diễn. Ông ngẩn người, nhớ lại: “Trời đất ơi, cứ tưởng họ bắt đầu dạy mình nghề đạo diễn, ai ngờ họ dạy chương trình sau đại học, tương đương với thạc sĩ, tiến sĩ. Họ tưởng mình đã có đại học rồi mới được gửi qua. Mà nói thiệt, cầm cái tờ chương trình của họ, tôi xây xẩm hết mặt mày. Thế là tôi với anh bạn cùng đi thì thầm tính chuyện xách va li về nước. Đang lúc rối bời thì một ông trong Ban giám hiệu mời lên hỏi chuyện. Tôi thú thiệt luôn, rằng đất nước tôi đang chiến tranh làm gì có trường đào tạo, có bằng cấp, mấy ông cho tôi về đi. Một năm phải làm 3 đề tài và một luận văn, tôi theo không kịp. Ông ta cười thông cảm, rồi đề nghị lên trên cho tụi tôi mỗi năm chỉ làm 1 đề tài và 1 luận văn thôi. Vậy là tôi bơi theo, vừa học cái mới, vừa tự học những kiến thức người ta đã học rồi”.

 
NSND Huỳnh Nga - Ảnh: H.Kim

Cái kiểu thiệt tình Nam Bộ đó sau này lại giúp ông, bởi thêm một lần ông bị thử thách trong nghề sân khấu. Sau khi học ở Romania, ông về nước làm phó đoàn chỉ đạo nghệ thuật cho Đoàn kịch Hà Nội, rồi phụ trách đào tạo khóa diễn viên trung cấp sân khấu Hà Nội, với những học trò đã thành danh hiện nay như Minh Vượng, Hoàng Dũng, Minh Trang... Nói chung, ông làm tất cả những gì liên quan tới kịch nói, nhưng không hề đụng đến cải lương.

Gánh cỏ sông Hàn

Năm 1975, trở về Sài Gòn, ông công tác ở Sở VHTT TP.HCM, và được phân công chỉ trong vòng 5 ngày phải “chuốt” cho xong vở Gánh cỏ sông Hàn của đoàn Hương Mùa Thu. Và dưới trướng của ông là ai? Là Minh Phụng, Hoài Thanh, Ngọc Hương... lừng lẫy của đất Sài Gòn, của toàn miền Nam. Giữa ông và họ chưa biết ai đẳng cấp hơn ai.

Một lần nữa ông nhún mình thú thiệt: “Tôi nghe cây đờn vọng cổ vừa rao lên là ruột đã rối beng. Một chữ người ta có thể nhấn thành mấy chữ chứ không cố định như tân nhạc. Lại còn trình thức, vũ đạo... Tối về tôi nằm gác tay lên trán suy nghĩ, đất này là đất cải lương, còn kịch chỉ có đoàn Kim Cương một năm dựng được mấy vở, nếu mình không chuyển kịp thì mình sẽ chết già nơi đây. Đừng nên tự ái, dốt thì cứ nhận dốt cho người ta dạy. Nhất quyết phải học cải lương từ A-B-C mới được”.

Thế là ông kết hợp lý thuyết sân khấu chính quy của mình với kinh nghiệm thực tế của nghệ sĩ, để cho ra một Gánh cỏ sông Hàn rất tuyệt, diễn mười mấy năm mà khán giả vẫn cứ say mê như mới. Và từ đó cho tới năm 1990, đêm nào ông cũng tới không rạp này thì rạp nọ để xem tất cả các đoàn cải lương diễn, coi như đi học nghề. Những lúc nhạc công nghỉ giải lao, ông mon men tới nhờ họ đàn cho nghe những bài bản cần học, hoặc nghe họ phân tích về nhịp, hơi, tính chất, công dụng...

15 năm, ông như con kiến tha dần từng chút kiến thức bồi đắp trái tim đam mê của mình. Và ông giống ông già Nam Bộ Sơn Nam ở chỗ không đi cả xe đạp lẫn Honda, nên ông chịu nghèo bỏ tiền đi xe lam, đi xích lô tới các rạp. Học phí quả là không rẻ. Ông nói: “Bây giờ tôi ngồi làm giám khảo cuộc thi này cuộc thi nọ, phán một câu không bậy bạ, không bị người ta chửi, là nhờ nỗ lực đó. Đời tôi không có gì dễ dàng, nhưng cái gì đã quyết thì tôi phải theo tới cùng”.

Chưa dứt nợ

Người ta gần như quên hẳn ông xuất thân là dân kịch, chỉ nhớ một Huỳnh Nga cải lương với những vở rất hay ông dàn dựng như Tìm lại cuộc đời, Đời cô Lựu, Khách sạn hào hoa, Tấm Cám... Từ một kẻ ngoại đạo, ông trở thành cây đại thụ trong làng cải lương, và cũng vì vậy mà đôi mắt ông thường trĩu nặng khi nghe nhắc về một tương lai cải lương chưa biết ra sao.

Ông trầm ngâm: “Nói ra thì mất lòng bạn bè, em cháu. Tôi ủng hộ tất cả những thử nghiệm, nhưng hình như chúng ta chưa tìm ra được cái hay, cái độc đáo cho cải lương. Mọi thứ vẫn cứ na ná nhau, hoặc kết hợp mà không ăn rơ, thành ra khán giả chưa mặn mà”. Biết làm sao được. Ông đã tròn vai của mình trong giai đoạn qua, còn chuyện mai sau thì để người mai sau gánh vác, ông còn nặng lòng chi nữa? Ông lắc đầu: “Chỉ tại mình lỡ vướng vào”.

Thành ra mỗi ngày vẫn thấy ông lò dò ra căn-tin rạp Hưng Đạo. Ông ngồi, lặng lẽ thả khói thuốc, còn bên ông vẫn là những bạn bè một thuở, vẫn còn nặng nợ cải lương như ông...

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.