Bức hình avatar của chị gợi nhớ câu hát quen thuộc trong Im lặng đêm Hà Nội”: Chỉ còn mênh mông gương hồ, hiu hắt soi những cây bàng lá đỏ”. Một kỷ niệm riêng có giữa hai bố con chăng?

Vì mình thấy nó gần với tâm trạng của mình và của ông ở thời điểm đó. Ấy là khoảng những ngày cuối đời của ông, chừng 1-2 tuần trước khi ông mất. Cả mình và bố đều thầm biết rằng bố sẽ đi, và lần này thì không còn cách nào có thể ngăn cản được nữa…

Chị từng nói, chị đã trót lơ đãng trước âm nhạc của bố, cho tới khi ông mất. Có phải vì chị từng giận ông không?

Không, không hề. Có thể là mình may mắn khi bố mẹ mình… ly hôn sớm, lúc mình mới 1 tuổi, nên mình chưa kịp hiểu ở cùng bố thì sẽ thế nào, mình không có khái niệm ấy. Nhưng bằng cách nào đó, bố vẫn luôn hiện diện trong cuộc đời mình, tính cách của mình, và trong những gì bố để lại…

Mình đã lớn lên trong sự chăm sóc bọc lót không thể tận tụy hơn của mẹ và quen với việc không có bố trong nhà. Thay vào đó sẽ là mỗi cuối tuần, được bố qua đón đi chơi. Bố mẹ mình chia tay năm 1976, nhưng tận tới năm 1985, bố mới chuyển hẳn vào Sài Gòn, 4 năm sau đó thì mình mới khăn gói sang Nga học đàn ở tuổi 14. Ít ra thì trong suốt gần 10 năm đầu đời của tuổi hoa niên, mình cũng đã có được bố với vô số những ngày cuối tuần như vậy.

Nhạc sĩ Phú Quang và con gái - Nghệ sỹ piano Trinh Hương.

Cây đàn piano đầu tiên mình có chính là bố đã cất công mang từ Sài Gòn ra cho mình, lúc Sài Gòn vừa giải phóng và mình thì còn chưa chào đời. Thời đó thấy bảo mua đàn đắt hơn cả mua nhà, nhưng bố mẹ đã quyết tâm mua bằng được cho mình cây đàn đó để 7 năm sau đó mình có thể học đàn. Bố mẹ mình từng đều rất tin vào hạnh phúc, khi trong nhà có thêm một cây đàn, và một cô con gái.

Mình thì không hận bố, điều này có lẽ trước hết cần cảm ơn mẹ. Dù mình biết mẹ từng có chút hận bố (và cũng phải mãi sau này mình mới biết), nhưng suốt những năm tháng đó, mẹ đã luôn chỉ nói với mình rằng, bố mẹ chia tay chỉ vì không hợp nhau, không nên tiếp tục sống cùng nhau, chứ không ai có lỗi cả. Mẹ chưa bao giờ kể xấu bố. Và mẹ đã không đi bước nữa chỉ vì sợ ảnh hưởng tới mình, dù mẹ từng là một nữ diễn viên ballet xinh đẹp, tài năng, chuyên diễn solist, có không ít người theo đuổi…

Mới thôi… mà đã một đời” – Đêm nhạc tưởng nhớ một năm Ngày mất của Nhạc sĩ Phú Quang  (8/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội) sẽ lần đầu tiên đưa ra một bức tranh toàn cảnh về âm nhạc của Phú Quang với gồm nhiều tác phẩm khí nhạc, bên cạnh mảng sáng tác quen thuộc là ca khúc. Là một nghệ sỹ piano, chị đánh giá sao về mảng sáng tác còn ít người biết tới này của Phú Quang?

Bố vốn là người rất yêu thích nhạc cổ điển, tiếc là ông lại chưa dành được nhiều tâm huyết và đầu tư nhiều công sức cho mảng này. Một phần hẳn là do cuộc sống mưu sinh đưa đẩy, lúc còn trẻ ông đã đau đáu ấp ủ nhiều dự định viết nhạc giao hưởng, nhưng sau khi vào TP.HCM thì những đơn đặt hàng viết nhạc phim, rồi những ca khúc ra đời mang lại cho ông nhiều công việc hơn nên dần dần ông đã sao nhãng mục tiêu ban đầu. Sau này, vào những năm cuối đời, ông muốn hoàn thành nốt những trăn trở dang dở thời trẻ nhưng sức khỏe lại đi xuống nhanh quá nên cuối cùng vẫn chưa kịp thực hiện. Có lẽ ông không có duyên sâu đậm với dòng nhạc giao hưởng.

Chị nghĩ mình bắt đầu hiểu bố từ khi nào? Có tiếc là mình đã bỏ lỡ mất một cơ hội để hiểu, thông qua âm nhạc của ông?

Để hiểu bố, không cần bằng âm nhạc. Âm nhạc là sự hiểu biết của ông chứ không phải là con người ông, may ra chỉ một phần. Con người ông ở ngoài không đau khổ day dứt nhiều như thế. Bố ngoài đời rất thẳng tính, chứ không “ẩn dụ" như trong âm nhạc. Hoặc bố cũng giống mình, những gì day dứt đau khổ thường sẽ để trong lòng, rất ít khi nói ra được bằng lời.

Mình hiểu bố, đôi khi chỉ cần qua một vài lần đi mua sách cùng ông. Ông là người rất chịu “nạp”, ông có một tủ sách lớn trong nhà, ra hiệu sách cứ có sách mới là ông tha về, bất kể hay dở. Hoặc ông có kiểu “lọc” bằng chính giác quan rất đỗi nhạy cảm của ông, như cái cách ông lẩy một câu thơ thật hay để phổ nhạc vậy.

Mình nghĩ mình hiểu bố cũng vì giống nhau ở sự nhạy cảm đó. Từ bé, mỗi lần được bố cho đi gặp bạn bè của bố, mình đã biết người nào là bố có tình cảm, người nào là có tình cảm với bố, và họ chiều mình vì cái gì. Bố biết mình không nói nhiều nhưng luôn là người hiểu bố nhất và bố thường trò chuyện nhiều nhất.

Chị nghĩ sao khi trong bản di chúc rất ngắn của bố mình, mà có tới hai lần nhắc đến chữ "không tranh chấp gây mất đoàn kết"? Đó hẳn là nỗi lòng canh cánh của một người đàn ông có tới 3 lần đò và 3 đứa con cùng cha khác mẹ?

Ừ, vì dù sao bọn mình cũng vẫn là con khác mẹ, chưa kể thông thường quyền thừa kế ở ta thì thường là cho con trai quyết định, nên thực sự nếu nói về lý thì có vẻ không thuận. Có lẽ vì vậy mà bố có chút không an tâm nên phải căn dặn kỹ.

Tuy nhiên, quyết định của bố hợp về tình cảnh và mọi người từ bạn bè người thân, gia đình đến các em mình đều đồng thuận và thấy là hợp lý nhất nên cho tới giờ chưa có bất đồng nào. Bản thân mình cũng không muốn giữ trách nhiệm này, nhưng trước mắt, điều quan trọng là phải thu gom và hệ thống được toàn bộ di sản ông để lại, đưa nó vào hoạt động bài bản, tiếp tục duy trì phát triển cho ổn định và mong sớm có ngày em trai mình đủ cứng cáp để mình đủ yên tâm bàn giao lại quyền điều hành này.

Ông có từng bàn trước với chị về quyết định này không? Chị có bất ngờ khi mình là người được chọn?

Di chúc được lập vào tháng 11/2019, hơn 2 năm trước khi ông mất. Ông đã lập nó khi tỉnh táo và đưa cho mình xem trước rồi giao mình giữ nên mình cũng không bất ngờ. Để có được sự nghiệp thành công, ông đã dồn rất nhiều vào sự nghiệp, cộng thêm đường tình duyên lận đận, nên “sự nghiệp” chăm sóc con cái có phần chểnh mảng. Trong nhiều cuộc nói chuyện với mình về sau này, mình cảm nhận ông cũng có sự day dứt, ông hay nói “bố lo cái này cái nọ”. Ông lo nhất là cho em gái mình, vì em ấy vừa phải một nách nuôi hai con nhỏ, lại một tay chăm mẹ bệnh nặng, tuần hai lần chạy thận. Sau khi bố qua đời, mình có tình cờ bắt gặp được vài dòng nhật ký của bố, được bố ghi vội vào sau những tờ nhạc, là những tâm sự rời rạc đứt quãng nhưng xuyên suốt là một tâm trạng buồn mà bố gần như chưa bao giờ nói ra với bất kỳ ai hay trong âm nhạc.

Với bản di chúc này, mình hiểu là bố phần nào muốn bù đắp cho con cái, hy vọng di sản âm nhạc của bố là “của để dành”  cho con cháu…

Đã bao giờ, trong một quãng lặng nào đó của nội tâm, mà bố chị đã nói lời xin lỗi với chị chưa?

(Lắc đầu). Hoặc, bố xin lỗi theo kiểu của bố. Bố từng tâm sự với mình rằng, cả hai lần ly hôn, bố đều cảm thấy có lỗi với các con nên bố thường đi tay không và để lại toàn bộ tài sản (nghe thì to nhưng thực ra tài sản của bố thật ra cũng chỉ là cái nhà đang ở mà thôi), để bù đắp phần nào sự thiếu hụt. Về chuyện với mẹ, bố có lần giải thích với mình rằng, mẹ con thì rất là tốt, nhưng cũng lại hơi khắt khe, khắt khe với bố, có phần là thế, và với cả chính mẹ. Cái này thì mình hiểu, và mình tin là vậy. Đành rằng có một người thứ 3, và mình cũng rất yêu mẹ, nhưng một mặt, mình cũng là một người rất lý trí, mình công nhận mẹ mình đúng là hơi khắt khe thật. Thường là vậy, khi người ta hết lòng cho đi, người ta cũng thường có những đòi hỏi tuyệt đối về tình yêu, và kỳ vọng thật nhiều vào nó. Ai cũng có cái tôi của mình, và cách yêu của mẹ, có thể nó không được thực tế cho lắm.

Vậy thế nào là “yêu một cách thực tế”? Có cái gene trội” nào ở đây không?

Mình nghĩ mình đã được hưởng từ mẹ cách giáo dục gia giáo, nhưng cũng lại được hưởng từ bố cái tính cách phóng khoáng, có phần “nổi loạn”, khi cần. Hai thứ đó cộng lại và làm nên con người mình, giúp mình hóa giải được phần nào những bài toán khó trong hôn nhân.

Quyết định đó, mình nghĩ hẳn là gene của bố. Chuyện của mình và Duy, bố trái lại, ủng hộ từ đầu tới cuối. Bố nói, trong cuộc sống hôn nhân, quan trọng là phải hiểu và thông cảm cho nhau, chứ không phải là tuổi tác.

Đứng giữa hai người đàn ông nổi tiếng (chồng và bố), đâu là sự nghiệp của Trinh Hương? Chị có chạnh lòng không nếu bị cho rằng sự nghiệp của con gái Phú Quang có phần mờ nhạt?

Chính vì được ở cạnh hai người đàn ông đó mà mình thấy thế là quá đủ rồi, không muốn “bon chen” thêm nữa. Tuy nhiên, mình chỉ không muốn nổi tiếng thôi chứ về năng lực lao động, mình cũng không hề chịu kém cạnh đâu nhé! Mình tự thấy đào tạo là điểm mạnh của mình, mình yêu thích nó và nó phù hợp để cân bằng cuộc sống gia đình.

Nghệ sỹ piano Trinh Hương cùng chồng (nghệ sỹ violin Bùi Công Duy) và con trai.

Nhìn vào đồ thị đời sống hôn nhân của bố, đã bao giờ chị bị ám ảnh về nguy cơ đổ vỡ? Hơn chồng 6 tuổi, lại là một người chồng tài hoa và rất dễ… “đào hoa”, và suốt hơn 10 năm chờ đợi hạnh phúc được làm mẹ, đã bao giờ chị bị rơi vào mặc cảm và lo âu về sự mong manh của tờ giấy kết hôn?

Đã có lúc cảm giác hôn nhân của bọn mình dường như ở sát bên bờ miệng vực, không lối thoát. Cũng có lúc bàn tới chuyện, hay là thử tách ra một quãng, xem có ổn hơn không. Nhưng cá nhân mình không ủng hộ tách. Nếu tách là tan, chắc chắn thế. Phải cùng cố gắng bỏ qua và vượt qua, nếu không qua được thì mới nên tách. Sẽ cố hết sức để giữ, còn giữ được hay không, thì có thể còn do duyên.

Khi đến với Duy, mình xác định Duy là người đẹp trai, đào hoa, Duy là như thế, và mình chấp nhận tất cả những cái đó, kiểu như phải chọn nguyên một combo có “cả nạc cả mỡ”, chứ không thể yêu cầu Duy là khi đã thuộc về mình thì sẽ không được có những cái đó nữa.

Mình nghĩ, trong cuộc sống cũng như trong hôn nhân, dù thế nào cũng vẫn cần có những thỏa thuận, thành văn hay bất thành văn. Sẽ là không ổn, nếu như chỉ biết nhường nhịn. Nhường nhịn, muốn có, cũng phải trong một thỏa thuận. Cái này mình nhường, thì cái kia họ nhường. Nếu sự thỏa thuận nuột nà thì mọi việc theo đó cũng sẽ hanh thông, trôi chảy.

Nghệ sỹ piano Trinh Hương cùng chồng (nghệ sỹ violin Bùi Công Duy) và con trai.

Vào ngày đầu tiên trong nhà có tiếng trẻ con, và được ôm vào lòng một sinh linh bé nhỏ, cảm giác của chị thế nào?

Mình chỉ có thể dùng từ “không lời nào tả xiết”. Bức tranh cuộc sống suốt 7 năm qua bỗng trở nên đa thanh đa sắc hơn nhiều, tư duy hai đứa bọn mình cũng được giải phóng hơn.

Bố cũng mừng cho mình lắm. Nhưng trước đó, bố tuyệt nhiên không tỏ ra sốt ruột. Vì bố luôn nghĩ, ở đời, có những việc có sốt ruột cũng chẳng làm gì được.

Cũng bởi không sốt ruột nên ông gần như chưa kịp chuẩn bị cho sự ra đi của mình...

Nhạc sĩ Phú Quang và cháu ngoại (con trai Trinh Hương và Bùi Công Duy).
Báo Thanh Niên
08.12.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.